Đó là ý kiến của đồng chí Phạm Thu Xanh, Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch COVID-19 thành phố trong cuộc trò chuyện với Cổng Thông tin điện tử thành phố trước tình hình dịch bệnh gia tăng như hiện nay.
Đồng chí cho biết tới thời điểm này, khi chúng ta đã tiêm vắc xin gần như đầy đủ cho những người có chỉ định tiêm và trên cả nước đã trở lại trạng thái bình thường thì việc đếm số FO là không cần thiết, bởi lẽ chúng ta khó có thể ước lượng được số F0 một cách chính xác vì số lượng phụ thuộc vào chỉ định làm xét nghiệm của từng địa phương. Số người được tiêm phòng vắc xin đầy đủ nếu là F0 thường không có triệu chứng hoặc nhẹ (khả năng truyền bệnh cũng sẽ ít), có thể tự khỏi sau 7-10 ngày, để lại miễn dịch tự nhiên.
Đồng chí cũng cho biết mỗi ngày có n F0 mới thì 7-10 ngày sau cũng có tương đương số đó khỏi bệnh để lại miễn dịch tự nhiên, một số ít phải nhập viện điều trị. Đa số các bệnh nhân nặng, nguy kịch chuyển đến đơn vị Hồi sức tích cực điều trị COVID-19 là nhóm cao tuổi, mắc bệnh lý nền, chưa tiêm vắc xin, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ và chưa tiêm vắc xin. Chủ yếu là các bệnh nhân vừa cao tuổi, vừa mắc bệnh lý nền và chưa tiêm vắc xin.
PV: Theo đồng chí việc chúng ta cần làm lúc này là gì?
Đồng chí Phạm Thu Xanh: Trước tiên, phải bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương: người cao tuổi, người mắc các bệnh lý nền (tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận mạn, suy tim, suy giảm miễn dịch, ung thư…), người chưa được tiêm phòng vắc xin COVID-19 (phụ nữ trong thời kỳ thai sản, trẻ em dưới 12 tuổi) bằng việc theo dõi sát sức khoẻ của họ, nếu họ là F0 thì điều trị tích cực ngay từ đầu khi bệnh trở nặng.
Thực hiện tốt 5K để số F0 không tăng quá nhanh làm quá tải hệ thống y tế. Người khoẻ mạnh, tiêm đủ liều vắc xin nếu là F0, không nên quá lo lắng và uống thuốc bừa bãi. Đầu tư cho y tế cơ sở để họ theo dõi, điều trị các ca bệnh nhẹ, phát hiện các ca bệnh nặng và chuyển tuyến kịp thời. Đặc biệt quan tâm đến các đơn vị điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch để làm giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Có lẽ đây là việc quan trọng nhất trong chống dịch hiện nay.
Đồng chí cũng khuyến cáo, người dân có kết quả xét nghiệm dương tính và xuất hiện các triệu chứng của bệnh, cần báo ngay cho các Trạm Y tế được biết để được hỗ trợ khi cần thiết.
PV: Xin đồng chí cho biết, thành phố có chủ trương gì để hỗ trợ cho các tuyến y tế cơ sở?
Đồng chí Phạm Thu Xanh: Trong thời gian tới, từ ngày 22/2 đến ngày 22/3, thành phố sẽ huy động thêm 972 sinh viên từ các Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Đại học Hải Phòng và Cao đẳng Y Hải Phòng để hỗ trợ các Trạm Y tế lưu động trên địa bàn thành phố. Số lượng sinh viên tăng cường căn cứ theo số lượng F0 trên từng địa bàn. Như vậy, tổng số lượng sinh viên thành phố huy động lên tới 1.572 người, sẽ góp phần giảm tải áp lực cho Trạm Y tế lưu động tại các địa phương.
Trước đó, đồng chí Phạm Thu Xanh đã thông tin trước tình hình các ca nhiễm lớn tại cộng đồng để đảm bảo thích ứng an toàn, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch thành phố đề nghị các địa phương tạm thời dừng việc chăng dây và treo biển tại nhà F0.
Hồng Nhung