Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu có sự dịch chuyển sau đại dịch, cạnh tranh với các nước đang phát triển trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói chung và vào các khu công nghiệp ngày càng gia tăng đã đặt ra những yêu cầu mới cho sự phát triển của khu công nghiệp trong tương lai…
Thực tế này, đang đặt ra vấn đề cần nhìn nhận và đánh giá lại tính phù hợp và hiệu quả của các mô hình khu công nghiệp hiện nay.
Phát triển nhưng chưa sát nhu cầu thực tế
Việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam thời gian qua được đánh giá là đã tạo điều kiện để thu hút một khối lượng lớn vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 5/2021, đã có 394 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 121.900ha.
Trong số 394 khu công nghiệp được thành lập, có 286 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 86.000ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 57.300ha và 108 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35.900ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 23.600ha.
Thống kê cho thấy nguồn vốn đầu tư thực hiện gồm: vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế và vốn đầu tư của dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt khoảng 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; trong đó, đối với vốn đầu tư nước ngoài, các khu công nghiệp và khu kinh tế trên cả nước có 10.853 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực của các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 228,4 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 69,6%.
Ngoài ra, có 10.186 dự án sản xuất kinh doanh còn hiệu lực của các nhà đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 2,53 triệu tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 45,4%.
Không chỉ thu hút vốn, các khu công nghiệp và khu kinh tế còn đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động; sản xuất nhiều hàng hóa tiêu dùng nội địa và sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh cao…
Tại một số địa phương, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng trên 60% tổng thu ngân sách nhà nước của địa phương như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Phòng…
Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2019, khu công nghiệp và khu kinh tế đã nộp ngân sách nhà nước trên 400.000 tỷ đồng.
Đánh giá về đóng góp của khu công nghiệp và khu kinh tế của Việt Nam trong hơn 30 năm qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng việc hình thành các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu…
Cùng với đó, việc phát triển mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế cũng góp phần tích cực trong việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian vừa qua chưa bền vững, bộc lộ một số tồn tại hạn chế hạn chế. Đó là quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể. Tại một số nơi quy hoạch và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế chưa sát với nhu cầu phát triển; khả năng thu hút đầu tư, chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, xã hội, môi trường…
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết mô hình phát triển các khu công nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với nguồn lực phát triển chủ yếu dựa vào khai thác tiềm năng về đất, chưa thực sự tạo ra được các cụm sản xuất có quy mô để tăng khả năng cạnh tranh của các ngành sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam.
Bà Vũ Thu Hằng, giám đốc kinh doanh TNI Holdings Việt Nam, cho hay đa phần các khu công nghiệp hiện nay đều vận hành theo mô hình truyền thống, nhưng hiện có một số ít chủ đầu tư đã thử nghiệm và thành công với mô hình khu công nghiệp đô thị dịch vụ.
Theo bà Vũ Thu Hằng, phát triển khu công nghiệp đô thị dịch vụ quan trọng nhất vẫn là sự gắn kết và tương tác hỗ trợ như thế nào.
“Một vấn đề nữa cần được xem là điểm nóng hiện nay đối với các chủ đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng. Với quỹ đất rất lớn của khu công nghiệp, chúng tôi bắt buộc phải đền bù theo giai đoạn, cũng như chia nhỏ thành từng phần. Nhưng, bởi vì hành lang pháp lý cũng như quy trình đền bù giải phóng mặt bằng hiện nay còn rất nhiều vướng mắc, dẫn đến việc phải kéo dài tiến trình. Việc kéo dài tiến trình giải phóng mặt bằng và các thủ tục pháp lý để đảm bảo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư là những thách thức và tạo áp lực rất lớn”, bà Hằng nhấn mạnh.
Hoàn thiện khung pháp lý
Tại buổi Tọa đàm “Nhận diện xu hướng mới trong phát triển khu công nghiệp”, được Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) tổ chức ngày 20/9, hầu hết các ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp cũng như đại diện các bộ, ngành, địa phương cho rằng, cần nhận diện rõ hơn những cơ hội, thách thức và xu hướng mới, để xây dựng được những giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch hợp đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Shinec, cho rằng cần phải tích hợp các Luật để thu hút được đầu tư vào khu công nghiệp. Theo đó, ông Điệp cho rằng, chúng ta chưa tích hợp giữa các luật với nhau như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, mà khó nhất là Luật Đất đai.
Chẳng hạn, Luật Đầu tư cho phép miễn giảm thuế nhưng Luật Thuế lại không cho phép. Hoặc Luật Xây dựng định dạng khu công nghiệp đô thị, sinh thái nhưng Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế lại đưa ra khu công nghiệp phải có điều kiện hạ tầng tốt, dịch vụ thiết yếu cho người lao động, mà các dịch vụ này lại vi phạm Luật Nhà ở, Luật Xây dựng.
“Muốn thu hút được các nhà đầu tư xây dựng khu công nghiệp, tất cả các Luật phải tích hợp được với nhau. Đặc biệt, như dịch COVID-19 vừa rồi bộc lộ lực lượng lao động, công nhân không có nhà ở thì họ không yên tâm sản xuất, kinh doanh, nguy cơ sau dịch sẽ bị thiếu lao động. Vì thế, đề nghị riêng Bộ Xây dựng cùng các bộ liên quan nghiên cứu lại Luật Xây dựng”, ông Điệp nhấn mạnh.
Ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng ban Ban Quản lý khu kinh tế, thành phố Hải Phòng, cho rằng quy hoạch là nguồn lực, quyết định sự thành công của khu công nghiệp. Theo đó, không quy hoạch độc lập từng thực thể mà phải quy hoạch cả khu, ít nhất là cả thành phố để có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau. Hiện, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đang soạn thảo trình thành phố ban hành nghị quyết mới về phát triển khu cụm công nghiệp từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Với điều kiện của Hải Phòng hiện nay, Ban quản lý tự tin có thể chuyển đổi nhanh theo những xu hướng mới. Đó là hình thành một hệ sinh thái, không chỉ khu công nghiệp mà xung quanh đó là những cụm công nghiệp liên hoàn để hỗ trợ nhau.
Còn ông Hans Kerstens, Giám đốc phát triển kinh doanh khu công nghiệp DEEP C, bày tỏ cần chú trọng đến tính bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trước đây, có rất nhiều công ty đã chọn Việt Nam vì một lý do duy nhất đó là chi phí lao động và điều này đã thay đổi trong vài năm qua. Bây giờ ngày càng nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao đang đầu tư vào Việt Nam.
“Tại Khu công nghiệp DEEP C, chúng tôi chú trọng đến tính bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trên thực tế, chúng tôi hiện đang tập trung vào việc lắp thêm nhiều tấm pin mặt trời trên mái nhà xưởng của khách thuê. Từ đó, tạo ra rất nhiều điện năng cho các hoạt động trong khu công nghiệp“, ông Hans Kerstens cho biết.
Để tăng tính hấp dẫn, bền vững trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, ông Phan Hữu Thắng cho rằng cần có chính sách thu hút các dự án động lực, có quy mô lớn vào các khu công nghiệp. Điều này nhằm hình thành các cụm sản xuất quy mô lớn và chuyên môn hóa, có tính liên kết cao giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, chú trọng phát triển các mô hình khu công nghiệp mới như: khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ, khu công nghiệp hỗ trợ, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với chất lượng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo điều kiện thu hút được dòng vốn đầu tư có chất lượng./.
Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)
Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị…
Sáng 10/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…
Cơ quan khí tượng dự báo không khí lạnh mạnh sắp tăng cường sẽ gây…
Các trường THCS vẫn có thể đánh giá trực tiếp học sinh khi xét tuyển…
Sáng 10/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường tiếp Đoàn đại biểu…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More