Tập trung tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, tránh đầu tư dàn trải

Theo Bộ Giao thông Vận tải, Liên danh tư vấn Cty CP Đầu tư và Xây dựng GTVT (TRICC) và Viện khảo sát thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc (đơn vị tư vấn) đang nghiên cứu báo cáo cuối kỳ quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng với tổng vốn đầu tư lên đến 100.000 tỉ đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần tập trung làm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, không nên đầu tư dàn trải gây lãng phí.

Tuyến đường sắt sẽ chạy qua 8 tỉnh

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện năng lực của tuyến đường sắt đi từ Lào Cai đến Hải Phòng rất thấp và chỉ chạy trung bình 50km/h. Theo đại diện TCty Đường sắt Việt Nam (VNR), đường sắt đã có lịch sử hàng trăm năm trong khi việc quản lý quy hoạch đô thị, khu dân cư không tốt đã để người dân lấn chiếm. Bất cập hiện nay thấy rõ hàng hóa của cảng không đi đường sắt, mà chủ yếu sử dụng đường bộ. Giờ muốn tái lập đường sắt xuống các cảng biển cũng không thể làm, nếu cố di dời và dỡ bỏ tuyến đường ray thì vô hình chung đã cắt đi hậu phương vững chắc của các cảng này.

Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR – Vũ Anh Minh chỉ rõ nguyên nhân đường sắt yếu kém tụt hậu, do hơn 30 năm qua chúng ta tập trung vào phát triển đường bộ, đường biển và hàng không mà chưa quan tâm phát triển đến đường sắt. Nhưng đây là chủ trương đầu tư của đất nước, phụ thuộc vào nguồn lực kinh tế. Nếu đường bộ chỉ cần 2.000-3.000 tỉ đồng làm được một đoạn đường hay một cây cầu, nhưng đường sắt phải đầu tư đồng bộ cả tuyến, do đó đòi hỏi nguồn lực lớn mà thu hồi vốn lại chậm. Do đó, nhu cầu phát triển KTXH của đất nước cần phải đầu tư vào các phương thức vận tải khác.

Tuyến đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sẽ chạy qua 8 tỉnh với chiều dài khoảng 390km và được kết nối với tuyến đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc). Theo thiết kế toàn tuyến có 73 cầu lớn với tổng chiều dài trên 130km, 25 hầm dài khoảng 25km. Mỗi ngày có 15 đôi tàu chạy, dự kiến sẽ vận chuyển khoảng 10 tấn hàng hoá mỗi năm. Qua đó, tư vấn đã đưa ra hai phương án là cải tạo tuyến đường hiện hữu thành khổ lồng, sẽ giữ nguyên khổ đường cũ và thêm một khổ đường 1,435m và phương án xây dựng một tuyến mới với khổ 1,435m, nâng tốc độ chạy tàu lên khoảng 160km/giờ. Ước tính tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỉ đồng (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng). Kinh phí cho quy hoạch tuyến đường sắt này Chính phủ Trung Quốc viện trợ.

Theo GS-TS Bùi Xuân Phong – Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam, tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng mới đang trong giai đoạn nghiên cứu, quy hoạch, khi nào có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan liên quan, các chuyên gia… thì mới có thể bàn tiếp. Nhưng trước mắt Bộ GTVT cần tập trung triển khai các tuyến đường sắt đã có trong quy hoạch, tránh dàn trải lãng phí, không mang lại hiệu quả.

Muốn đẩy nhà ga đường sắt ra khỏi nội đô

Tại buổi làm việc mới đây với Bộ Giao thông Vận tải, một doanh nghiệp đã kiến nghị nên di dời đường sắt Nha Trang ra khỏi TP.Nha Trang. Tiếp sau đó, ga Đà Nẵng cũng đang “rục rịch” lên kế hoạch để được di dời ra vị trí mới. Tiếp đến, cử tri tỉnh Phú Thọ cũng vừa có kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải về việc nghiên cứu di dời các tuyến đường sắt ra khỏi khu vực trung tâm thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ vì đây là các trung tâm kinh tế-chính trị trọng yếu của tỉnh.

Trước các kiến nghị trên, đại diện VNR cho rằng, trên toàn thế giới đường sắt đều thể hiện 2 ưu việt, đó là tính an toàn và nằm trong nội đô để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân. Việc xây dựng nhà ga đường sắt trong khu vực nội đô mục đích là hướng tới sự thuận lợi cho người dân chứ không phải cơ quan quản lý Nhà nước. Trên thực tế, các nước phát triển chỉ duy trì mở rộng ga trung tâm để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Do đó, cần phải làm giao cắt như đường bộ đi trên cao hoặc ngầm để giảm chi phí đầu tư so với đường sắt.

Đại diện VNR cho rằng, nhà ga là điểm đến, điểm đi và nếu có thể nâng cấp thành các khu vui chơi, trung tâm thương mại, dịch vụ sẽ thu được thặng dư để bù đắp chi phí đầu tư. Thặng dư còn lại để xây dựng các nhà ga chưa có sức hấp dẫn, từng bước nâng dần toàn bộ hệ thống các nhà ga. Do đó, nếu nhà ga chỉ đơn thuần là phục vụ hành khách thì không thể phát triển và rất khó thể thu hồi vốn. Trong khi đó các nhà ga không khai thác hiệu quả nhà ga và đã bỏ phí nhiều năm qua.

Theo các chuyên gia về đường sắt, nhà ga không chỉ là thực hiện chức năng tác nghiệp vận tải mà cần được phát triển thành điểm du lịch, văn hóa của địa phương. Do đó, các địa phương không nên đưa ga hành khách đường sắt ra khỏi thành phố, nếu thực sự cần thiết di dời phải theo quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt.

Theo ông Minh, hiện ngành đường sắt đang từng bước cải tạo hệ thống nhà ga, nâng cao chất lượng dịch vụ như: Bán vé, vệ sinh, kết nối đa phương tiện, điều chỉnh giờ tàu phù hợp với kết nối của các phương thức giao thông khác để hỗ trợ tốt nhất cho hành khách.

ĐẶNG TIẾN

Nguồn tin: Báo Lao động

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More