Theo dự thảo thông tư về “Quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” đang lấy ý kiến có một số điểm mới.
Điều 33 dự thảo Nghị định quy định về biển số xe của cơ quan, tổ chức trong nước như sau: Đối với xe cá nhân vẫn dùng biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen, sêri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau đây: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z.
Tuy nhiên, đối với những xe hoạt động kinh doanh vận tải sẽ có biển số nền màu vàng cam, chữ và số màu đỏ.
Đây sẽ là biển số có màu vàng cam, chữ và số màu đỏ đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam cùng với hệ thống biển số nền màu xanh, chữ và số màu trắng (hay còn gọi là xe công), biển màu đỏ chữ trắng (xe trong quân đội), biển màu vàng có chữ và số màu đỏ dùng trong khu kinh tế cửa khẩu quốc tế, cấp cho xe của khu kinh tế – thương mại đặc biệt hoặc khu kinh tế cửa khẩu quốc tế theo quy định của Chính phủ…
Nghị định 86/2014/NĐ-CP định nghĩa: Xe ôtô được coi là kinh doanh vận tải nếu mục đích sử dụng thuộc các trường hợp sau:
Kinh doanh vận tải bằng xe ôtô là việc sử dụng xe ôtô vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp.
Kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, trong đó đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp dịch vụ vận tải và thu cước phí vận tải trực tiếp từ khách hàng.
Như vậy các loại xe đang kinh doanh vận tải hiện nay trong đó có loại hình taxi truyền thống và taxi công nghệ sẽ phải đổi sang biển màu vàng cam và số đỏ.
Nghị định cũng đưa ra thời gian về việc thực hiện thủ tục đổi sang biển số xe nền màu vàng cam, chữ và số màu đỏ đối với xe hoạt động kinh doanh vận tải đã được cơ quan đăng ký xe cấp biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen là phải xong trước 31.12.2020.
Hồi tháng 4 năm ngoái, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM đã cùng kiến nghị Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông về màu biển số cho các phương tiện kinh doanh vận tải.
Theo các hiệp hội, hiện tất cả phương tiện thuộc sở hữu doanh nghiệp và cá nhân dù kinh doanh vận tải hay không đều được cấp biển số nền màu trắng. Thế nhưng, loại hình kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ hoạt động như taxi (taxi công nghệ), phát triển ồ ạt tại nhiều tỉnh, thành. Các phương tiện này không khác với xe cá nhân (không có mào, không sơn logo thương hiệu) nên khi đi vào đường cấm taxi, hoạt động trái phép tại sân bay thì cảnh sát giao thông khó phát hiện.
Các hiệp hội đề xuất các loại xe này cần mang biển số riêng màu nền vàng, chữ đen (khi ngừng kinh doanh vận tải sẽ lại được đổi về biển kiểm soát cũ màu nền trằng, chữ đen) để thuận lợi cho công tác quản lý phương tiện, giúp các lực lượng chức năng cũng như người dân dễ dàng nhận biết được phương tiện kinh doanh vận tải, tránh việc gian dối của các chủ xe, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch.
Tuy nhiên thời điểm đó, Bộ Công an đã trả lời các Hiệp hội Taxi rằng, hiện nay việc quản lý phương tiện kinh doanh vận tải bằng ôtô nói chung và phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi nói riêng đã được quy định rất đầy đủ, cụ thể trong các văn bản của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải. Vì thế, theo Bộ Công an, hầu hết các xe taxi hợp đồng hiện nay, theo quy định của Bộ GTVT đã phải có bộ nhận diện đầy đủ bằng phù hiệu dán bên hông, tấm biển để phía trước, lực lượng chức năng lấy đó làm cơ sở để phân biệt và xử phạt, chứ không nhất thiết phải đổi biển số.
Bản thân Bộ GTVT đang rất lúng túng trong việc phân biệt giữa taxi công nghệ và xe cá nhân, giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống.
Giải pháp của Bộ GTVT trong 12 lần trình Nghị định 86 sửa đổi là đề xuất xe công nghệ cũng phải gắn “mào” – hộp đèn cố định nhận diện taxi – cho dù cuối tháng 7.2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu hủy bỏ đề xuất bắt buộc taxi công nghệ phải gắn hộp đèn trên nóc xe. Thủ tướng chỉ đạo phải dùng công nghệ để quản lý thay vì “gắn hộp đèn”.
Với giải pháp về biển số màu vàng cam chữ đỏ dành cho xe kinh doanh vận tải trong dự thảo Bộ Công an thì cuộc tranh cãi về chuyện “có mào hay không có mào” sẽ chấm dứt.
Theo nghị định 86, tất cả các xe tải kinh doanh đều phải gắn logo, tem phù hiệu, việc này gây khó khăn rất nhiều cho các doanh nghiệp. Việc xin phù hiệu cũng không hề đơn giản khi trải qua hàng loạt thủ tục pháp lý và sinh ra nhiều các giấy phép con rất mất thời gian và tốn kém chi phí.
Một khi Thông tư về việc cấp biển màu vàng cam cho xe kinh doanh vận tải sẽ hạn chế những phiền hà này.
Nhưng quan trọng nhất hiện nay là việc khi có biển số mới, việc phân biệt xe taxi công nghệ với xe cá nhân sẽ rất dễ dàng. Trong đó có việc ngăn chặn và phát hiện xe taxi công nghệ đi vào đường cấm.
Hiện Hà Nội đang triển khai quy định cấm taxi và các xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động dưới hình thức “taxi công nghệ” trên 11 tuyến phố theo các khung thời gian tương ứng. Thế nhưng việc phát hiện và xử lý quá khó khi tem nhận diện lại nằm ở những nơi khó thấy dẫn đến tình trạng vào giờ cao điểm, xe taxi công nghệ vẫn điềm nhiên đi vào đường cấp gây ách tắc giao thông nhất là khi tan tầm.
Việc đưa ra biển số màu vàng cam sẽ giải quyết được nhiều mâu thuẫn, quan trọng là quản lý được một loại hình kinh doanh vận tải đang phát triển hiện nay.
Ông Đỗ Quốc Bình – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội: Sử dụng biển số theo màu sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho quan quản lý
Chúng ta cần xác định vào tuỳ từng giai đoạn phát triển sẽ sử dụng biển số liên quan đến vấn đề phân loại. Cụ thể trong giai đoạn 1 chúng ta chỉ phân loại xe biển xanh, biển đỏ, biển trắng và các ký hiệu để phân loại xe cá nhân hay xe của các cơ quan Nhà nước; giai đoạn 2 sẽ là sử dụng quản lý phân biệt, những dòng xe kinh doanh và xe không kinh doanh bằng màu để dễ phân biệt vì nếu không dùng màu để phân biệt rất dễ bị lợi dụng; giai đoạn 3 dùng biển số thông thường để đánh giá theo nhu cầu của khách hàng ở một vùng hay thành phố nào đó theo ý muốn theo tính quảng bá cho vùng. Cuối cùng là ngoài việc quản lý bằng biển số, cần phải quản lý bằng công nghệ thông tin để tránh làm giả.
Theo đó, hiện chúng ta mới đang ở trong giai đoạn 2 của quá trình, đương nhiên chúng ta phải nhận diện biển bằng màu việc này gây phiền hà và tốn kém cho các DN vận tải taxi. Nhưng DN phải chấp nhận vì đây là quá trình phát triển buộc phải sử dụng các công cụ quản lý như vậy. Bản chất của vấn đề là phải dùng công nghệ thông tin để quản lý phương tiện. Việc quản lý phương tiện thông qua biển số là liên quan tới các quy định của pháp luật, nếu sử dụng biển số giả, biển số không đúng định là vi phạm pháp luật. Trong giai đoạn phát triển việc sử dụng biển số theo màu sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho quan quản lý.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải – chủ DN Taxi Đất Cảng (Hải Phòng): Giúp việc thực thi pháp luật công bằng
Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này nhưng điều quan trọng nhất là phải định hình rõ được loại hình vận tải với tên tuổi rõ ràng. Việc quy định màu của biển số xe cũng chỉ là một góc độ để quản lý, nếu chúng ta đưa được tất cả các xe hợp đồng, xe công nghệ vào chung một loại ví dụ như taxi chẳng hạn thì mới quản lý được. ĐẶNG TIẾN (ghi)
MINH BẰNG Theo Báo Lao động
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More