Sáng 6/7, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ Hội trường Bộ Công an (thành phố Hà Nội) đến Hội trường 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tới các huyện.
Các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Trần Lưu Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia; Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì Hội nghị.
Dự tại điểm cầu thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố; Cao Xuân Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an thành phố và đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.
Ngày 25/5/2023, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới” trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, bổ sung chủ trương giải pháp mới phù hợp bảo đảm an toàn giao thông trong tình hình mới, tạo sự thống nhất trong toàn quốc để tổ chức thực hiện.
Trong 10 năm qua (2013-2022), các cấp, các ngành đã quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, giải pháp đề ra trong Chỉ thị số 18, trong đó đã dành nhiều nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia, góp phần tạo chuyển biến tích cực về tình hình trật tự an toàn giao thông qua từng năm. Trong thời gian gần đây còn có nhiều cách làm mới, quyết liệt hơn như kiểm soát nồng độ cồn, quá khổ, quá tải…, qua đó ý thức chấp hành pháp luật giao thông có chuyển biến rõ nét, số người chết, bị thương và thiệt hại do tai nạn giao thông giảm mạnh. Trong năm 2022, đã giảm khoảng 3.000 người chết so với năm 2012. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, giảm 548 người chết vì tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, những chuyển biến vừa qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, tình hình trật tự an toàn giao thông còn nhiều diễn biến phức tạp, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra vẫn rất nghiêm trọng (10 năm qua, trung bình mỗi năm xảy ra gần 20.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.000 người, bị thương 16.000 người). Trong đó, khoảng 70% người bị chết, bị thương trong độ tuổi lao động để lại hệ lụy rất nặng cho xã hội, người dân vẫn lo lắng, bất an khi tham giao thông.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương, Công an các tỉnh, thành phố đã đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác đảm bảo an toàn giao thông; nêu những bài học kinh nghiệm trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức toàn dân trong việc tham gia giao thông, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định: Việc ban hành Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới là rất kịp thời và phù hợp với thực tiễn, qua đó góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực hơn nữa trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn tới.
Đồng chí Trương Thị Mai đã ghi nhận, tiếp thu các ý kiến kiến nghị, đề xuất xử lý của các ngành, địa phương trong lĩnh vực giao thông, và trật tự an toàn giao thông; đồng thời yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông; nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn…
Hoàng Tùng