Hơn 300 tỷ đồng là số tiền lớn dành cho lĩnh vực này, lớn nhất từ trước đến nay. Nhưng lớn hơn cả chính là sự thay đổi về tư duy, nhận thức, tầm nhìn và từ đó biến thành hành động. Điều đó chứng tỏ sự quyết liệt của Hải Phòng, quyết tâm tạo bước nhảy vọt về chuyển đổi số, mà chính quyền số là bước đi đầu tiên. Chắc chắn sau này, con số không dừng lại ở hơn 300 tỷ đồng nữa mà sẽ lớn hơn rất nhiều, để Hải Phòng quyết tâm đạt được các mục tiêu đề ra. Bởi lẽ, chuyển đổi số giờ đây là xu thế tất yếu, là chìa khóa để chủ động thích ứng, hội nhập cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã xác định, chuyển đổi số là động lực trong phát triển thành phố, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài. 3 trụ cột của chuyển đổi số (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số) được Hải Phòng thực hiện đồng thời, nhưng tập trung đầu tư phát triển chính quyền số là bước đi đột phá, cốt lõi, là sự lựa chọn đúng đắn, tạo nền tảng để công cuộc chuyển đổi số nhanh, mạnh, vững chắc hơn.
Mục tiêu đề ra khi thành phố quyết định đầu tư lớn cho xây dựng chính quyền số là nhằm đưa Hải Phòng thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số chuyển đổi số. Theo đó, thành phố tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng số bao gồm xây dựng trung tâm dữ liệu, hình thành nền tảng điện toán đám mây dùng chung của các cơ quan nhà nước trên toàn thành phố. Cùng với đó là phát triển dữ liệu số (xây dựng kho dữ liệu dùng chung, Cổng dịch vụ dữ liệu mở; xây dựng kho dữ liệu công dân, tổ chức; xây dựng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo). Đồng thời phát triển nền tảng số và hệ thống quy mô thành phố (xây dựng nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP) Hải Phòng; phát triển ứng dụng, dịch vụ số (xây dựng dịch vụ xác thực và định danh điện tử người dân, doanh nghiệp; xây dựng ứng dụng đa nền tảng phục vụ điều hành, quản lý tổng thể của chính quyền; xây dựng các ứng dụng trên nhiều nền tảng số để cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp (ứng dụng di động, web, zalo, facebook và các nền tảng quốc gia khác); xây dựng hệ thống giám sát, kiểm tra, đánh giá dịch vụ chính quyền số; xây dựng hệ thống phát triển kỹ năng số thành phố Hải Phòng…) và bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Sau khi hoàn thành dự án, 100% các thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% số người dân và doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; 100% số cơ quan nhà nước cấp thành phố tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số…
Như vậy, chỉ 3 năm nữa, mọi sự chỉ đạo điều hành và giao dịch của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền tại Hải Phòng đều được thực hiện trên nền tảng số. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chính phủ số là cung cấp các dịch vụ mới theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt chú ý dịch vụ mới; chuyển mọi hoạt động của Chính phủ và các cấp chính quyền trên môi trường số và hoạt động dựa nhiều trên dữ liệu và cung cấp thêm các dịch vụ mới; sử dụng công nghệ số, nhất là các công nghệ 4.0. Khác biệt cốt lõi của Chính phủ số, đó là sử dụng dữ liệu để ra quyết định và coi dữ liệu như là một loại tài nguyên mới, là chuyển đổi về cách thức ra quyết định của cơ quan chính quyền dựa trên các báo cáo bản giấy sang dựa trên dữ liệu phân tích, định lượng và tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Đó là sự kết nối và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước để người dân chỉ cần cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước. Các doanh nghiệp cộng đồng có thể sử dụng dữ liệu này để cung cấp thêm các dịch vụ mới.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số là nói đến các công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, Internet vạn vật. Các công nghệ này có tính cách mạng ở chỗ, nó bổ sung đắc lực và là trợ thủ tin cậy của trí tuệ con người; tạo ra một nguồn tài nguyên mới là dữ liệu, đưa vạn vật vào không gian mạng với một môi trường hoạt động sống động.
Như vậy, Hải Phòng đang đi rất đúng hướng khi quyết tâm tạo ra bước nhảy vọt về chuyển đổi số mà trước hết là xây dựng chính quyền số. Với động thái này, chắc chắn, Hải Phòng sẽ vượt lên, sẽ là địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về chuyển đổi số.
Hồng Thanh
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
Tối 11/1, tại Nhà hát thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…
Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More