Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lương Cường, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội; Trần Cẩm Tú, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Ủy viên Trung ương Đảng, các bộ, ban, ngành Trung ương.
Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng dự tại điểm cầu Trung ương.
Hội nghị được kết nối tới 15.345 điểm cầu trên cả nước với hơn 978.500 cán bộ, đảng viên thuộc các địa phương, cơ quan, đơn vị tham gia.
Tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Trọng Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Ủy viên Thành ủy; Phó Chủ tịch HĐND, UBND thành phố; đại diện các đảng ủy trực thuộc Thành ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố. Hội nghị kết nối tới 185 điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố với hơn 21.500 đại biểu tham dự.
Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy
Hội nghị công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia gồm 19 đồng chí, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Tại hội nghị, đồng chí Thái Thanh Quý, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS thời gian qua; quán triệt, triển khai những nội dung cốt lõi Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Nghị quyết 57 nhấn mạnh phát triển KHCN, ĐMST và CĐS là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển chính phủ điện tử; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức hơn 55% tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt tối thiểu 50%; quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP; kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó, kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển…
Tầm nhìn đến năm 2045, KHCN, ĐMST và CĐS phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về ĐMST, CĐS. Nghị quyết đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, nhấn mạnh nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ quán triệt nội dung Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW với tinh thần 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”; đề ra 35 nhóm chỉ tiêu đến năm 2030; 6 nhóm chỉ tiêu đến năm 2045; từ đó, xây dựng 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội quán triệt chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật để đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia.
Nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhấn mạnh, hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia được tổ chức thể hiện quyết tâm, tinh thần, trách nhiệm, sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị trong đẩy mạnh và phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Với mục tiêu trở thành nước công nghệ hiện đại vào năm 2030, nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045, KHCN, ĐMST, CĐS phải được coi là động lực chủ chốt, chìa khóa vàng, yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng của dân tộc. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị chỉ ra những định hướng chiến lược được đông đảo cán bộ, Đảng viên, nhân dân nhà khoa học trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây là “Khoán 10” trong lĩnh vực KHCN.
Thời gian qua, nhiều Nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết 20, 52, 36 được Trung ương ban hành, mang lại kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển đất nước nhưng kết quả thực hiện các Nghị quyết chưa đạt được các mục tiêu đề ra, chưa như mong đợi, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhiều tồn tại, hạn chế, nút thắt cản trở sự phát triển KHCN về thể chế, cơ chế, chính sách, luật, nguồn lực, phương tiện. Nghị quyết 57 không thay thế các Nghị quyết trước đây nhưng có thể xem là Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học, Nghị quyết để thực hiện các Nghị quyết và là Nghị quyết của hành động với mục tiêu cụ thể, đổi mới cách nghĩ cách làm nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ các rào cản, giải phóng năng lực, thúc đẩy đột phá cho phát triển KHCN, ĐMST, CĐS, tạo nền tảng cho phát triển mạnh mẽ đất nước ta phát triển trong thời kỳ mới.
Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu các cấp, ngành, địa phương bắt tay ngay vào làm việc, không được chậm trễ, những chủ trương, giải pháp phải được nhanh chóng thể chế hóa, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để tổ chức thực hiện; cần nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện, làm sâu sắc thêm một số quan điểm, định hướng. Về quan điểm, luôn quán triệt xem đầu tư KHCN, ĐMST, CĐS là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ, rủi ro trong triển khai, xem đây là khoản đầu tư có thắng, có thua; xem dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là không khí, ánh sáng của kỷ nguyên mới, tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất; ĐMST là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững đối với nền khoa học, trong đó, nhà khoa học giữ vị trí trung tâm; đột phá được tiến hành ở cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nên tập trung trong một số ngành: vật lý năng lượng, cơ học điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông, y học, sinh học, công nghệ không gian, công nghệ vật liệu, năng lượng, môi trường, robot, tự động hóa, công nghệ thực tế ảo, blockchain, IoT, thông tin văn hóa số…; cần chuyển từ ứng dụng, hoàn thiện công nghệ sang xây dựng năng lực sáng tạo đột phá, tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 để “đi tắt đón đầu”, làm chủ tương lai; triển khai Nghị quyết hướng vào những vấn đề thực tiễn của đất nước đang đòi hỏi, thị trường và nền kinh tế đang cần, những sản phẩm nghiên cứu phải được thương mại hóa, được đăng ký bản quyền. Về hành động, cần xác định rõ những công việc cần phải làm, bám sát vào các đột phá quan trọng về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh an toàn.
Trên tinh thần đó, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh vào 8 nhiệm vụ, giải pháp. Thứ nhất, thống nhất nhận thức và hành động, xác định phát triển KHCN, ĐMST, CĐS là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung cụ thể hóa Nghị quyết bằng kế hoạch sát thực tiễn, lấy kết quả triển khai là tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng, xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, thời gian hoàn thành và kết quả đo lường được. Trong năm 2025, cần lựa chọn và giải quyết những vấn đề căn cơ, tạo nền tảng cho những năm tiếp theo, tạo cú hích cho năng suất lao động mới, tạo niềm tin cho xã hội.
Thứ hai, khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong năm 2025, hoàn thiện sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật, cơ chế chính sách tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản để phát triển KHCN, ĐMST, CĐS, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Thứ ba, khẩn trương sắp xếp lại bộ máy về KHCN. Trong quý 1-2025, hoàn thành sắp xếp lại các tổ chức KHCN, tập trung đầu tư trọng điểm phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh, có kế hoạch cụ thể xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân tài KHCN; triển khai các giải pháp đột phá thu hút các tập đoàn KHCN hàng đầu, nhân tài người Việt tại nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam…
Thứ tư, ưu tiên bố trí ngân sách cho KHCN để xứng tầm là quốc sách đột phá, chi ngân sách cho KHCN, nghiên cứu và phát triển, lập quỹ KHCN, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, quỹ khởi nghiệp, quỹ ĐMST…; nghiên cứu xây dựng cơ chế “đầu tư công, quản trị tư”, bảo đảm các nhà khoa học có quyền chủ động trong nghiên cứu và ứng dụng KHCN. Năm 2025, Chính phủ đổi mới kế hoạch, bố trí ít nhất 3% ngân sách chi cho KHCN, ĐMST, CĐS và nâng tỷ lệ trong những năm tiếp theo…
Thứ năm, nhanh chóng triển khai nguồn nhân lực chất lượng cao, ban hành cơ chế thu hút nhân tài với các chính sách hấp dẫn về quốc tịch, thu nhập, nhà ở, môi trường làm việc…; xây dựng mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế, đẩy mạnh tôn vinh tài năng sáng tạo, khơi dậy tinh thần yêu nước, cống hiến trong các nhà khoa học…
Thứ sáu, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ bao gồm công nghệ số, chuẩn bị hạ tầng năng lượng với trọng tâm năng lượng sạch, bảo đảm đủ năng lượng cho phát triển; tối ưu hóa hạ tầng số; xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, triển khai Luật Dữ liệu và Sàn Giao dịch dữ liệu trong năm 2025…
Thứ bảy, tập trung mũi nhọn vào các ngành có lợi thế, tiềm năng, tránh dàn trải, kém hiệu quả và lãng phí bao gồm các giải pháp công nghệ giải quyết vấn đề đất nước, sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghiệp công nghệ cao, an ninh lương thực, khoa học về sức khỏe con người, các ngành công nghiệp 4.0, thúc đẩy mũi nhọn về CĐS…
Thứ tám, đẩy mạnh hợp tác, tận dụng tri thức quốc tế; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với các quốc gia tiên tiến nhất là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ bán dẫn, năng lượng tái tạo…
Đồng chí Tổng Bí thư kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thành công nhiệm vụ, đưa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị nhanh chóng đi vào cuộc sống, xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát triển KHCN, ĐMST, CĐS không chỉ là sự lựa chọn mà là con đường sống còn; lãnh đạo các cấp cần coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các nhà khoa học, doanh nghiệp cống hiến, sáng tạo, người dân đồng hành, học hỏi, nâng cao kỹ năng số. Nghị quyết 57 tháo gỡ rào cản, khắc phục điểm nghẽn và tạo cơ chế đột phá, giải phóng sức sáng tạo, nguồn lực thúc đẩy phát triển KHCN, CĐS quốc gia, với nền tảng chính trị pháp lý vững chắc và sự đồng thuận cao của toàn Đảng, toàn dân và giới trí thức, đồng chí tin rằng Nghị quyết tạo ra bước đột phá, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng,an ninh, đưa đất nước phát triển bền vững.
Tin: NGUYÊN NGUYÊN. Ảnh: DUY THÍNH – NHƯ Ý