Print Thứ Hai, 28/02/2022 15:18 Gốc

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tại Văn bản số 9617/VPCP-NC ngày 30/12/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em; UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành văn bản số 1172/UBND-VX, ngày 24/02/2022 yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố có liên quan và UBND các quận, huyện khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, bạo lực học đường…; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ hoặc không xử lý các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời, tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống, xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Triển khai nghiêm túc việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.

Giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện tiếp tục thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đặc biệt là cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tuyên truyền vận động các gia đình, người chăm sóc, giáo dục trẻ em thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em để phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, đồng thời lên tiếng tố cáo các hành vi xâm hại trẻ em…Tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em và cha mẹ, người chăm sóc trẻ em. Tăng cường truyền thông về Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111, nâng cao hiệu quả hoạt động đuờng dây 18006605 của thành phố để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm hiểu hoặc cung cấp thông tin về bảo vệ trẻ em. Xây dựng và phổ biến các tài liệu, sản phẩm truyền thông, giáo dục cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên và trẻ em về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, đảm bảo thực hiện quyền trẻ em; chủ động kết nối dịch vụ, hỗ trợ kịp thời đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn tuyệt đối cho trẻ em đang sống tại các cơ sở Bảo trợ xã hội.

Giao Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố, Cổng Thông tin điện tử thành phố, hệ thống thông tin cơ sở, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng dành thời lượng “giờ vàng”, tăng cường chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; phát hiện, lên án các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và bảo đảm quyền bí mật thông tin của trẻ em; quảng bá các số điện thoại Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111, đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em của Trung tâm Công tác xã hội thành phố 18006605, đường dây khẩn cấp 113 để mọi cơ quan, tổ chức, người dân và trẻ em liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm hiểu thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ và khi cần sự trợ giúp.

Sở Y tế tiếp tục rà soát, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các văn bản của thành phố về phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Đặc biệt chú trọng việc chỉ đạo các đơn vị như Bệnh viện Trẻ em, Bệnh viện Phụ sản, Trung tâm pháp y Hải Phòng cung cấp thông tin kịp thời và phối hợp tốt với các cơ quan tiến hành tố tụng trong giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em.

Công an thành phố tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Chỉ đạo công an các địa phương, nhất là lực lượng công an ở cơ sở tăng cường rà soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em; có các giải pháp bảo vệ nhân chứng tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực, xâm hại.

Sở Văn hóa và Thể thao đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình trên địa bàn thành phố, phát huy các giá trị đạo đức, chuẩn mực văn hóa trong mỗi gia đình; giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Triển khai các giải pháp nhằm tăng cường vai trò cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên trong gia đình, đề cao trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và đời sống riêng tư của trẻ em; nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ trẻ em.

UBND thành phố đề nghị Tòa án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, đẩy mạnh tiến độ giải quyết và xử lý nghiêm minh các vụ án có liên quan đến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em theo quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung; kiên quyết không bỏ lọt tội phạm và không để các vụ án liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em bị tồn đọng, kéo dài.

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em thành phố và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tăng cường giám sát, phản biện việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, giải quyết những vi phạm quyền trẻ em; tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em, lên án mạnh mẽ, kịp thời phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

UBND các quận, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương khi được phát hiện; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn, không kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các ngành, đơn vị phản ánh về Sở Lao động Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

Tài liệu chi tiết: Văn bản số 1172/UBND-VX

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và xử lý hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác