Print Thứ ba, 12/11/2019 11:27

Việc ký kết các thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp (DN) góp phần nâng cao mặt bằng chung về quyền lợi người lao động, đồng thời góp phần xây dựng quan hệ lao động trong các DN ổn định, bền vững.

1 tháng ít nhất có 1 tuần làm việc 40 giờ

Tại Đồng Nai, việc thí điểm ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm DN ngành gỗ (KCN Tam Phước, Biên Hòa) đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người lao động (NLĐ). Cụ thể, DN cam kết hàng năm xét nâng lương cho NLĐ đủ điều kiện và tiêu chuẩn nâng lương theo thang bảng lương và quy chế nâng lương, mức nâng ít nhất bằng 5% mức lương cơ bản. Hàng năm, DN tham khảo ý kiến của Ban Chấp hành CĐCS xét thưởng cho NLĐ, căn cứ vào thời gian làm việc thực tế, đủ điều kiện và tiêu chuẩn xét thưởng. Mức thưởng ít nhất bằng 1 tháng lương cơ bản và thông báo cho NLĐ biết chậm nhất 15 ngày trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Ngoài ra, tiền cho một suất ăn giữ ca ít nhất bằng 16.000 đồng. Mức tiền ăn này không tính thuế giá trị gia tăng.

Còn tại Hải Phòng, việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT nhóm DN Hàn Quốc (KCN Tràng Duệ Hải Phòng) đã tập trung vào một số vấn đề về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, chính sách lao động nữ và một số phụ cấp khác. Đến nay, có 20 DN tham gia, tăng 15 DN so với năm 2016. Tổng số NLĐ được hưởng lợi theo các chế độ đã thương lượng thành trong thỏa ước đến thời điểm hiện nay là 7.368 người.

Bà Phạm Thị Hằng – Chủ tịch CĐ Khu kinh tế Hải Phòng – cho biết, qua việc ký kết TƯLĐTT, NLĐ trong nhóm DN này được hưởng nhiều quyền lợi, như: Mức tiền ăn ca tối thiểu được tăng từ 19.000 đồng lên 22.000 đồng/người/bữa; đảm bảo thời giờ làm việc trong tháng ít nhất có 1 tuần làm việc 40 giờ; cam kết thực hiện đúng về lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Cùng với đó, tỉ lệ tăng lương cho NLĐ không đạt các tiêu chí đánh giá hàng năm sẽ được tăng từ 1-3% để động viên NLĐ phấn đấu tốt hơn. Tiền thưởng Tết thấp nhất là 1 tháng lương thứ 13 và đảm bảo tỉ lệ thưởng năm sau cao hơn năm trước (không phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm). Tiền lương hỗ trợ NLĐ đi làm đủ các ngày thứ 7 trong tháng sẽ được trả 150% lương cơ bản; nghỉ hè từ 1-3 ngày; phụ cấp xăng xe là 400.000 đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, lao động nữ nếu làm việc trong thời gian kinh nguyệt sẽ được tính tiền lương thêm giờ hoặc quy đổi thêm thành ngày nghỉ phép năm…

Không chỉ vậy, trong quá trình tiếp cận NLĐ, CĐ Khu kinh tế Hải Phòng đã phát triển hơn 1.000 đoàn viên và thành lập 4 CĐCS, nâng tổng số DN có tổ chức CĐ tham gia thỏa ước nhóm DN là 17/20 DN.

Phải có sự tham gia tích cực của Ban Chấp hành CĐCS

Theo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, muốn thí điểm ký kết TƯLĐTT nhóm DN đạt kết quả, cần phải có sự thống nhất về nhận thức và tầm quan trọng của việc ký kết TƯLĐTT nhóm nhằm mang lại lợi ích cho NLĐ và DN, đáp ứng xu thế hội nhập trong tình hình mới. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa tổ chức CĐ, cơ quan quản lý nhà nước về lao động và tổ chức đại diện giới chủ; khi phát sinh vấn đề khó khăn, các bên phải kiên trì, đưa ra giải pháp phù hợp thực tế và thống nhất thực hiện.

Một điều quan trọng nữa là quá trình thí điểm phải có sự tham gia tích cực của Ban Chấp hành các CĐCS, phải được tập huấn, hướng dẫn về mặt kỹ năng, phương pháp thương lượng, đối thoại; sự tham gia đồng thuận của NLĐ trong suốt quá trình thực hiện kế hoạch. Còn Ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN) nhấn mạnh, cần phát huy mạnh mẽ nhất vai trò của CĐ cấp trên; xây dựng lòng tin giữa CĐ với người sử dụng lao động…

Còn theo đại diện LĐLĐ TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), từ thành công của thương lượng tập thể nhóm các DN du lịch TP.Hạ Long cho thấy cần cử cán bộ CĐ có năng lực, nhiệt tình để làm việc với người sử dụng lao động và chủ tịch các CĐCS để có được sự đồng thuận về các nội dung thương lượng. Bên cạnh đó, không tổ chức nhiều hội nghị đối thoại thương lượng vì như vậy sẽ gây nhiễu thông tin, mà cần chọn lựa thời điểm thích hợp để đi đến thống nhất các nội dung thương lượng trong thỏa ước giữa các bên…

Ngày 11.11, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐVN phối hợp Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện TƯLĐTT nhóm DN tại Việt Nam. Tham dự có các ông: Ngọ Duy Hiểu – đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Change-Hee Lee – Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – cho biết, TƯLĐTT nhóm DN mang lại lợi ích cho tất cả các bên, là một xu hướng thương lượng của CĐ các nước trên thế giới. Sau ít năm triển khai mô hình thí điểm, đến nay, đã có được 7 TƯLĐTT nhóm DN đã được ký kết. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, khẳng định sự nỗ lực của các bên, cung cấp lý luận quan trọng trong việc sửa đổi Bộ Luật Lao động.

Ông Ngọ Duy Hiểu coi đây là một xu hướng cần ưu tiên để CĐ Việt Nam chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của NLĐ. Hội nghị tập trung thảo luận đánh giá kết quả thí điểm thương lượng tập thể nhóm DN; chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các địa phương thí điểm; vai trò của các bên trong thúc đẩy thương lượng tập thể/TƯLĐTT nhóm; triển khai nhiệm vụ đại diện cho NLĐ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

QUẾ CHI Theo Báo Lao động

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tạo mặt bằng chung về quyền lợi cho người lao động
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác