Tết “chuyển đổi số”

Ngày 26 tháng Chạp, sau khi đi hết những nơi cần đi, làm hết những việc cần làm, mua hết những thứ cần mua, chỉ còn gói ghém lại công việc ở cơ quan và bày biện thêm nhà cửa là Tết cũng hòm hòm, ngồi nghĩ lại tôi thấy Tết năm nay thật “chuyển đổi số”.

Tết này, gần như mọi món đồ mua bán, sắm sửa của nhà tôi đều thực hiện trên không gian mạng. Từ những chiếc móc nhỏ xíu treo trang trí giá vài ngàn đồng, cho đến những chai rượu ngoại đắt tiền; từ bánh kẹo cho đến thực phẩm tươi sống được lựa chọn trên các sàn thương mại điện tử hoặc các cửa hàng online để “chốt đơn” rồi đưa đến tận nhà.

Chỉ có duy nhất cây đào, một phần vì muốn lựa chọn cẩn thận, một phần vì tôi muốn ra đường ngắm phố xá nên được mua “offline”. Mặc dù trước đó, chủ vườn đào đã gọi điện bằng hình ảnh để giới thiệu một số cây và sẵn sàng “ship” luôn đến tận phòng khách.

Tết này, tôi không soạn những đoạn tin nhắn nhiều dòng chữ để chúc mừng hàng loạt tới người thân và bạn bè. Thay vào đó, trí tuệ nhân tạo AI và các ứng dụng công nghệ đã có thể nhanh chóng tạo ra nhiều lời chúc năm mới bằng hình ảnh, video và giọng nói sinh động… có thể dễ dàng gửi tới mọi người thông qua nhiều kênh liên lạc.

Thậm chí, nếu có thiết bị phù hợp, mọi người có thể sử dụng công nghệ thực tế ảo VR để nhìn thấy người thân từ xa đang đứng chúc Tết ngay trước mắt không khác gì hiện thực.

Lì xì in mã QR nhận lì xì “số” cho trẻ nhỏ (ảnh minh họa).

Tết này, tôi hầu như chưa dùng đến tiền mặt. Các hoạt động thanh toán được thực hiện trực tuyến qua ứng dụng của các ngân hàng và ví điện tử, hoàn toàn không gặp khó khăn gì về thời gian, địa điểm, số tiền…

Có chăng, tôi sẽ chuẩn bị tiền giấy để lì xì cho trẻ con và đi lễ đầu năm. Thế rồi, ngày hôm qua tôi đã thấy có ngân hàng triển khai mã thanh toán QR đặt trên hòm công đức ở đền chùa và vợ tôi thì nhanh tay “order” cho các con những chiếc túi, kẹp tóc dễ thương có in sẵn mã QR để nhận lì xì “số”.

Tết này, thật “chuyển đổi số”. Nói như vậy, nhưng Tết “chuyển đổi số” không hề làm mất đi giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa nào của dân tộc. Tết vẫn có đầy đủ thịt mỡ, dưa hành, cây nêu, tràng pháo; vẫn có chúc Tết; vẫn có lì xì… và mỗi người vẫn cảm nhận được tinh thần đoàn viên, hân hoan của Tết.

Tuy nhiên, chuyển đổi số giúp cho những công việc chuẩn bị cho Tết trở nên dễ dàng hơn, thuận tiện hơn để mọi người có nhiều thời gian hơn tận hưởng không khí của những ngày đầu năm mới cùng người thân.

Chắc chắn một điều rằng, càng tới tương lai, Tết sẽ tiếp tục chuyển đổi số, nhưng “số” sẽ không thể “chuyển đổi” Tết.

LÊ TẤT

Nguồn tin: ANHP

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More