Theo các chuyên gia, động thái tăng giá điện lần thứ hai trong năm nay sẽ không tác động nhiều tới chỉ số CPI, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.
Như Lao Động đã thông tin, từ ngày 9.11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán lẻ điện bình quân (giá điện) từ 1.920,37 đồng lên 2.006,79 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 4,5%. Theo ước tính, tiền điện phải trả thêm mỗi tháng của nhóm khách hàng dùng điện kinh doanh dịch vụ là 230.000 đồng; sản xuất 432.000 đồng và hành chính sự nghiệp là 90.000 đồng.
Như vậy kể từ đầu năm tới nay, EVN đã hai lần điều chỉnh giá điện và thực hiện trong thẩm quyền, với mức tăng 3% và 4,5%. Với đợt tăng giá lần này, Cục Điều tiết điện lực ước tính giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng thêm 0,035%.
Nhiều quan điểm lo ngại khi giá điện tăng sẽ vô hình chung tạo áp lực lên lạm phát. Đánh giá về vấn đề này, ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích đầu tư, CTCP FIDT cho rằng giá điện tăng lần này sẽ không tác động đáng kể tới CPI từ nay đến cuối năm. Lạm phát của Việt Nam tính đến tháng 10 đạt 3,59%, vẫn duy trì dưới mục tiêu 4,5% đã đề ra.
“Nếu đứng ở góc độ của doanh nghiệp, tôi nhận thấy họ sẽ có thêm áp lực trong khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã có nhiều biện pháp khác để hỗ trợ nên việc tăng giá điện lần này có nhiều ý nghĩa hơn trong câu chuyện vĩ mô dài hạn“, ông Phương đánh giá.
Theo vị chuyên gia, hiện tại EVN cần đầu tư rất nhiều cho các dự án sắp tới cũng như mạng lưới truyền tải điện để chuẩn bị cho sự phát triển của Việt Nam. Bởi vốn dĩ hệ thống truyền tải điện không ổn định là một trong những nguyên nhân khiến tập đoàn chip lớn trên toàn cầu vừa qua đã bày tỏ quan ngại trong việc mở rộng đầu tư. Do đó, với bức tranh tài chính hiện tại của EVN, nếu không tăng giá điện thì sẽ không có nguồn lực để phát triển, từ đó hướng tới ổn định an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn.
Ông Lưu Trí Kháng, Trưởng phòng tự doanh, Công ty Chứng khoán Kiến Thiết cho biết: “Tỉ trọng giá điện trong cơ cấu lạm phát không quá cao. Hơn nữa khi tăng giá điện, EVN đã có lộ trình nên sẽ không quá ảnh hưởng đến người nghèo, người yếu thế trong xã hội. Chỉ các doanh nghiệp sử dụng lượng điện lớn mới bị ảnh hưởng. Do đó, lạm phát không phải vấn đề quá quan tâm trong thời điểm hiện tại“.
Về phía các doanh nghiệp, chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, việc tăng giá điện chưa tác động nhiều đến các doanh nghiệp sản xuất điện trong ngắn hạn nhờ các thỏa thuận dài hạn khi ký hợp đồng mua bán điện với EVN; trong khi đó, có thể tác động tích cực đối với những doanh nghiệp phân phối điện do hợp đồng đã ký dài hạn với giá rẻ, nay bán giá cao, giúp lợi nhuận doanh nghiệp nhiều khả năng tăng.
Về dài hạn, giá điện bán lẻ tăng lên cùng sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán điện, phản ánh đúng tỉ lệ cung cầu trên thị trường điện.
Đức Mạnh