Một mùa xuân mới lại về. Trong cái vui chung, những chiến sỹ Cảnh sát PCCC thành phố Cảng cũng có niềm vui, hạnh phúc riêng của mình…
Đại tá Hoàng Văn Bình, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, người có trên 30 năm gắn bó với nghề và cũng chừng ấy năm đón Tết tại đơn vị, tâm sự: Tết Nguyên đán là khoảng thời gian tôi và tất cả CBCS luôn cảm nhận rõ những áp lực lớn, bởi Tết được xem là cao điểm, tình hình cháy nổ diễn biến hết sức phức tạp.
Chỉ mong sao không có bất cứ sự cố nào để người dân được vui trọn vẹn. Chính vì vậy, đơn vị luôn bảo đảm quân số trực sẵn sàng chiến đấu. Tất cả đều đón giao thừa và đón Tết ngay tại đơn vị để khi có lệnh là lên đường ngay.
Tiếp câu chuyện, Đại tá Bình cho hay, đã chọn làm người lính chữa cháy thì phải chấp nhận ở đơn vị nhiều hơn ở nhà. Có những năm, giao thừa, vì lý do đặc biệt được đơn vị ưu ái phân công “trực ở nhà” nhưng vẫn không yên tâm, các anh lại lên đơn vị đón Tết để động viên, chia sẻ cùng đồng đội. Và để mỗi CBCS vơi bớt đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân cũng như tạo không khí Tết, chỉ huy đơn vị tạo mọi điều kiện và chăm lo vật chất, tinh thần cho anh em một cách đầy đủ nhất. Tại các doanh trại, các đội công tác không thể thiếu đào, quất và bánh chưng xanh, chả giò, dưa hành…
Là một trong số ít những “bóng hồng” theo nghiệp này, suốt 18 năm, Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Đội trưởng Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Trung tâm cũng đã nhiều lần đón Tết tại đơn vị. Chị nhớ mãi vụ tham gia chữa cháy vào đúng mùng 3 Tết Kỷ Hợi vừa qua tại nhà lô 22, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền.
Lúc đó là 14h52′, nhận được tin báo, Thiếu tá Thủy cùng đồng đội nhanh chóng lên đường. Tới nơi, được thông tin còn một cụ già 90 tuổi chưa thoát được ra ngoài, những người lính cứu hỏa khẩn trương triển khai lăng vòi phun nước, dầm mình trong nước lạnh và cái rét cắt da cắt thịt. Một nhóm khác trèo qua ban công đưa ông cụ thoát hiểm.
Đáng nói, khi vào nhà, có chiến sỹ còn phát hiện một bình gas đang bùng cháy. Không sợ nguy hiểm, anh đã mau lẹ xử lý kịp thời. Có một điều, chị Thủy và đồng đội ngày hôm đó không biết được, qua kênh của báo điện tử An ninh Hải Phòng tại địa chỉ anhp.vn, con của cụ đã nhắn nhủ lời cám ơn chân thành trước tinh thần dũng cảm quên mình vì dân của những người lính chữa cháy thành phố Cảng.
Tết đến xuân về, cũng là lúc mỗi người đều mong muốn được trở về quây quần bên gia đình, người thân, chờ đón năm mới. Nhưng với người lính chữa cháy, lực lượng chiến đấu đặc biệt của ngành Công an thì như đã nói, chuyện đón Tết tại đơn vị đã “không bao giờ còn là lạ”. Dạo quanh một vòng các đơn vị, điều dễ nhận thấy là hầu hết lính chữa cháy đều là chiến sỹ trẻ. Dù vậy, họ luôn là những chiến sỹ bản lĩnh, chấp nhận hy sinh và thật sự yêu nghề.
Có lần được trò chuyện với những người lính trẻ ấy tại Đội Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Núi Đèo – Minh Đức, chúng tôi thật xúc động khi tất cả đều hào hứng: “Bọn em thật sự yêu thích và tự hào khi mình là người lính chữa cháy.
Năm đầu tiên đón Tết tại đơn vị, vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, ai cũng thấy nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhưng khi nhìn đồng đội xung quanh, cảm giác đó lắng xuống rất nhanh. Lãnh đạo đơn vị, ban chỉ huy Đội cũng rất quan tâm, thường xuyên xuống động viên, thăm hỏi cùng đón Tết với chúng em. Ở đơn vị, ngày Tết không thiếu thứ gì. Có đào, quất, bánh chưng xanh, mâm ngũ quả. Chỉ khác là bố mẹ không ở bên cạnh, nhưng bù lại có tình cảm của chỉ huy đơn vị, của đồng đội”…
Dù bản lĩnh, cứng rắn đến mấy song quả thực vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tất cả các anh luôn nghĩ về cha mẹ, vợ con, về những người thân yêu đang đợi họ ở nhà và cầu mong một năm mới bình yên, trong đó sẽ không có sự cố về cháy, nổ. Những người lính chữa cháy dường như đã không chọn cho cuộc đời mình công việc nhẹ nhàng.
Các anh, các chị đã chọn đối đầu với hiểm nguy, chọn sự hy sinh thầm lặng để mang lại bình yên cho cuộc sống. Mùa xuân đã về trên khắp các nẻo đường của đất nước, xin chúc cho những người lính chữa cháy chân cứng, đá mềm, hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao.
MINH PHƯƠNG