Theo đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, mức lương cơ sở cần tăng tối thiểu từ 20-25%, tức sẽ tăng lên khoảng 1,8 đến 2 triệu đồng là phù hợp điều kiện ngân sách nhà nước.
Tăng lương cơ sở là giải pháp cần thiết để giữ chân người tài
Để cán bộ, công viên chức yên tâm làm việc thì lương và chế độ đãi ngộ là yếu tố rất quan trọng. Vì vậy, theo nhiều người, với mức lương cán bộ, công chức, viên chức (đã có thâm niên) chỉ trên dưới 10 triệu như hiện nay là quá thấp so với yêu cầu của cuộc sống.
Về vấn đề này, bà Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng, 10 triệu đồng một tháng là mức lương không cao, thậm chí chỉ là mức lương cho lao động tay nghề thấp ở khu vực tư nhân. Nếu tính cả những nhu cầu chính đáng như tiền học cho con, mua xe máy để đi lại, hay khám chữa bệnh và cuối cùng là mua nhà thì mức lương đó là rất thấp.
“Một số chuyên gia đã từng đưa ra bài toán giả sử hộ gia đình trẻ có tổng thu nhập 20 triệu/tháng muốn mua căn hộ 70m², đơn giá khoảng 20 triệu đồng/m², giá nhà khoảng 1,5 tỉ tại Hà Nội thì cần 20 năm để trả hết nợ để mua nhà, trong trường hợp sử dụng 50% thu nhập để trả nợ và lãi suất vay ngân hàng trung bình ở mức 10%/năm như hiện nay“, bà Yên dẫn chứng.
Trước thực tế này, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, thu nhập ở khu vực công hiện đang ở mức thấp hơn so với khu vực tư. Đặc biệt, tiền lương (chiếm đa số trong thu nhập) của khu vực công áp dụng theo mức lương cơ sở hiện là 1.490.000 đồng, áp dụng từ năm 2019 đến nay.
Theo đó, để khu vực công nói chung trở nên cạnh tranh hơn, trong đó có việc giữ chân người tài trong các bệnh viện công thì việc tăng lương cơ sở là một trong các giải pháp hết sức cần thiết.
“Đối với mức lương cơ sở, tôi nghĩ cần tăng tối thiểu từ 20-25% tức là sẽ tăng lên khoảng 1,8 triệu đến 2 triệu là phù hợp điều kiện ngân sách nhà nước“, ông Nghĩa đề xuất.
Cần sớm tăng lương để động viên kịp thời công chức, viên chức
Trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 13.10 tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông tin: Các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng/tháng, thời gian thực hiện từ 1.7.2023.
Trao đổi với Lao Động, cô Nguyễn Hồng Xoan, giáo viên mầm non tại Thanh Hóa cho biết, đây là tin vui đối với giáo viên nói riêng và cán bộ, công chức, viên chức cả nước nói chung, giúp giải quyết được phần nào khó khăn trong giai đoạn qua.
Theo cô Xoan, giáo viên mầm non mới vào ngành được xếp hạng III có hệ số lương 2,1, phụ cấp ưu đãi 35%, lương khởi điểm khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng.
Nếu phương án đề xuất trên được thông qua thì giáo viên sẽ được hưởng lương theo lương cơ sở mới là 1,8 triệu đồng mỗi tháng, tăng thêm 310.000 đồng nhân với hệ số lương và các khoản phụ cấp.
“Đây là một điều rất đáng mừng, nhưng tôi hy vọng đề xuất này sẽ sớm được chấp thuận và đi vào thực tế ngay đầu năm sau để chúng tôi cảm thấy được động viên và san sẻ khó khăn“, cô Xoan mong mỏi.
Còn chị Lê Thị Dung, điều dưỡng viên đang công tác tại bệnh viện tuyến trung ương cho rằng, nên tăng lương cơ sở sớm để giữ chân nhân viên y tế.
“Sau dịch COVID-19, nhiều nhân viên y tế đã bỏ việc, chuyển việc. Hiện nay, rất nhiều người đang làm việc trong tâm thế chán nản, việc tăng lương thời điểm này sẽ là sự động viên kịp thời đối với họ, giúp họ yên tâm làm việc. Ngoài ra, với đặc thù nghề nghiệp, tôi mong muốn sẽ được tăng phụ cấp ưu đãi nghề để nâng tổng thu nhập, cải thiện đời sống“, chị Dung bày tỏ.
Trang Thiều