Print Thứ bảy, 26/01/2019 18:16

Những năm gần đây, lượng khách du lịch đi tàu thăm vịnh Cát Bà ngày càng nhiều. Du khách được đi thăm một số đảo, tuy nhiên, có nhiều chuyến không cập được vào đảo, khách du lịch bắt buộc phải sang đò để vào đảo, vừa nguy hiểm, vừa không thuận lợi.


Cầu tàu tạm tại đảo Nam Cát không đáp ứng neo tàu du lịch khi nước cạn.

 “Nín thở” cảnh tăng bo bằng thuyền

Theo Ban An toàn giao thông thành phố, tại một số đảo khai thác du lịch trên vịnh Cát Bà chưa có cầu tàu chuẩn đáp ứng nhu cầu neo đậu của một số loại tàu du lịch. Phần lớn cầu tàu nhỏ và ngắn. Một số đảo không có cầu tàu. Các tàu du lịch bắt buộc phải neo đậu ở xa và “tăng bo” khách vào đảo bằng thuyền nhỏ, rất nguy hiểm.

Ông Văn Hiển, đại diện Công ty Chính Vũ- chủ tàu Biển Xanh cho biết, doanh nghiệp khai thác tàu rất mệt mỏi vì khó có thể neo đậu vào gần các đảo. Đơn cử như đảo Cát Dứa (đảo khỉ), cầu không đáp ứng được việc neo đậu, người vào đảo bắt buộc phải dùng thuyền, nguy cơ tai nạn cao.

Thiếu cầu tàu cũng là nỗi khổ của các chủ tàu khi ứng xử với khách du lịch. Ông Nguyễn Thành Trung, chủ tàu du lịch Hoàng Gia cho biết, để vào đảo trên vịnh Cát Bà, khách du lịch phải trung chuyển qua đội thuyền nhỏ, mất thêm một lần tiền. Nhiều du khách cho rằng chủ tàu cấu kết với đội đò để thu thêm tiền. Khách không hài lòng, đành ngậm ngùi chịu vậy, nhưng mối lo về mất an toàn còn lớn hơn. Nhiều lần chứng kiến cảnh du khách bế trẻ con từ tàu xuống thuyền vào đảo, cả đội tàu nín thở, chờ thuyền cập đảo mới thở phào nhẹ nhõm. Lúc từ đảo ra tàu cũng vậy. Doanh nghiệp chỉ mong sao có cầu tàu để tàu cập an toàn.

Cầu tàu đã thiếu, lại chưa có cầu tàu chuẩn theo mực nước. Theo các doanh nghiệp tàu thủy du lịch tại Cát Bà, mức thủy triều trong ngày ở Cát Bà có sự chênh lệch khá lớn, dao động từ 2 đến 4 m, nước cạn từ đêm về sáng. Vì vậy, càng sáng sớm, tàu càng phải neo xa đảo. Ngay cả bến Bèo vốn là nơi có cầu tàu lớn nhất nhưng tàu ra vào buổi sáng rất khó khăn vì nước cạn. Nước lên khi trời bắt đầu về chiều, cùng lúc có nhiều khách du lịch đi thăm đảo, đôi khi các tàu không đáp ứng kịp. Thời gian qua, huyện Cát Hải quan tâm đầu tư mở rộng điểm cập tàu tại bến Bèo, song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đón khách du lịch.

Tìm giải pháp khắc phục hợp lý

Về cơ bản, các đảo khai thác du lịch trên vịnh Cát Bà đều có cầu tàu, nhưng phần lớn, chỉ đáp ứng được các thuyền nổi hoặc ca nô, không có cầu để du lịch tàu lớn cập đảo. Một trong những nguyên nhân là không được xây dựng quá nhiều trên biển để bảo vệ cảnh quan, môi trường quần đảo Cát Bà- nơi được UNESSCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tuy nhiên, tại cuộc họp giữa Ban An toàn giao thông thành phố với các doanh nghiệp tàu du lịch Cát Bà vừa diễn ra, nhiều chủ tàu đề xuất phương án làm cầu tạm và phông-tông (hay còn gọi là chiếu nghỉ đầu cầu).

Theo các doanh nghiệp, cầu tạm dùng tre cắm xuống biển kết hợp với các loại vật liệu nổi, dùng neo neo lại. Loại cầu tàu này có thể kéo dài hoặc thu ngắn lại (cắt cầu) chỉ trong vòng vài phút. Lúc nước cạn vươn ra xa, lúc nước lên thu lại. Vào những ngày gió bão, có thể kéo cầu lên bãi để giữ gìn. Phông- tông có thể dùng thùng phuy rỗng, thùng nhựa rỗng hoặc xốp, đan kết lại nối với cầu tàu, được neo xuống đáy biển để giữ an toàn. Tàu cập vào phông-tông cho khách du lịch xuống tàu. Vừa an toàn, vừa thuận lợi, vừa không phải mất thêm chi phí. Vận hành cầu và phông-tông chỉ cần 2-3 người.

Hiện nay, ở khu vực bến Bèo và vịnh Cát Bà, khá nhiều bè nổi sử dụng loại cầu này nối với bờ. Đảo Nam Cát cũng đang sử dụng loại cầu này. Tuy nhiên, đối với các đảo khách du lịch thường đến, việc làm cầu tàu rất cần thiết để bảo đảm an toàn. Ông Văn Quang, phụ trách đội tàu Đảo Ngọc cho biết, doanh nghiệp tàu du lịch sẵn sàng chung tay xây dựng cầu tàu vào các đảo, bên cạnh đó, các doanh nghiệp khai thác du lịch trên đảo cũng cần vào cuộc để xây dựng cầu tàu phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khối tàu cũng như tạo thuận lợi hơn cho khách du lịch.

Chi phí để xây dựng cầu tàu phục vụ hoạt động du lịch tại các đảo không lớn, song điều các doanh nghiệp mong muốn là cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, quy hoạch khu vực được phép xây dựng cầu, quy mô cầu, bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ tài nguyên, môi trường biển với hoạt động du lịch. Đó là cơ sở để phát triển du lịch Cát Bà bền vững, thuận lợi và an toàn.

Bài và ảnh: Đức Phong – Báo Hải Phòng ngày 10/06/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tàu, thuyền ra vào các đảo trên vịnh Cát Bà: Khó khăn vì thiếu cầu tàu đạt chuẩn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác