Tăng cường quản lý khoản thu thuế nhà thầu

11 tháng năm 2018, Cục Thuế Hải Phòng thu được 1877 tỷ đồng thuế nhà thầu, tăng 79,3% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là khoản thu có mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2018, cho thấy nếu tăng cường quản lý, phối hợp chặt chẽ sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.

Nắm chắc nhà thầu  để thu thuế

Theo lãnh đạo Cục Thuế Hải Phòng, muốn thu được thuế nhà thầu phải nắm chắc danh sách và quá trình hoạt động của nhà thầu trên địa bàn thành phố. Những năm trước, hầu như chỉ có ngành Thuế rà soát quản lý là chính nhưng năm nay đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các ngành liên quan để cùng quản lý thu thuế. Quy chế phối hợp quản lý Nhà nước về thuế nhà thầu được thúc đẩy thực hiện mạnh mẽ hơn với sự tham gia tích cực của Sở Kế hoạch- Đầu tư, Ban quản lý Khu Kinh tế, Kho bạc Nhà nước, Sở Xây dựng, Sở Công Thương… nên Cục Thuế đã tổng hợp được danh sách cụ thể. Đến hết tháng 11, có 67 nhà thầu chính, nhà thầu phụ nước ngoài… đang hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, còn có hàng trăm nhà thầu xây dựng vãng lai ngoại tỉnh cũng được đưa vào danh sách quản  lý.

Ảnh: Duy Thính

Tuy nhiên, nắm được danh sách cũng cần phải có các biện pháp nghiệp vụ chặt chẽ mới có thể thu kịp thời các khoản thuế phát sinh. Vì vậy, Cục Thuế tăng cường các biện pháp quản lý, giao các phòng nghiệp vụ quản lý các nhà thầu nước ngoài, đồng thời đẩy mạnh phân cấp chuyển các chi cục thuế quận, huyện quản lý thu thuế đối với các nhà thầu xây dựng vãng lai ngoại tỉnh. Nhờ vậy, chỉ tính riêng khối nhà thầu vãng lai ngoại tỉnh mang lại nguồn thu hơn 450 tỷ đồng trong 11 tháng.

Lãnh đạo Cục Thuế Hải Phòng cũng cho biết, các dự án, công trình trên địa bàn thành phố  ngày càng nhiều là cơ hội lớn phát sinh các nguồn thu. Trong đó, chỉ riêng tại công trường xây dựng tổ hợp Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast với hàng trăm nhà thầu nước ngoài đang hoạt động mang lại nguồn thu thuế nhà thầu gần 1000 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, thuế nhà thầu còn phản ánh tốc độ xây dựng, tăng trưởng kinh tế của thành phố. Với tổng mức thu gần 1900 tỷ đồng trong tháng 11 và sẽ còn tiếp tục tăng trong tháng 12, đây là một khoản thu không nhỏ đối với ngân sách thành phố.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Trong công tác quản lý thuế nhà thầu hiện nay vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đó là tình trạng các nhà thầu không khai báo, không tự giác kê khai hoặc kê khai tính thuế  không đầy đủ nên còn thất thu, thất thoát, còn có nhiều nhà thầu chưa được quản lý. Năm 2018, thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động xây dựng trong các doanh nghiệp FDI. Đoàn kiểm tra tại liên danh Serverone/GS E &C (Hàn Quốc), nhà thầu chính thực hiện xây dựng Nhà máy LG Display Hải Phòng và Công ty CP tập đoàn Kiến An (Thâm Quyến) tại dự án xây dựng Khu công nghiệp An Dương. Qua kiểm tra, các nhà thầu đã phối hợp cung cấp tài liệu, giải trình số liệu và đôn đốc các nhà thầu phụ tuân thủ việc chấp hành kê khai, nộp thuế vãng lai đối với chi cục thuế nơi tiến hành hoạt động xây dựng. Nhờ vậy, các nhà thầu vãng lai kê khai nộp tăng 328 triệu đồng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, trong quá trình hoạt động, 2 nhà thầu đã sử dụng thêm  một số nhà thầu phụ Việt Nam ngoài danh sách đã đăng ký với Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng. Liên danh nhà thầu  Serverone/GS E &C chưa lập báo cáo định kỳ gửi Sở Xây dựng về tình hình thực hiện hợp đồng đã ký kết theo quy định.

Mặc khác, do quy định bỏ đăng ký mã số thuế nhà thầu vãng lai nên cơ quan thuế đang gặp khó khăn trong việc liên hệ đôn đốc các nhà thầu ngoại tỉnh thực hiện kê khai thuế tại địa phương nơi thi công, xây dựng, lắp đặt. Đến nay, còn 2 nhà thầu là Công ty TNHH Huake Eng Việt Nam và Công ty CP xây dựng và quản lý dự án Hi-End chưa thực hiện kê khai với số thuế tạm tính là 2,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, vấn đề nợ thuế của nhà thầu nước ngoài cũng đang còn vướng mắc. Hiện các nhà thầu nước ngoài thực hiện dự án xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng còn nợ khoản thuế nhà thầu 240 tỷ đồng, mặc dù đã thi công xong, công trình đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn tới nợ thuế là do ngân sách Trung ương chưa bố trí đủ để thanh toán cho các nhà thầu, dẫn tới nợ lẫn nhau. Để giải quyết, Cục Thuế tham mưu với UBND thành phố báo cáo Bộ Giao thông- Vận tải, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Bộ Tài chính có phương án cấp bổ sung nguồn vốn đối ứng cho Ban quản lý dự án hàng hải 2 để thanh toán cho các nhà thầu chính, từ đó sẽ có nguồn nộp khoản nợ thuế 240 tỷ đồng cho thành phố.

Để tiếp tục quản lý tốt thuế nhà thầu, đặc biệt là nhà thầu nước ngoài, nhà thầu vãng lai ngoại tỉnh, Cục Thuế đề nghị thành phố chỉ đạo tăng cường hơn nữa thực hiện quy chế phối  hợp giữa các ngành, cung cấp đầy đủ thông tin để ngành Thuế quản lý thu thuế. Trong việc này, vai trò của nhà thầu chính rất quan trọng bởi mỗi nhà thầu chính thường có nhiều nhà thầu phụ. Nếu nhà thầu chính chấp hành nghiêm chỉnh việc cung cấp thông tin, danh sách nhà thầu phụ, phối hợp tốt với cơ quan thuế thì công tác thu thuế nhà thầu sẽ thuận lợi hơn, tỷ lệ thất thu, thất thoát cũng ít hơn.


Hồng Thanh – Báo Hải Phòng 19/12/2018

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More