Print Thứ hai, 16/12/2019 08:37 Gốc

Trước những nguy cơ khan hiếm nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đã buộc con người phải tìm đến những giải pháp để thích nghi và phát triển bền vững. Một trong những xu thế mà nhiều quốc gia đã tìm đến và đã thành công đó là sản xuất xanh, tăng trưởng xanh. Vừa qua, Bộ Môi trường Nhật Bản đã phối hợp với thành phố Hải Phòng tổ chức hội thảo “Thúc đẩy tăng trưởng xanh và khu CN sinh thái”. Báo An ninh Hải Phòng ghi nhanh ý kiến một số chuyên gia trong nước và nước bạn trong lĩnh vực này.

Tiến sỹ Koji Tatakura-chuyên gia phân bón thành phố Kytakyushu: Hiện thực hoá kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh đã được Bộ Môi trường Nhật Bản, thành phố Kytakyushu ký kết với thành phố cảng Hải Phòng, từ năm 2015, chúng tôi đã bắt đầu hợp tác kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ (compost) thí điểm tại hai quận Ngô Quyền, Hải An. Với khẩu hiệu “Chúng ta chung tay biến rác thành tài nguyên”, chúng tôi đã giới thiệu, tập huấn tới các hộ gia đình kỹ thuật phân loại rác, rồi đề nghị hợp tác tại các đơn vị phát thải số lượng rác lớn như chợ, nhà hàng, khách sạn.

Tiếp đến, cán bộ, nhân viên nhà  máy xử lý rác Tràng Cát cũng được hướng dẫn sản xuất compost từ rác tươi, phương pháp thu thập, nuôi dưỡng các vi sinh vật cần thiết, quản lý thành phần nước, lên men hiếu khí, làm phân giống… Quy trình trên góp phần giảm tối đa lượng phát thải khí nhà kính từ quá trình vận chuyển rác, tập kết rác với số lượng lớn như hiện nay.

Từ dự án thí điểm trên, chúng tôi nhận thấy cần xây dựng thể chế hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp, khu dân cư và người dân để Hải Phòng giải quyết được bài toán về rác thải hiện nay và tiên phong dẫn dắt các đô thị khác.

Tiến sỹ Vương Minh Hiếu-Bộ KH&ĐT: Từ mô hình các khu công nghiệp (CN) sinh thái tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Banglades…cho thấy vừa tiết kiệm được nguyên liệu, nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính và tăng doanh thu hàng chục triệu USD mỗi năm. Việt Nam là quốc gia đang phát triển và Quỹ môi trường toàn cầu, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc đã tài trợ một số dự án nhằm chuyển đổi các khu CN đang hoạt động thành khu CN sinh thái.

Trong đó, các công ty hợp tác với nhau và với cộng đồng địa phương nhằm giảm tác động tới môi trường, chi phí sản xuất. Hơn nữa, công nghệ và kinh nghiệm sản xuất sạch, phát thải ít các-bon sẽ được trình diễn tại các khu CN sẽ giảm thiểu phát thải khí nhà kính, các chất hữu cơ khó phân huỷ và ô nhiễm nguồn nước. Khu CN sinh thái được ưu đãi khi vay vốn, tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ các giải pháp chuyển đổi sang mô hình sinh thái…

Song cũng phải chấp hành nghiêm các quy định về môi trường, lao động. Đặc biệt, phải đảm bảo các tiêu chí như: tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu CN áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất sạch; tỷ lệ đất cây xanh, các công trình dịch vụ chiếm 25% diện tích đất trong khu CN; có ít nhất 10% tổng số doanh nghiệp trong khu CN tham gia các liên kết cộng sinh; có giải pháp đảm bảo nhà ở, các công trình văn hoá, thể thao cho người lao động…

Ông Phạm Hồng Điệp-Tổng Giám đốc khu CN Nam Cầu Kiền: Khu CN Nam Cầu Kiền có các công trình hạ tầng tiện ích khá hoàn thiện như hệ thống cầu cảng, trạm biến áp, hồ điều hoà sinh học, thu gom xử lý nước mặt-nước thải, phòng thí nghiệm… Chúng tôi cũng thành lập Cụm PCCC, từ đó xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục các sự cố về cháy nổ cũng như về môi trường nếu phát sinh. Thực hiện sự chỉ đạo của ngành chức năng, khu CN Nam Cầu Kiền cũng đã lắp đặt hệ thống camera, quan trắc tự động để truyền sữ liệu về Sở Tài nguyên Môi trường thành phố, từ đó kiểm soát được chất lượng nước đầu ra, hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu, phế liệu, hay những phát sinh từ quá trình sản xuất của các doanh nghiệp.

Đặc biệt, với đặc thù của khu CN, chúng tôi có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cơ khí chế tạo rồi cả những doanh nghiệp xử lý chất thải công nghiệp, kể cả là chất thải nguy hại. Do vậy, các doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn khi hợp tác trong chuỗi cộng sinh, tức là phế liệu của doanh nghiệp này lại là nguyên liệu của doanh nghiệp kia, hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của mô hình khu CN sinh thái. Vì thành phố cảng xanh, phát triển bền vững, chúng tôi sẽ nỗ lực, tập trung và cam kết thực hiện các tiêu chí của mô hình trên.

Kim Oanh thực hiện

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tăng trưởng xanh – Xu thế tất yếu!
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác