Print Thứ Sáu, 27/09/2019 09:45

Ban chỉ đạo 389 thành phố vừa có văn bản số 5566/BCĐ-CQTT chỉ đạo tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong những tháng cuối năm. Đây là động thái hết sức thiết thức, nhằm chủ động giữ vững ổn định thị trường thành phố nói riêng và khu vực nói chung, trong bối cảnh “điểm rơi” cuối năm Kỷ Hợi đang đến gần.

Mỳ chính giả tại một vụ việc bị lực lượng chức năng Hải Phòng phát hiện thu giữ.   

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 thành phố, thời gian qua các ngành, lực lượng, địa phương thành viên đã vào cuộc tích cực, đồng bộ, triển khai nhiều phương án, kế hoạch cụ thể trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Kết quả trong năm 2018, tổng số vụ kiểm tra, bắt giữ là 10.271 vụ, trong những tháng đầu năm 2019, tổng số vụ kiểm tra, bắt giữ là 4.441 vụ, hoạt động này đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ làm minh bạch thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá, mặc dù các lực lượng chức năng đã quyết liệt ngăn chặn bóc dỡ nhiều đường dây, tịch thu hàng hoá và xử lý nghiêm minh, nhưng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, ngày càng được thể hiện dưới nhiều dạng tinh vi, xảo quyệt.

Trong khi đó, Hải Phòng là cửa ngõ giao thương quốc tế, có hệ thống 5 dạng hình giao thông cả trên không, trên bộ, đường biển, đường sông và đường sắt, đây cũng chính là điều kiện lý tưởng để các đối tượng vi phạm hoạt động. Bên cạnh việc lợi dụng chính sách ưu đãi với khu kinh tế cửa khẩu, xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất… để trốn thuế, các đối tượng còn áp dụng nhiều phương thức mới, tinh vi hơn, liên tục thay đổi địa bàn làm khó cho các cơ quan chức năng.

Thời gian gần đây, cùng với các mặt hàng gia dụng sản xuất từ TQ được đưa lậu qua biên giới, vốn dĩ đã gây nhức nhối, các đối tượng còn chuyển sang tập trung buôn lậu những mặt hàng có giá trị lớn như than, xăng dầu, quặng, gỗ quý, động vật hoang dã…

Có thể kể vài vụ vụ điển hình: Ngày 9-9 vừa qua, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực biển giáp ranh giữa Quảng Ninh và Hải Phòng, lực lượng Cảnh sát biển Vùng 1 phát hiện một tàu vỏ sắt không số hiệu đang hành trình có biểu hiện nghi vấn nên đã ra tín hiệu dừng phương tiện để tiến hành kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu đang chở khoảng 35.000 lít dầu DO, các thuyền viên không xuất trình được các loại giấy tờ, hóa đơn chứng minh tính hợp pháp của số dầu đang vận chuyển.

Các đồng chí lãnh đạo Bộ Công thương và TP Hải Phòng thăm gian hàng nhận diện hàng giả tại hội chợ tổ chức tại Hải Phòng

Trước đó vào ngày 22-3 tại khu vực cảng Hoàng Diệu, lực lượng Cảnh sát biển Vùng 1 kết hợp cùng lực lượng Hải quan Hải Phòng  đã phát hiện tàu mang số hiệu HP-1484 chở khoảng 18.000 lít dầu DO và 5.000 lít dầu thải, cũng trong tình trạng không rõ nguồn gốc. Ở một diễn biến khác, hồi tháng 5 vừa qua lực lượng Hải quan Hải Phòng đã phát hiện 2 lô hàng chứa trong container nhập khẩu từ nước ngoài.

Kết quả khám xét và kết quả giám định cho thấy, hàng hóa của 2 lô hàng là đồ gia dụng điện tử các loại đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu được quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính Phủ. Vụ việc đã được Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng quyết định khởi tố hình sự về Tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Hồi đầu năm, vào ngày 26-1, tại đoạn đường qua nhà số 14 Lý Tự Trọng, phường Minh Khai (Hồng Bàng), lực lượng Cảnh sát kinh tế phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông CATP đã phát hiện vụ vận chuyển 127 chiếc điện thoại di động Smarphone do nước ngoài sản xuất, trị giá khoảng 300 triệu đồng, không có giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Đó là những vụ việc liên quan đến buôn lậu, còn trên lĩnh vực chống gian lận thương mai, có thể kể đến chiến công của lực lượng cảnh sát kinh tế CATP, phối hợp với các lực lượng chức năng đã phá thành công chuyên án mua bán trái phép hóa đơn GTGT do Lê Văn Huyến, sinh 1990, ở thôn Hà Nhuận, xã An Hòa (An Dương) cầm đầu, cũng vào tháng 1-2019.

Kết quả, đã bắt giữ Lê Văn Huyến cùng đồng bọn là Lê Thị Mỹ Lương, sinh 1981, ở 8A An Lạc 4, phường Sở Dầu (Hồng Bàng), thu 7 bộ dấu công ty, nhiều quyển hóa đơn, 1 khẩu súng, 200 triệu đồng và một số tài liệu, chứng cứ khác.

Những con số trên chỉ là một phần nhỏ phản ánh những kết quả tích cực của các lực lượng 389 Hải Phòng, nhưng mặt khác cũng nói lên tính phức tạp trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuy nhiên, điều không khó nhận thấy, là những kết quả đạt được của các lực lượng chức năng mặc dù rất lớn, nhưng trên thực tế hậu quả của các hoạt động vi phạm còn lớn hơn nhiều mà chưa bị phát hiện xử lý. Trên địa bàn thành phố, người tiêu dùng rất dễ mua phải những sản phẩm mà không xác định được chất lượng và nguồn gốc.

Thậm chí, hiện tượng này còn xuất hiện ngay cả trong hệ thống các siêu thị, vốn được coi là môi trường dễ áp dụng các quy định về quản lý thương mại. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong hàng nghìn vụ vi phạm bị phát hiện, tỷ lệ các vụ được mở rộng điều tra, truy tận nguồn để xử lý dứt điểm vẫn còn khiêm tốn.

Lê Minh Thắng (còn nữa)

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại những tháng cuối năm (Kỳ 1): Quyết liệt nhưng… chưa đủ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác