Print Thứ Tư, 13/11/2019 05:26

Khởi xướng từ công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế năm 1986, các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) được hình thành và phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại nhiều địa phương. Cho đến nay, sau hơn 30 năm đổi mới, các KCN, KKT vẫn được coi là mô hình ưu việt nhất trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, ở một số địa phương, các KCN đã và đang mọc lên ồ ạt theo “phong trào”, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, tác động xấu đến kinh tế – xã hội, ảnh hưởng môi trường…

Tạo thế và lực mới phát triển khu công nghiệp

Các KCN được đánh giá là mô hình ưu việt thu hút vốn đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Xưởng hàn thân vỏ tại Nhà máy sản xuất ô-tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup trong KCN Đình Vũ – Cát Hải (TP Hải Phòng).

Trong bối cảnh hiện nay, để đón làn sóng đầu tư mới, rất cần một bàn tay “nhạc trưởng” định hướng phát triển KCN bền vững theo chiều sâu, đạt hiệu quả cao về kinh tế và thân thiện môi trường.

Bài 1: “Thỏi nam châm” hút vốn đầu tư

Hiện nay, cả nước đã có 326 KCN được thành lập, tổng diện tích gần 93 nghìn héc-ta; trong đó, hơn 250 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 73%. Đến nay, các KCN, KKT thu hút được khoảng 8.000 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư đăng ký ước đạt hơn 145 tỷ USD và khoảng 7.500 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký ước đạt gần 970 nghìn tỷ đồng. Đây là minh chứng sống động cho thấy, các KCN, KKT chính là những “thỏi nam châm” thu hút nguồn vốn đầu tư một cách hiệu quả nhất.

Bước khởi đầu gian nan

Hơn 30 năm trước (ngày 29-12-1987), Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, một bước ngoặt lớn về tư tưởng kinh tế trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại, tạo nền tảng pháp lý cho việc hợp tác với nước ngoài, một vấn đề rất mới mẻ ở thời điểm đó, trong bối cảnh nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp còn đè nặng. Ba năm sau đó (1988 – 1990), vốn FDI vào Việt Nam khá dè dặt, mỗi năm chỉ thu hút vài ba trăm triệu USD. Năm 1992, các lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn chứng khoán Nomura (Nhật Bản) đã sang Việt Nam tìm hiểu chính sách đầu tư vào KCN. Nắm được cơ hội vàng đó, đích thân ông Đào An, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng lúc bấy giờ, thông qua GS, TS Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, đã mời gọi Nomura về đầu tư KCN ở Hải Phòng. Sau quá trình khảo sát, đối tác Nhật Bản đã “khoanh” 153 ha ruộng ven quốc lộ 5, thuộc địa phận xã An Hưng, huyện An Hải (nay là huyện An Dương), cách trung tâm TP Hải Phòng 10 km, thuận lợi cả về giao thông đường bộ và đường thủy, liên doanh với Hải Phòng thành lập Công ty Phát triển KCN Nomura – Hải Phòng (NHIZ), tổng vốn đầu tư hơn 140 triệu USD để xây dựng KCN đầu tiên của cả nước.

Khi khởi công, đối tác liên doanh Nhật Bản cam kết xây dựng một KCN kiểu mẫu không chỉ của Hải Phòng, mà còn cả Việt Nam. Với tiềm lực mạnh, chỉ trong một thời gian ngắn, các dịch vụ, tiện ích của KCN đã hoàn chỉnh đồng bộ, từ đường giao thông, cấp nước, thông tin, y tế, đến hệ thống xử lý nước thải theo phương pháp vi sinh, thậm chí chủ đầu tư còn xây dựng cả một nhà máy điện độc lập trong KCN, công suất tới 55 MW,… Nhiều năm sau, KCN Nomura vẫn giữ vị trí “quán quân” nếu xét về sự đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, giá cho thuê đất đương nhiên đắt đỏ, đối tác Nhật Bản lại quá khắt khe lựa chọn nhà đầu tư với định hướng ưu tiên các ngành công nghiệp điện tử, công nghệ cao, vì thế nhiều doanh nghiệp (DN) đến tìm hiểu, đầu tư tại KCN Nomura đều bị “bật ra”. Trong mười năm đầu, chịu tác động của khủng hoảng tài chính – tiền tệ ở châu Á, Nomura trầy trật mãi vẫn không thể lấp đầy 50% diện tích, khiến NHIZ hết sức khó khăn. Về sau, bị cạnh tranh gay gắt bởi “phong trào” xây dựng KCN ồ ạt ở các địa phương, Nomura đành chấp nhận cho các DN vốn mỏng vào đầu tư sản xuất. Tỷ lệ lấp đầy được cải thiện, nhưng tiêu chí “kiểu mẫu” định hướng ban đầu đã không còn trọn vẹn. Nhìn nhận lại cả quá trình trước đó, Nomura đã bỏ lỡ cơ hội thu hút DN có tiềm năng hơn hẳn một số đơn vị đầu tư tại đây. Cuối tháng 12 tới, NHIZ sẽ kỷ niệm 25 năm thành lập, hiện KCN Nomura đã lấp đầy 100%, tỷ suất đầu tư bình quân rất cao (khoảng bảy triệu USD/ha), tạo việc làm cho hơn 30 nghìn lao động,… nhưng theo tiết lộ của một cán bộ Ban Quản lý KKT Hải Phòng, xét về hiệu quả kinh tế, liên doanh này vẫn đang phải oằn lưng gánh khoản lỗ lũy kế từ ngày đầu thành lập, đến nay chưa phát sinh lợi nhuận.

Bứt tốc mạnh mẽ

Một thời, các KCN ở Hải Phòng xây xong rồi lâm vào cảnh đìu hiu, hàng chục năm ròng ven các trục lộ chính, như những cái gai chọc vào mắt nhức nhối. Dù địa thế thuận lợi, có cảng biển, sân bay, đường lớn, cả sự mời chào nhiệt thành của lãnh đạo thành phố, nhưng nhà đầu tư cứ đến rồi lặng lẽ đi không trở lại. So với những ngày chật vật đi trước mở đường, giờ đây Hải Phòng đã trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng Phạm Văn Mợi tự hào: TP Hải Phòng đang trở thành trung tâm công nghiệp nhờ sự hiện diện của hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới cũng như trong nước, cùng sự cải thiện đáng kể hạ tầng và dịch vụ hậu cần. Các dự án đầu tư trong KCN, KKT đã đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của thành phố, tạo ra nhiều ngành nghề, sản phẩm mới, chiếm hơn 60% giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, hằng năm nộp ngân sách hàng trăm triệu USD cùng hàng trăm tỷ đồng; năm 2018, nộp ngân sách FDI đạt 190 triệu USD và trong nước 1.535 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 140 nghìn lao động trong khu vực, với mức thu nhập trung bình bảy đến mười triệu đồng/ tháng. Năm 2016, Hải Phòng đứng đầu cả nước về thu hút FDI (đạt 2,88 tỷ USD). Lũy kế đến nay, các KCN, KKT Hải Phòng đã thu hút 352 dự án FDI, tổng vốn đạt 14,8 tỷ USD; 155 dự án trong nước, tổng vốn khoảng 148 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu tư trong nước tăng mạnh đã góp phần thay đổi cơ cấu đầu tư trong nước và vốn FDI.

Nổi bật trong KKT Đình Vũ – Cát Hải là Tổ hợp nhà máy sản xuất ô-tô, xe máy điện Vinfast (Tập đoàn Vingroup), quy mô 345 ha, vốn đầu tư đăng ký 70.337 tỷ đồng. Giữa tháng 6 vừa qua, nhà máy đã đạt kỷ lục trong ngành sản xuất ô-tô trên thế giới khi bước vào hoạt động chỉ sau 21 tháng khởi công, biến vùng đầm lầy ven biển thành một tổ hợp sản xuất hoàn chỉnh, đầy đủ các xưởng thân vỏ, dập, sơn, động cơ, phụ trợ và lắp ráp, chứ không đơn thuần là một cơ sở lắp ráp CKD nhỏ lẻ. Khi hoạt động ổn định, Vinfast sẽ tuyển dụng 5.000 cán bộ, nhân viên, đủ khả năng sản xuất 250 nghìn xe ô-tô và 250 nghìn xe máy điện mỗi năm. Kỹ sư Nguyễn Công Linh, nhân viên vận hành đưa chúng tôi đến xưởng hàn thân vỏ, quy mô 100 nghìn mét vuông, được trang bị khoảng 1.200 rô-bốt do Tập đoàn ABB (Thụy Sĩ) sản xuất, công suất 38 xe/giờ. Theo lời anh, xưởng hàn thân xe ứng dụng nhiều công nghệ 4.0 ở các phạm vi khác nhau, từ giám sát trang thiết bị, tối ưu hóa quy trình để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đến quản lý dự phòng, bảo trì dây chuyền sản xuất theo kỹ thuật số, có tính linh hoạt cao khi thay đổi dòng sản phẩm.

Ở phía nam, hai tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương cũng là những “miền đất hứa” về phát triển KCN. Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Sỹ cho hay, tỉnh có lợi thế tự nhiên vượt trội so các địa phương khác, khi ít xảy ra lụt bão, thiên tai. Nằm kề TP Hồ Chí Minh, giáp sân bay Tân Sơn Nhất, có mạng lưới quốc lộ, cao tốc hoàn chỉnh đi qua và gần cảng biển quốc tế lớn, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa ở Đồng Nai hết sức thuận lợi. Vì lẽ đó, KCN luôn “tăng trưởng nóng”, 31 trong số 32 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 80%. Các KCN đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế Đồng Nai từ nông nghiệp – dịch vụ – công nghiệp (năm 1990) theo tỷ lệ 50 – 30 – 20 chuyển sang cơ cấu công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp (năm 2018) theo tỷ lệ 57 – 37 – 6. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên khẳng định: Không yếu tố nào khác ngoài KCN đã góp phần đưa Đồng Nai trở thành một trong bốn địa phương đứng đầu cả nước về đóng góp ngân sách T.Ư. Chỉ trong 10 tháng đầu năm, đã có 190 dự án FDI tiếp tục “rót” vào Đồng Nai 1,46 tỷ USD, trong đó có 93 dự án cấp mới với số vốn 800 triệu USD và 97 dự án điều chỉnh với số vốn tăng thêm gần 670 triệu USD. Đáng chú ý, đây đều là các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thân thiện môi trường và sử dụng lao động lành nghề. Lũy kế đến nay, tỉnh có gần 2.000 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 35 tỷ USD, trong đó, gần 1.500 dự án còn hiệu lực với tổng vốn 29,8 tỷ USD.

Bình Dương hiện giữ vị trí thứ ba cả nước (sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội) về thu hút FDI. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thanh Trúc, trong chín tháng đầu năm, đã có gần 2,1 tỷ USD “đổ” vào các KCN. Tính chung đến nay, 29 KCN trong tỉnh đã thu hút hơn 2.300 dự án với tổng vốn đầu tư 22,7 tỷ USD, chiếm 68% tổng vốn FDI trên toàn tỉnh. Theo quy hoạch đến năm 2020, Bình Dương sẽ có thêm năm KCN nữa với quy mô gần 2.050 ha, nâng tổng diện tích KCN toàn tỉnh lên gần 14.500 ha. Các KCN tại Bình Dương đã tạo đòn bẩy, giúp những miền quê còn nghèo khó xưa kia “cất cánh”. Bàu Bàng – một huyện thuần nông khó khăn nằm giáp huyện Chơn Thành (Bình Phước), sau chủ trương chuyển hướng phát triển KCN lên phía bắc của tỉnh đã vươn dậy phát triển mạnh mẽ. KCN Bàu Bàng đã thu hút 155 dự án FDI với vốn đăng ký gần 3,1 tỷ USD, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp của huyện trong chín tháng đầu năm đạt 12.400 tỷ đồng. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Chí nhớ lại: Bàu Bàng thời chiến tranh bị tàn phá nặng nề, tuy là vùng thuần nông nhưng đất đai cằn cỗi, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, tưởng chừng kinh tế không thể khá lên nổi. Khi tỉnh có chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc, lập tức thương mại, dịch vụ khởi sắc, quê nghèo biến thành phố thị, người dân có điều kiện sản xuất, kinh doanh. Tỉnh Bình Dương còn đang tham vọng xây dựng tại Bàu Bàng một KCN quy mô 900 ha riêng về khoa học công nghệ cho các DN có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao, nhằm thu hút được đội ngũ lao động “cổ cồn”.

Có thể khẳng định, việc hình thành và phát triển KCN, KKT là hướng đi chiến lược, quan trọng của Việt Nam trong kêu gọi, thu hút vốn FDI, thật sự trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Sau 25 năm, các KCN, KKT vẫn là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư và được đánh giá là mô hình ưu việt nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương. Những khởi sắc rõ nét của kinh tế – xã hội nước ta trong công cuộc đổi mới đều có dấu ấn đậm nét của sự phát triển các KCN, KKT là một thực tiễn không thể phủ nhận.

(Còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

Nguồn. Báo Nhân dân

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tạo thế và lực mới phát triển khu công nghiệp
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác