Tạo thuận lợi thương mại là giải pháp để nâng cao hoạt động giao thương của doanh nghiệp, tăng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, tác động tích cực và trực tiếp tới các quốc gia đồng thời mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế, nhất là cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, việc tạo thuận lợi thương mại được ngành hải quan chú trọng thực hiện với nhiều giải pháp như: cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian sau thông quan, triển khai hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động tại cảng biển, hàng không và khu vực biên giới đường bộ nhằm hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo ông Micheal Greene, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ, Tổng cục Hải quan Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong điều phối giữa các bộ, ngành nhằm thực thi Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA) của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan đã đưa ra nhiều giải pháp trong việc tạo thuận lợi thương mại, nhất là những giải pháp đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, phát triển một cổng thông tin điện tử phục vụ xử lý các hồ sơ khai hải quan; trao đổi thông tin với các bộ chủ quản và các quốc gia thành viên ASEAN.
Với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai các thủ tục hành chính mới, mở rộng phạm vi, số lượng doanh nghiệp tham gia đối với các thủ tục hành chính đã triển khai thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia.
Theo Tổng cục Hải quan, đến nay đã có 13 bộ, ngành kết nối tham gia Cơ chế một cửa quốc gia với 174 thủ tục hành chính.
Đến ngày 10/7/2019, đã có 2,3 triệu hồ sơ của hơn 30.900 doanh nghiệp được các bộ, ngành tiếp nhận, xử lý trên Cơ chế một cửa quốc gia.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, cùng với Cơ chế một cửa quốc gia, đến nay Việt Nam đã trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) thông qua Cơ chế một cửa ASEAN với 6 quốc gia tham gia, gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei và Campuchia.
Việt Nam đã nhận 88.000 C/O từ các quốc gia này và gửi sang các nước 155.000 C/O.
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho rằng việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đã giúp các doanh nghiệp không phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, do đó giảm chi phí, thời gian thông quan; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Để rút ngắn thời gian xử lý thủ tục thông quan hàng hóa, chi phí cho doanh nghiệp tại các cảng và sân bay, Tổng cục Hải quan ban hành các kế hoạch triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển (VASSCM) trên toàn quốc.
Đến nay, VASSCM đã được triển khai tại 30/35 Cục hải quan tỉnh, thành phố với 75 chi cục hải quan, 239 doanh nghiệp kho, bãi, cảng tham gia.
Ông Trần Đức Hùng, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết VASSCM đã góp phần tạo thuận lợi trong việc làm thủ tục thông quan hàng hóa, giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo ông Trần Đức Hùng, việc triển khai hệ thống VASSCM đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả cơ quan hải quan, các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng và các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng đã giảm bớt chi phí quản lý, tổng hợp, báo cáo về hàng hóa ra, vào, tồn trong khu vực giám sát hải quan.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm các thủ tục, chi phí. Khi nhận hàng tại khu vực kho, bãi, cảng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu không phải xuất trình chứng từ để cơ quan hải quan kiểm tra, xác nhận trên hệ thống và chứng từ giấy như trước đây mà chỉ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng.
Cơ quan hải quan quản lý được toàn bộ hàng hóa được khai báo trên thông tin manifest điện tử (đối với hàng nhập khẩu).
Theo khảo sát của cơ quan hải quan và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cảng Hải Phòng và Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội), VASSCM giúp việc đưa hàng ra khỏi kho bãi đơn giản hơn; không cần thủ tục xác nhận của hải quan giám sát tại cổng cảng; giảm tiếp xúc giữa hải quan và doanh nghiệp.
Hệ thống này cũng giảm thời gian đi lại làm thủ tục của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, khắc phục được tình trạng ùn tắc tại cổng cảng/kho bãi, giảm thời gian từ khi hàng hóa được thông quan/giải phóng hàng.
Lượng cán bộ hải quan phải trực tại cổng cảng để tập trung nguồn lực kiểm tra các lô hàng có độ rủi ro cao.
Ông Nguyễn Thành Nam, Hợp tác xã bao bì Hoàng Minh, Hải Phòng cho biết trước đây khi lấy hàng ra khỏi cảng, doanh nghiệp phải in, xuất trình chứng từ giấy cho bộ phận giám sát hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng danh sách container và hàng hóa đủ điều kiện qua khu vực giám sát. Nhờ áp dụng VASSCM, thời gian lấy hàng của doanh nghiệp chỉ vài chục phút so với trước là vài giờ.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng đang xây dựng đề án thí điểm bảo lãnh thông quan. Đây là mô hình quản lý hoàn toàn mới tại Việt Nam, nhưng ở nhiều nước trên thế giới, bảo lãnh thông quan đã được mở rộng và phát triển để trở thành một công cụ hữu hiệu trong tạo thuận lợi thương mại xuất nhập khẩu, thúc đẩy các dịch vụ liên quan trong thương mại cũng như các hoạt động thương mại chuyên biệt.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết bảo lãnh thông quan là hình thức cam kết bảo lãnh về mặt tài chính mà cơ quan hải quan yêu cầu đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi chưa hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định nhưng mong muốn được giải phóng hàng hóa, thông quan hàng hóa.
Theo đánh giá của các chuyên gia Liên minh tạo thuận lợi thương mại Toàn cầu tại Hoa Kỳ, bảo lãnh thông quan sẽ giảm chi phí hành chính từ 0,1-0,5%, chi phí thông quan từ 0,5-0,8% trị giá lô hàng, tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 1%.
Theo kế hoạch, việc triển khai cơ chế bảo lãnh thông quan dự kiến sẽ thí điểm trong 2 năm 2021-2022; mở rộng từ năm 2022-2023 và chính thức từ năm 2024.
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, để có thể triển khai được cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, cần phải rà soát, sửa đổi một số văn bản Luật để tạo cơ sở pháp lý khi thực hiện.
Nhận định về các hoạt động nhằm tạo thuận lợi thương mại, ông Micheal Greene cho rằng những sáng kiến đang triển khai và những cải cách mà Tổng cục Hải quan đề xuất đã tác động tích cực tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng với chương trình doanh nghiệp ưu tiên, cần mở rộng lợi ích từ chương trình này cho các doanh nghiệp tuân thủ tốt nhưng chưa đủ điều kiện, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Ngoài ra, việc áp dụng phương pháp lựa chọn tự động và dựa trên rủi ro đối với các hồ sơ khai báo hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ giúp giảm thiểu thời gian chờ giải phóng hoặc thông quan hàng hóa; trong đó có hàng hóa đến từ Hoa Kỳ tại các cảng và sân bay. Việc này cũng đem lại lợi ích về tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhờ giảm thiểu chi phí và thời gian,” ông Micheal Greene nói.
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết ngành hải quan đã chủ động thực hiện theo Hiệp định tạo thuận lợi thương mại, xây dựng triển khai hệ thống hải quan tự động tập trung, tuân thủ chuẩn mực quy định quốc tế, mạnh dạn cải tổ bộ máy, phương thức làm việc, nâng cao năng suất lao động trong bối cảnh kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao.
Tuy nhiên, ngành hải quan cũng mong muốn sự phối hợp, trao đổi, tham gia tích cực của các bộ, ngành nhằm thực hiện tốt hơn việc tạo thuận lợi thương mại./.
Thùy Dương (TTXVN/Vietnam+)
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị…
Chiều 10.1, Ban Tổ chức hội thi truyền thống Vật dân tộc thời Mạc lần…
Sáng 10/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More