Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh tăng lương lần này phải đặc biệt quan tâm đến kiểm soát được giá, chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Trong đó, khả năng CPI tăng khoảng 0,77%, chủ yếu là do tâm lý.
Tăng lương, khả năng CPI tăng khoảng 0,77%
Chiều 26.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024.
Cuối phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, cơ bản các đại biểu đã đồng tình với báo cáo của Chính phủ, những kiến nghị về cải cách tiền lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội, các chính sách với người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024.
Đồng thời, các đại biểu cũng nêu lên một số hạn chế, vướng mắc trong thời gian qua và đặc biệt giải pháp trong thời gian tới với nhiều ý kiến xác đáng.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ có báo cáo số 3668 phát hành ngày 26.6 gửi tới đại biểu Quốc hội giải trình các nội dung liên quan tới cải cách chính sách tiền lương.
Các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp thực hiện cho được Nghị quyết số 27-NQ/TW, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về cải cách tiền lương. Đặc biệt, tăng lương lần này phải quan tâm đến kiểm soát được giá, chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Chính phủ đánh giá việc tăng lương có khả năng làm CPI tăng khoảng 0,77%. “CPI tăng chủ yếu là do tâm lý, còn nhu cầu do tăng lương cũng có nhưng không cao. Đồng thời, cung cầu hàng hóa cũng đáp ứng được, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu“, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đồng thời cho hay, công tác tuyên truyền cũng rất quan trọng.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, ngay từ khi chuẩn bị, Chính phủ đã có chỉ đạo, đặc biệt Ban Chỉ đạo điều hành giá và Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo vấn đề này.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn và mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm để đóng góp cho Chính phủ trong chỉ đạo điều hành chung cũng như nội dung này.
Chính phủ đề nghị Bộ Nội vụ tiếp thu, đề xuất với Chính phủ để hình thành những giải pháp thực sự khả thi, thực hiện triệt để.
Hơn 900.000 tỉ đồng tăng lương cơ sở, lương hưu
Liên quan đến điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp từ ngày 1.7, báo cáo của Chính phủ nêu, tổng kinh phí thực hiện trong 3 năm (2024-2026) sẽ tăng thêm 913.000 tỉ đồng.
5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương, gồm: Từ nguồn tăng thu và nguồn dư của địa phương đã bố trí cho cải cách tiền lương các năm trước chuyển sang; Từ nguồn ngân sách Trung ương; Từ một phần nguồn thu sự nghiệp; Từ 10% tiết kiệm tăng thêm chi thường xuyên; Từ nguồn do thực hiện tinh giản biên chế.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, tổng nguồn kinh phí thực hiện rất lớn. Ban đầu với mức lương cơ sở tăng bình quân 20%, tổng kinh phí trong 3 năm khoảng 760.000 tỉ đồng.
Khi Chính phủ đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở 30% và 10% tiền thưởng và các chính sách liên quan, tổng mức kinh phí lên đến 913.300 tỉ đồng, tăng thêm 127.000 tỉ đồng so với phương án báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Về nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: “Nguồn này Chính phủ đảm bảo được“.
Đến nay, Chính phủ tích lũy được 680.000 tỉ đồng. Trong 2 năm (2025-2026), với những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế và các giải pháp tăng thu, dự kiến sẽ đảm bảo được nguồn tiền để thực hiện tổng thể các chương trình.
Từ nay đến năm 2026, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, chặng đường tới phải có giải pháp rất quyết liệt, cụ thể về tiết kiệm chi, tăng thu, đồng thời để báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung Nghị quyết 27 để thực hiện giai đoạn sau.
Nhóm PV