Với mục tiêu nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường, ngày 7-5-2018, UBND thành phố có Kế hoạch 119/KH-UBND về việc kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường. Trên cơ sở đó, khắc phục hạn chế của đội ngũ cán bộ quản lý môi trường vừa thiếu, vừa yếu hiện nay.
Cán bộ Trung tâm Quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên- Môi trường) kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm tại Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Đồ Sơn.
Vừa thiếu, vừa yếu
Trưởng Phòng Tài nguyên-Môi trường (TNMT) huyện Thủy Nguyên Lại Đức Long cho biết: Huyện có mỏ khoáng sản nên công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, hiện Phòng TNMT huyện chỉ có 1 viên chức, vừa quản lý khoáng sản, vừa quản lý môi trường. Ở các xã, phường, thị trấn, chưa có cán bộ phụ trách công tác môi trường, khoáng sản; cán bộ địa chính, xây dựng được “trưng dụng” làm công tác này. Không chỉ thiếu, mà trình độ chuyên môn, kinh nghiệm quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý môi trường ở không ít quận, huyện còn hạn chế, phần lớn được đào tạo chuyên ngành khác.
Theo báo cáo của Sở TNMT, số cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố là 115 người, bằng 10% tổng số cán bộ, công chức thuộc ngành TNMT. Sở TNMT có 3 đơn vị quản lý chuyên trách về môi trường là Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Quan trắc môi trường, Chi cục Biển và hải đảo với tổng số cán bộ chuyên trách môi trường 68 người. Các quận, huyện có 37 cán bộ, công chức chuyên trách về môi trường. Bình quân mỗi quận, huyện có từ 1 đến 4 cán bộ chuyên trách về môi trường, còn lại là kiêm nhiệm. Các xã, phường không có cán bộ chuyên trách về công tác bảo vệ môi trường; cán bộ địa chính đô thị kiêm nhiệm công tác này. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra hằng ngày nhưng chưa bị xử lý nhiều.
Thiếu cán bộ, công tác quản lý môi trường gặp nhiều khó khăn. Phó Phòng TNMT quận Kiến An Hoàng Thị Quyên cho biết: Thời gian qua, phòng nhận được kiến nghị, phản ánh của người dân về hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Song, Phòng TNMT quận gặp không ít khó khăn trong xử lý những vụ việc này, do thiếu cả lực lượng và phương tiện thực hiện công tác quản lý môi trường. Lực lượng chuyên trách về môi trường của quận chỉ có 3 người, số cán bộ có kiến thức chuyên môn về môi trường ít, phần lớn được đào tạo ở những lĩnh vực khác.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng
Theo Chủ tịch Hội Bảo vệ Môi trường thành phố Bùi Quang Sản: tình trạng nguồn nhân lực về quản lý môi trường ở cơ sở vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân do đây là lĩnh vực mới. Khoảng hơn 10 năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng mới đào tạo cán bộ chuyên ngành TNMT. Trong khi đó, việc bố trí, sắp xếp nhân lực quản lý lĩnh vực môi trường chưa thực sự được quan tâm, ưu tiên, bố trí thêm cán bộ quản lý. Ở một số nước ASEAN, trung bình 70 cán bộ TNMT/1 triệu dân, ở nước ta chỉ có khoảng 3 cán bộ /1 triệu dân.
Để khắc phục tình trạng này, UBND thành phố xác định cần xây dựng, kiện toàn và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ môi trường tại các cơ quan, đơn vị và địa phương với cơ cấu hợp lý. Sắp xếp, bố trí lại biên chế hiện có và bổ sung kịp thời để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. UBND thành phố giao Sở TNMT sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Chi cục Bảo vệ môi trường, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Sở phối hợp với Sở Nội vụ nghiên cứu, đề xuất thành lập Phòng Quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học trực thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường. UBND các quận, huyện chỉ đạo Phòng Nội vụ, Phòng TNMT đề xuất, báo cáo việc bố trí công chức để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT. UBND các xã, phường bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý về bảo vệ môi trường phù hợp biên chế được giao. Việc cơ cấu, sắp xếp lại dựa trên các nguyên tắc, tiêu chuẩn hoá công chức, viên chức.
Trước mắt, trong giai đoạn 2018-2020, Sở TNMT hoàn thiện chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục Bảo vệ môi trường; điều tra, đánh giá, xác định đối tượng, nhu cầu đào tạo cán bộ quản lý môi trường tại các địa phương; tổ chức đào tạo, tập huấn, ưu tiên cấp xã. Thành phố giao Sở TNMT phối hợp với Sở Tài chính và các quận, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án lắp đặt, cung cấp trang thiết bị, tin học hoá phục vụ công tác quản lý môi trường, công tác thanh tra, kiểm tra, trang thiết bị phục vụ công tác giám sát, quan trắc hiện trạng môi trường và cảnh báo các sự cố môi trường.
Nguyên Mai – Báo Hải Phòng ngày 02/06/2018
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More