Print Thứ Ba, 24/12/2019 14:50 Gốc

Ít ngày sau khi các nhà khoa học khẳng định bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) liên quan đến trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288, hàng trăm người dân đã đổ về để chiêm ngưỡng bãi cọc cổ.

9h ngày 24.12 tại bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, người dân đổ về chiêm ngưỡng cọc cổ, bàn luận về nghệ thuật tác chiến của cha ông trong trận chiến Bạch Đằng Giang. Ảnh Mai Dung

Khoảng hơn 9h sáng 24.12, bãi cọc Cao Quỳ, nơi phát hiện, khai quật 27 cọc cổ niên đại gần 1.000 năm, người dân khắp nơi đổ về, “mục sở thị” bãi cọc cổ.

Ông Nguyễn Tuân Triệu (sinh năm 1963, trú tại thôn Mai Động, xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng), người đầu tiên phát hiện ra 2 cọc gỗ cổ khi đào đất trồng cau tại khu vực này – cho biết: “Từ nhiều ngày nay, người dân đổ về tham quan bãi cọc rất đông, nhất là từ 9h-15h. Được địa phương phân công bảo quản cọc nên ngoài việc tưới nước, tôi hỗ trợ lực lượng chức năng ngăn không cho người dân vào khu vực cọc, bảo đảm an toàn hiện vật”.

27 cọc cổ được bọc trong tấm vải dày, được tưới nước, bảo quản khỏi tác động môi trường. Ảnh Mai Dung

Tại bãi cọc, các cây cọc luôn trong tình trạng bọc dưới lớp vải dày, buộc dây bảo quản. Khu vực quanh 3 hố khai quật cọc cổ được cắm cọc gỗ, quây dây cao 1m. Đồng thời, từ ngày 20.12 đến nay, chính quyền địa phương bố trí lực lượng chuyên trách bảo vệ 24/24 khu vực hố được khai quật.

Ông Nguyễn Tuân Triệt, người đầu tiên phát hiện cọc cổ hiện phụ trách bảo quản cọc cổ, thường xuyên tưới nước để cọc không bị khô mục do tác động môi trường. Ảnh Mai Dung

Bà Nguyễn Thị Năm, người dân xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cho biết, trước đây, người dân nhiều lần tìm thấy cọc gỗ lớn tại cánh đồng nhưng không nghĩ đó là cọc cổ từ hàng nghìn năm trước. Nay bãi cọc được khai quật người dân rất vui mừng, tự hào vì quê hương có di tích gắn liền với chiến thắng lẫy lừng của dân tộc.

Nhiều người dân có mặt tại bãi cọc sáng 24.12 đều cảm thấy ấn tượng với quy mô bãi cọc Bạch Đằng. Ảnh Mai Dung

Anh Lưu Văn Kiên, sinh năm 1993, thị trấn Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên cho biết: “Mặc dù nhà tôi cách bãi cọc cổ hơn 10km nhưng sau khi nghe thông tin về bãi cọc cổ qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi quyết định dành một ngày về đây để tận mắt chứng kiến. Với quy mô bãi cọc, cùng với những kiến thức lịch sử về trận chiến trên sông Bạch Đằng, tôi thấy khâm phục nghệ thuật tác chiến của cha ông ta trước đây“.

Người dân tranh thủ chụp lại hình ảnh bãi cọc. Ảnh Mai Dung

Trao đổi với ông Nguyễn Tiến Tập – Chủ tịch UBND xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên cho biết, trong thời gian đợi cơ quan chức năng tiến hành phương án bảo quản, bảo tồn bãi cọc cũng như mở rộng quy mô khai quật, địa phương tiếp tục bố trí người canh gác 24/24 giờ.

Càng về trưa, dòng người đổ về “mục sở thị” bãi cọc càng đông. Ảnh Mai Dung

Trước đó, như Lao Động đưa tin, ngày 28.9, ông Nguyễn Tuân Triệu phát hiện 2 cọc gỗ cổ nghi niên đại nghìn năm tuổi khi đang đào đất trồng cây. Sau đó, cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu, khai quật trên diện tích gần 1.000m2 gần khu vực phát hiện cọc gỗ và phát hiện 27 cọc gỗ có niên đại từ năm 1270-1430 AD.

Sáng ngày 21.12, TP.Hải Phòng tổ chức hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ trong quần thể di tích Bạch Đằng Giang ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng. Các nhà khoa học cho rằng, việc phát hiện ra bãi cọc tại Thủy Nguyên, Hải Phòng là một phát hiện có ý nghĩa to lớn trong việc hình dung lại thế trận toàn dân, về nghệ thuật quân sự của quân dân nhà Trần thế kỷ XIII.

Mai Dung

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tấp nập khách về thăm bãi cọc liên quan đến trận chiến trên sông Bạch Đằng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác