Print Thứ năm, 26/09/2019 17:54

Có thể nói, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ lâu đã phát triển mang tính “mặt trận” toàn diện. Ở quy mô quốc gia, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng thuộc Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã phát hiện và xử lý 10.517 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.007 tỷ đồng. Tổ chức thanh tra, kiểm tra 29.283 doanh nghiệp, thu nộp ngân sách hơn 4.819 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng Hải Phòng tổ chức tiêu hủy hàng giả bị thu giữ

Trong đó, Bộ Công an đã phát hiện, xử lý và triệt phá nhiều đường dây buôn lậu lớn 4.217 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 23 tỷ đồng, khởi tố hình sự 937 vụ và 1.192 đối tượng. Bộ Quốc phòng đã phát hiện, xử lý 1.569 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách 25 tỷ đồng, khởi tố 287 vụ, 354 đối tượng. Các cơ quan thanh tra chuyên ngành đã phát hiện, xử lý 622 vụ vi phạm…

Mặc dù vậy, báo cáo của BCĐ 389 quốc gia cho thấy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, nổi lên tình trạng vận chuyển ma tuý, buôn bán hàng hoá sản xuất từ bên ngoài, hàng giả, hàng nhái, giả mạo xuất xứ để gian lận thương mại, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp Việt Nam và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Ngoài nguyên nhân trên, tại một hội nghị liên quan, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình còn thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh đó có sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ công chức thoái hoá, biến chất.

Tại Hải Phòng, lợi dụng một số cơ chế mở, cảng biển là nơi tiềm ẩn cao nhất những hoạt động vận chuyển các loại hàng lậu, hàng giả được sản xuất từ nước ngoài, trong đó một phần được tuồn vào tiêu thụ tại thị trường nội địa, một số dưới dạng tạm nhập tái xuất.

Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, tình hình thị trường được kiểm soát tốt hơn. Các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo 389 thành phố đã tập trung xử lý nhiều vấn đề nổi cộm, phát hiện thủ đoạn của các đối tượng vi phạm để xác lập những phương án đấu tranh.

Tuy nhiên như đã nói, kết quả vẫn còn khiêm tốn, những vấn đề hạn chế cũng chưa được khắc phục triệt để: công tác tuyên truyền chưa đáp ứng kịp những thay đổi của quá trình hội nhập; việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng, các ban ngành quận huyện còn hạn chế; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các đội ngũ chủ công vẫn yếu so với yêu cầu thực tế; chế tài xử lý vi phạm của hệ thống pháp luật có một số bất cập; kinh phí và trang thiết bị phục vụ cho công tác thiếu và yếu…

Rõ ràng, thị trường ngày càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, các hoạt động vi phạm đem lại nguồn lợi lớn, nên việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng diễn biến bất lợi. Chẳng hạn, hàng giả xuất hiện thêm rất nhiều chủng loại, được sản xuất từ công nghệ cao đối với cả những mặt hàng tiêu dùng đơn giản, thậm chí là nước mắm, mật ong, mỳ chính, hương muỗi… cho đến sản phẩm phức tạp như điện tử, thiết bị kỹ thuật số, máy công cụ…

Trong khi trang bị kỹ thuật cho các lực lượng chức năng luôn bị lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đơn cử như giám định chất lượng gas, một số hóa mỹ phẩm hay những mặt hàng hàng đặc chủng khác, Hải Phòng phải gửi mẫu đi nơi khác, tốn kém cả chi phí lẫn thời gian.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP thăm, biểu dương lực lượng bộ đội biên phòng bắt giữ buôn lậu than trên biển Cát Hải 

Việc chế tài các vi phạm về hàng lậu, hàng giả cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, gây khó cho các cơ quan thực thi. Thực tế việc phát hiện và triển khai bắt giữ là một quá trình phức tạp, phát sinh chi phí lớn từ mua tin, trinh sát, tổ chức lực lượng… Nhưng để có được sự phối hợp nhuần nhuyễn của các cơ quan chức năng, nhất là tại khu vực ngoại thành vướng nhiều thủ tục, không đảm bảo được tính cấp bách và bảo mật thông tin.

Chưa kể nhiều văn bản không thống nhất và chưa có cơ sở cho việc xác định cả về hành chính và dân sự, thiếu những quy định chi tiết về giám định, vi phạm sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp và sử dụng kết quả giám định. Hơn nữa, vấn đề tồn tại ngay trong các lực lượng chuyên trách, theo kiểu “mạnh ai người ấy làm”, kết quả sẽ rất hạn chế, thậm chí chức năng chồng chéo sẽ gây cản trở cho nhau trong quá trình tác nghiệp.

Trở lại với văn bản chỉ đạo số 5566/BCĐ-CQTT vừa được Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban chỉ đạo 389 thành phố Nguyễn Văn Thành ký ban hành. Có thể nói nội dung chỉ đạo đã bám sát tình hình thực tế, từ đó đề ra những nhiệm vụ cụ thể cho mỗi lực lượng thành viên.

Các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách đã được Ban chỉ đạo đề cập cùng với những nhóm hàng chứa nguy cơ bị vi phạm cao trên địa bàn Hải Phòng, đã được gắn trách nhiệm với các lực lượng, cơ quan, đơn vị, đia phương liên quan. Trong đó chủ công là các ngành Công thương, Công an, bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường, thuế…

Trong bối cảnh thị trường đang trôi về cuối năm, cũng là thời điểm theo thông lệ các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả gia tăng.  Không chỉ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước mà còn tác động xấu đến sản xuất kinh doanh và đời sống, việc làm của nhân dân, cho thấy tầm quan trọng của việc phòng chống vấn nạn này.

Nghĩa là, bên cạnh các giải pháp đòi hỏi sự tích cực từ cơ chế và trách nhiệm của lực lượng quản lý, cần hơn nữa sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chuyên trách. Hy vọng rằng, sự chủ động của Ban chỉ đạo 389 thành phố sẽ tạo ra một động lực mới, để nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Lê Minh Thắng

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại  (Kỳ 2): Cần quyết liệt và đồng bộ hơn nữa.
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác