Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam tại Lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019 được tổ chức vào sáng 16/4 tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza.
Đây là hoạt động thường niên hàng năm nhằm tập trung cao điểm triển khai các hoạt động tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 15/5/2019 trên phạm vi cả nước với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng – Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm nay diễn ra trong thời điểm toàn thành phố tập trung tổ chức nhiều hoạt động lớn của thành phố và các địa phương, đặc biệt là Lễ hội Hoa Phượng Đỏ – Hải Phòng 2019 gắn với các hoạt động du lịch – văn hóa – thể thao hè 2019, các hoạt động khởi công, khánh thành nhiều công trình lớn, trọng điểm của thành phố.
Để triển khai thực hiện hiệu quả “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam yêu cầu các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các cấp, ngành có liên quan khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 của HĐND thành phố; xây dựng mô hình điểm quản lý thức ăn đường phố đảm bảo hiệu quả; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp huyện, cấp xã; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp tại các cơ quan, đơn vị; tập trung thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý vi phạm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, các cơ sở lưu trú, du lịch, đón tiếp đại biểu dự các hoạt động của thành phố.
Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Nông nghiêp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cấp, ngành tập trung thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở nuôi trồng, chợ đầu mối, sản xuất, chế biến, giết mổ, kinh doanh thực phẩm lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và muối; quản lý, sử dụng và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, chất lượng vật tư nông nghiệp; quản lý chặt chẽ các loại gia súc, gia cầm mắc dịch bệnh không để lưu thông ra thị trường; tăng cường chỉ đạo xây dựng mô hình quản lý theo chuỗi thực phẩm và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường Hải Phòng phối hợp với các cấp, ngành tăng cường kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển các loại sản phẩm thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng theo quy định.
Đồng thời, Phó Chủ tịch cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn theo phân công, phân cấp về thẩm quyền quản lý an toàn thực phẩm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”; tăng cường tuyên truyền, vận động, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; kịp thời phản ánh, thông tin công khai các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm để các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý và để người tiêu dùng biết, tẩy chay không sử dụng các sản phẩm thực phẩm không an toàn.
Thông qua thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, các cấp, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải tạo được bước chuyển căn bản trong công tác quản lý bảo đảm cho người quản lý, người tiêu dùng kiểm soát được chuỗi thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn” và truy xuất được nguồn gốc thực phẩm lưu thông trên thị trường, kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm nhập lậu, thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xử; giảm thiểu các nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, góp phần đảm bảo an toàn cho nhân dân, du khách tham dự các hoạt động trên địa bàn thành phố; đồng thời tạo môi trường thực phẩm an toàn về lâu dài cho mọi người dân.
V.H.N