Sáng 8/11, tại Trường Chính trị Tô Hiệu, Ban Dân vận Thành ủy tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác tôn giáo với nội dung “Một số tình huống thường gặp trong ứng xử với các tổ chức tôn giáo”.
Đồng chí Lê Trí Vũ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có đại diện các ban, sở, ngành thành phố; các đồng chí Phó Bí thư Thường trực các quận ủy, huyện ủy; lãnh đạo, chuyên viên Ban Dân vận các quận ủy, huyện ủy; Trưởng Khối Dân vận các xã, phường, thị trấn.
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua, Thành ủy, các cấp ủy, chính quyền, hệ thống dân vận, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tôn giáo và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị thành phố, của cán bộ, đảng viên về tôn giáo và công tác tôn giáo đã có những chuyển biến tích cực. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy về công tác tôn giáo được thể hiện ngày càng rõ nét. Hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo-dân tộc các cấp ủy có sự đổi mới, tập trung tham mưu chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn giải quyết hiệu quả các vụ việc phức tạp, kéo dài.
Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo được tăng cường. Công tác vận động, tập hợp, đoàn kết đồng bào có đạo được quan tâm. Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác tôn giáo từ thành phố đến cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Hoạt động của các tổ chức tôn giáo có xu hướng tốt hơn trong chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đại đa số chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tích cực hưởng ứng, tham gia vào các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động nhân đạo, từ thiện.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Trí Vũ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy nhấn mạnh, công tác tôn giáo được Đảng và Nhà nước ta xác định là vấn đề có ý nghĩa quan trọng và đã được cụ thể hóa thành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác này. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tôn giáo của thành phố còn có những hạn chế, trong đó, cán bộ làm công tác tôn giáo ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn thiếu những kiến thức, kỹ năng về quan hệ, ứng xử với các tổ chức tôn giáo, đặc biệt là với các tình huống tôn giáo cụ thể.
Vì vậy, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Thành ủy đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tập trung lắng nghe và đặt những vấn đề cần làm rõ, những nội dung liên quan đến bài giảng với Báo cáo viên để được giải đáp. Đồng thời mong muốn, sau Hội nghị này, đội ngũ làm nhiệm vụ lãnh đạo, tham mưu, thực hiện công tác dân vận, công tác tôn giáo của hệ thống chính trị thành phố sẽ có thêm các kỹ năng, kinh nghiệm để ứng xử, xử lý những tình huống thường gặp và phát sinh khi tiếp xúc, làm việc với chức sắc, người đứng đầu các tổ chức tôn giáo. Qua đó, sẽ góp phần triển khai công tác linh hoạt, phù hợp, hiệu quả trong quá trình tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo nói chung để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy thành phố phát triển.
Hội nghị được nghe PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh truyền đạt nội dung về “Một số tình huống thường gặp trong ứng xử với các tổ chức tôn giáo”.
Trên địa bàn thành phố hiện có 4 tôn giáo chính gồm: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài và Tin Lành truyền thống. Có 739 cơ sở thờ tự và 1 cơ sở đào tạo tôn giáo; 521 chức sắc, 1.394 chức việc và trên 41 vạn tín đồ, chiếm khoảng 21% dân số thành phố.
Hoàng Tùng