Print Thứ Bảy, 13/04/2019 09:52

Màu xanh được coi là biểu tượng của sức sống, tiêu biểu cho quá trình luân chuyển, kết nối trong không gian thông thoáng, đã vượt qua quan niệm ngôn ngữ thuần túy, trở thành khái niệm mở, gắn với sự phát triển bền vững. Một mô hình kinh tế với bản chất như vậy, không chỉ đáp ứng các yêu cầu thời đại, mà còn đảm bảo sự an toàn cho các thế hệ kế tục sau này.

Mô hình đô thị “Eco2Cities” (thành phố kinh tế – thành phố sinh thái) tại Hải Phòng

Sự lựa chọn tất yếu

Kể từ năm 2010, khi lần đầu tiên lãnh đạo Hải Phòng tham dự một hội thảo về Eco2Cities (Thành phố kinh tế – Thành phố sinh thái) tại TP Hồ Chí Minh do Ngân hàng thế giới tổ chức, đến nay những vấn đề liên quan đến các khái niệm “tăng trưởng xanh”, “Eco2Cities” hay “tăng trưởng bền vững” đã được thành phố hiện thực hóa, bước đầu đạt được những thành tựu quan trọng.

Theo định nghĩa của Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP): “Kinh tế phát triển bền vững là nền kinh tế nhằm cải thiện hạnh phúc con người, công bằng xã hội và giảm thiểu đáng kể những nguy cơ kiệt quệ về môi sinh…”. Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển Hải Phòng, khái niệm “Thành phố Cảng xanh” đã được mở rộng nội hàm, không đơn thuần chỉ là “Eco2Cities” hay “Green Economy”, cũng không chỉ hạn hẹp trong yếu tố ngôn ngữ, mà bao gồm nhiều lĩnh vực có tính chất toàn diện, gắn với vị thế rất cụ thể của Hải Phòng là thành phố cảng, lấy kinh tế biển làm mũi nhọn tăng trưởng.

Vốn dĩ là địa phương có vị thế địa kinh tế – chính trị nổi bật, nên không phải ngẫu nhiên mà nhưng năm gần đây, nhiều tổ chức quốc tế, nhiều nhà khó học trên thế giới đã chọn Hải Phòng là đối tượng nghiên cứu về tăng trưởng bền vững. Nghĩa là, những bài học từ Hải Phòng, đã định hình khá đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng cho chiến lược mới trong tương lai.

Hướng đi từ những thách thức

Nhìn lại sau hơn 30 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn, Việt Nam phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, cùng với việc du nhập ồ ạt thiếu chọn lọc các dòng chảy bao gồm cả tích cực lẫn tiêu cực đã dẫn đến những tác động mạnh mẽ. Vì vậy Hải Phòng cũng như cả nước đã phải trả giá cho những tổn thất giá trị, về văn hóa, giáo dục, kỷ cương xã hội và nhiều vấn đề khác. Một quá trình phát triển nóng, tự phát, là hậu quả của sự sốt sắng, thậm chí ngộ nhận nhất thời về kinh tế thị trường, tạo tiền đề xấu cho công tác quy hoạch tổng thể phát triển bền vững.

Trên lĩnh vực công nghiệp, việc xóa bỏ những thành quả cũ cũng như tiếp nhận những cái mới có phần hơi vội vã, đã dẫn tới hậu quả như là nơi tiêu thụ “rác thải công nghệ”. Nhiều mô hình sản xuất chỉ nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề trước mắt, không những sức lao động bị sử dụng hoang phí, mà kết cấu tài nguyên đất đai cũng bị phá vỡ. Về nông nghiệp, bên cạnh việc mất cân đối về thu nhập, lực lượng lao động, kết cấu tam nông, còn bị tác động mạnh mẽ trên nhiều khía cạnh khác. Quan hệ sản xuất chậm đổi mới, các mô hình mang nặng tính phong trào, chưa thực sự tạo sự chuyển biến. Đối với lĩnh vực thủy sản, Hải Phòng là khu vực có mật độ phân bố các loài hải sản, đa dạng sinh học tỷ lệ cao. Tuy nhiên, quá trình bảo tồn tái sinh không được quan tâm, biến đổi khí hậu cùng với việc khai thác bừa bãi đã làm tiêu hủy môi trường sinh sản của các sinh vật thủy tự nhiên.

Một trong những khía cạnh phát triển mạnh nhất của Hải Phòng là dịch vụ cảng, cũng để lại nhiều vấn đề. Khu vực cảng biển Hải Phòng hiện có hơn 40 doanh nghiệp, trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị, tổng chiều dài cầu cảng tăng lên gấp bốn lần, lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng bình quân 15%/năm, riêng năm 2018 đã đạt trên 100 triệu tấn, tăng hơn 10 lần so với 15 năm trước. Mặc dù vậy, do tính chắp vá khi phát triển hệ thống, sự manh mún dẫn tới quy mô, năng lực cung cấp các dạng hình dịch vụ hạn chế, chất lượng không cao, chưa kể rất lãng phí về đầu tư. Du lịch cũng là một ngành mũi nhọn được quan tâm, trong mấy năm gần đây, Hải Phòng là điểm đến được ưa chuộng đối với nhiều khách cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, lượng khách tăng dẫn đến rác thải, nước thải gia tăng tỷ lệ thuận, trong khi du lịch Hải Phòng chưa có điều kiện sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ ô nhiễm và sự cố môi trường sẽ xảy ra.

 Ngoài những lĩnh vực trên, thách thức mà thành phố phải đối mặt còn đến từ nhiều lĩnh vực khác, như giáo dục, y tế, văn hóa đến quy hoạch, phát triển hạ tầng, khai thác tài nguyên khoáng sản, nguy cơ ô nhiễm các nguồn nước ngọt… Tóm lại, những vấn đề trên đã được thành phố nhìn đánh giá và rút kinh nghiệm sâu sắc trong dịp tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 32 vừa qua.

Dịch vụ cảng theo hướng tăng trưởng bền vững.

          Quyết tâm để phát triển bền vững

Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ Thành phố đã cụ thể hóa nội dung Kết luận 72 của Bộ Chính trị, quyết tâm “xây dựng Hải Phòng thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại…”. Như vậy có thể nói Hải Phòng là một trong những địa phương sớm nhất ở Việt Nam, tiếp cận và định hướng phát triển theo mô hình tăng trưởng bền vững.

Mới đây nhất, tại Nghị quyết 45-NQ/TW, Bộ Chính trị cũng chỉ rõ quan điểm: đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á… tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới. Như vậy, Hải Phòng đã được đặt trong mối liên hệ liên kết, cho khu vực phía Bắc và cả nước và vươn ra tầm quốc tế.

Để đạt được mục tiêu này, quyết tâm của thành phố là chuyển từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu. Trong 3 năm đầu thực hiện Nghị quyết đại hội 15, với những kết quả mang tính đột phá, có thể nói Hải Phòng đang cụ thể hóa chiến lược phát triển, định hình theo hướng tăng trưởng bền vững. Quá trình tăng trưởng dựa trên những ngành tham gia mạng sản xuất toàn cầu, tiêu hao ít hơn tài nguyên, năng lượng, có giá trị gia tăng cao. Tăng trưởng kinh tế dựa trên những lợi thế của thành phố cảng biển, đồng thời với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, giảm dần bất bình đẳng trong phân phối thu nhập…

Chỉ trong một thời gian ngắn, kết cấu hạ tầng kinh tế, giao thông, đô thị được đầu tư lớn chưa từng có từ trước đến nay. Nhiều công trình trọng điểm đã được đưa vào khai thác như đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Khu nghỉ dưỡng sinh thái và nhà ở cao cấp đảo Vũ Yên, cầu đường Tân Vũ – Lạch Huyện… Cũng chỉ trong thời gian ngắn, Thành phố đã thu hút một nguồn lực lớn từ các nước tiên tiến vào lĩnh vực công nghệ cao, thu hút đầu tư từ những tập đoàn lớn nhất Việt Nam vào lĩnh vực phát triển sinh thái như VinGroup, SunGroup, Him Lam, FLC… Điều này cho thấy tính cầu thị cao của Hải Phòng trong sự vận động tất yếu mang tính thời đại.

Như vậy, hướng tới mô hình tăng trưởng bền vững là mục tiêu đã được Hải Phòng đề ra rất cụ thể, thiết thực. Tuy nhiên để thành công, chúng ta không thể không thiết lập trong kết cấu bệ phóng một nền văn hóa làm căn bản. Mà ở đó bộ quy tắc ứng xử là cốt lõi, ứng xử giữa con người với con người, với thiên nhiên, với xã hội, với sản phẩm của chính mình… Nghĩa là quan trọng nhất vẫn từ nguồn lực con người, với tư duy bền vững, ý thức bền vững…  

Lê Minh Thắng

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tăng trưởng bền vững – xu hướng mang tính thời đại
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác