Print Thứ Tư, 12/02/2020 08:24 Gốc

Cục Thú y cho biết, đến nay cả nước có tám ổ dịch cúm gia cầm (CGC) do chủng vi-rút A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy hàng chục nghìn con gia cầm.

Trước tình hình này, Cục Thú y đã thành lập đoàn công tác đến các địa phương đang có ổ dịch CGC cũng như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng; các địa phương có ổ dịch cũ và địa phương có nguy cơ cao để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tập trung phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N6
Người dân xã Tân Tiến, huyện An Dương thường xuyên chăm sócvà tái đàn đã nâng tổng đàn lợn của TP Hải Phòng lên hơn 240.000 con.Ảnh: NGUYỄN DŨNG

★ Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, trên địa bàn xã Phú Nghĩa huyện Chương Mỹ có bốn hộ chăn nuôi có gia cầm bị ốm chết; trong đó một hộ chăn nuôi có gia cầm dương tính với CGC A/H5N6. Tổng số gia cầm tiêu hủy của bốn hộ là 6.807 con. Hiện nay, lực lượng chức năng đã lập chốt kiểm dịch tại địa bàn và rắc vôi bột tiêu độc khử trùng, ngăn dịch lây lan.

★ Tại Thanh Hóa, từ ngày 3-2 đến nay CGC A/H5N6 xảy ra trên đàn gia cầm ở 14 hộ ở hai huyện Nông Cống và Quảng Xương, buộc phải tiêu hủy hơn 24.000 con gia cầm. Hiện nay, cơ quan thú y đang tập trung vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường và khu vực chăn nuôi; lập các chốt kiểm dịch động vật nhằm ngăn chặn đưa gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài vùng dịch. Ngày 11-2, tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) xuất hiện thêm hai ổ dịch CGC A/H5N6 tại xã Quỳnh Hậu và Quỳnh Bá. Như vậy, từ ngày 6-2 đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện ba ổ dịch CGC A/H5N6. Tại tỉnh Quảng Ninh CGC A/H5N6 cũng xảy ra tại một hộ chăn nuôi thuộc xã Dực Yên, huyện Đầm Hà. Tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là 3.000 con.

★ Để phòng dịch cúm cho đàn gia cầm, tỉnh Bắc Giang đã phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi trên đường vào chuồng trại nuôi gà, lò mổ, chợ buôn bán thực phẩm. Tỉnh cũng đã cấp gần 9.000 lít hóa chất khử trùng, yêu cầu mỗi xã dự trữ 10 tấn vôi bột để phòng dịch.

★ Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có khoảng 9 triệu con gia cầm. Nhằm bảo đảm an toàn cho đàn gia cầm trước dịch cúm, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương giám sát nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi xảy ra dịch; tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh và tiêu độc khử trùng chuồng nuôi.

★ Để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh trên vật nuôi, quản lý tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch; bán chạy, giết mổ động vật nghi mắc bệnh; vứt xác động vật chết ra môi trường, nguy cơ phát tán dịch bệnh, ô nhiễm môi trường…

★ Thành phố Hải Phòng vừa công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Ngay khi thành phố công bố hết dịch, các hộ, doanh nghiệp chăn nuôi đã tập trung tái đàn. Đến nay, đã có hơn 2.000 hộ, cơ sở tái đàn với hơn 85.000 con lợn, nâng tổng đàn lợn của thành phố lên hơn 240.000 con.

★ Ngày 11-2, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với tỉnh Tiền Giang về tình hình sản xuất, chế biến nông sản trước ảnh hưởng dịch do nCoV và phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Hiện nay, tỉnh có hơn 79.000 ha cây ăn quả. Năm 2019, tỉnh xuất khẩu hơn 20.000 tấn trái cây, đạt kim ngạch 37,6 triệu USD. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch do nCoV, giá nhiều loại trái cây đã giảm mạnh, tiêu thụ khó khăn. Tại buổi làm việc, đoàn công tác đề nghị tỉnh trước mắt cần tập trung tiêu thụ trong nước, thực hiện các giải pháp để không ảnh hưởng lớn đến sản xuất của nhân dân. Bên cạnh đó, đoàn công tác đánh giá cao công tác phòng, chống hạn, mặn của tỉnh để giữ an toàn 25.000 ha lúa đông xuân, hơn 79.000 ha cây ăn quả.

★ Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia nhận định, xu thế xâm nhập mặn trên các sông ở Nam Bộ từ nay đến ngày 13-2 tiếp tục tăng cao do ảnh hưởng của triều cường. Theo đó, trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, phạm vi xâm nhập mặn từ 90 đến 95 km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, phạm vi xâm nhập mặn từ 50 đến 53 km; sông Hàm Luông, phạm vi xâm nhập mặn 71 km; sông Cổ Chiên, phạm vi xâm nhập mặn 65 km; sông Hậu, phạm vi xâm nhập mặn 61 km; sông Cái Lớn, phạm vi xâm nhập mặn 60 km. Từ ngày 14 đến 20-2, xu thế xâm nhập mặn giảm dần.

★ Tỉnh Trà Vinh hiện có khoảng 10.000 ha lúa đông xuân bị thiệt hại từ 30 đến 70% do ảnh hưởng của khô hạn, xâm mặn. Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đang hướng dẫn nhân dân tận dụng nguồn nước ngọt ở các ao, hồ nhằm lấy nước phục vụ sản xuất.

★ Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có gần 1.300 ha lúa bị các đối tượng gây hại. Trong đó, diện tích lúa bị nhiễm bọ trĩ gần 980 ha, bị chuột cắn phá 220 ha, tập trung tại các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch và Quảng Trạch. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng gây hại cho lúa.

★ Tổng cục Thủy lợi cho biết, trong đợt lấy nước thứ 2, tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện là 1,28 tỷ m3 nước. Đợt lấy nước thứ 3 sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 19 đến 21-2 và duy trì mực nước tại Trạm thủy văn Sơn Tây từ 1,5m trở lên. Đây là đợt lấy nước phục vụ diện tích gieo cấy muộn của TP Hà Nội; dòng chảy sẽ được duy trì ở mức bảo đảm các trạm bơm dã chiến vận hành lấy nước.

★ Theo Cục Kiểm lâm, do nắng nóng kéo dài, thời tiết khô hanh, cho nên trên địa bàn cả nước có 26 tỉnh, thành phố có rừng đang cảnh báo cháy ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Trong đó có tám tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ, 13 tỉnh khu vực Tây Nam Bộ, bốn tỉnh vùng Tây Nguyên và một số nơi ở huyện Mai Sơn (Sơn La). Cục đề nghị các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng theo quy định.

★ Do trong thời gian dài không có mưa cộng khô hạn dẫn đến nguy cơ cháy rừng ở tỉnh Ninh Thuận đang ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Đáng chú ý, thời gian gần đây, trên lâm phần của một số đơn vị xảy ra 25 vụ cháy rừng. Tỉnh yêu cầu lực lượng chức năng tuyên truyền người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.

★ Tại tỉnh An Giang nhiều địa bàn đang có rừng cảnh báo cháy cao. Hiện tổng diện tích rừng trọng điểm có nguy cơ cháy là gần 7.300 ha, chiếm 43,2% tổng diện tích rừng của tỉnh. Để phòng, chống cháy rừng, lực lượng kiểm lâm đang duy trì hoạt động của 17 tổ hợp tác bảo vệ và phát triển rừng; cử lực lượng ứng trực 24 giờ trong ngày nhằm phát hiện và xử lý kịp thời nếu xảy ra cháy rừng.

★ Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, hiện có gần 13.200 ha rừng cảnh báo cháy ở cấp 4 (cấp rất nguy hiểm) và gần 3.000 ha rừng cảnh báo cháy ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Hiện nay, mực nước dưới kênh, mương trong lâm phần rừng tràm đang bốc hơi nhanh, nguồn nước cạn kiệt ảnh hưởng đến công tác phòng, chống cháy rừng.

Hàng trăm xe hàng trái cây ùn ứ tại các cửa khẩu

Bộ Công thương cho biết, hiện nay tại một số cửa khẩu ở hai tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai vẫn còn ùn ứ nhiều xe ô-tô chở trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV) gây ra. Ở Lạng Sơn, đến tối 10-2, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị còn tồn 114 xe hàng trái cây và linh kiện điện tử; tại cửa khẩu Cốc Nam tồn 10 xe nông sản, tạp hóa; tại cửa khẩu Ga Đồng Đăng còn tồn bảy toa thanh long. Ở Lào Cai, tại cửa khẩu Kim Thành II còn tồn 120 xe trái cây. Trước tình hình đó, Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp và người dân có biện pháp để điều tiết sản lượng; tiếp tục hạn chế đưa hàng lên biên giới, trừ trường hợp xuất khẩu theo hình thức chính ngạch…

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tập trung phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N6
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác