Báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho công chúng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc tuân thủ quy định pháp luật của báo chí về bảo vệ thông tin cá nhân, bao gồm việc đăng tải thông tin cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực đúng quy định của Luật Báo chí năm 2016 là một vấn đề cấp bách, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội.
Trong môi trường báo chí hiện nay, câu chuyện bảo vệ quyền riêng tư của các cá nhân liên quan đến các vụ án và vụ việc tiêu cực ngày càng được chú trọng. Theo quy định của pháp luật (điểm d Khoản 4 Điều 8 Nghị định 119/2020/NĐ-CP), các cơ quan báo chí không được phép đăng tải thông tin về cá nhân và các mối quan hệ cá nhân khi thông tin về các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ chứng minh rằng những cá nhân hoặc mối quan hệ đó có liên quan trực tiếp đến vụ án, vụ việc hoặc có kết luận chính thức từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định này xuất phát từ nguyên tắc cơ bản của pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mọi công dân, trong đó có quyền được tôn trọng đời tư.
Đây là một trong những quy định quan trọng nhằm bảo vệ quyền riêng tư và danh dự của cá nhân cũng như gia đình, tránh những ảnh hưởng tiêu cực từ dư luận. Các cá nhân không liên quan đến vụ án nhưng lại bị đưa tin sai lệch hoặc có nội dung liên quan có thể phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Quy định này không chỉ giúp ngăn ngừa việc thông tin bị lan truyền một cách thiếu kiểm soát mà còn bảo vệ danh dự, uy tín, và an toàn cho những người vô tội.
Trong một vụ án, dư luận thường quan tâm đến tất cả những chi tiết xoay quanh các nhân vật chính, bao gồm cả cá nhân và các mối quan hệ cá nhân của họ. Tuy nhiên, không phải tất cả những người có mối quan hệ với người bị điều tra đều liên quan đến vụ án. Nếu các cơ quan báo chí đưa tin về những người có quan hệ xã hội với người bị điều tra mà không có bằng chứng cụ thể, thông tin về cá nhân và các mối quan hệ có thể bị lạm dụng để tạo nên các suy diễn không có cơ sở, có thể gây tổn hại đến danh dự và cuộc sống cá nhân của họ. Việc báo chí vi phạm quy định này cũng ảnh hưởng đến uy tín của ngành báo chí, gây mất niềm tin của công chúng vào báo chí.
Dù pháp luật đã có quy định rõ ràng, trên thực tế, vi phạm vẫn xảy ra không ít khi một số cơ quan báo chí xuất phát từ sự thiếu cẩn trọng hoặc bất chấp quy định này cố tình đăng tải các thông tin nhạy cảm để thu hút sự quan tâm của công chúng.
Tại Hải Phòng, mới đây đã xảy ra vụ việc khi đưa tin về công tác xử lý vi phạm hành chính của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp A, có cơ quan báo chí đã thông tin “đáng chú ý” ông Z là Giám đốc doanh nghiệp A có quan hệ công tác, kinh doanh với doanh nghiệp B mà lãnh đạo đã bị khởi tố dù không có căn cứ chứng minh ông Z liên quan đến vụ án.
Việc báo chí đưa tin về ông Z có thể khiến khách hàng và đối tác của ông nghi ngờ về uy tín và tính minh bạch của doanh nghiệp. Họ có thể lo ngại về tính hợp pháp trong hoạt động kinh doanh của công ty ông B và có thể dừng hợp tác để tránh rủi ro. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty, gây tổn thất tài chính và làm giảm giá trị thương hiệu. Các ngân hàng và đối tác tài chính thường rất thận trọng khi có thông tin về doanh nghiệp hoặc người đứng đầu bị liên quan đến các vụ án tiêu cực, dù không có chứng cứ cụ thể. Họ có thể tạm ngừng cung cấp tín dụng hoặc hoãn các giao dịch tài chính với công ty của ông Z cho đến khi vụ việc rõ ràng hơn, gây khó khăn về dòng tiền và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Khi các thông tin không chính xác được lan truyền, các nhân viên trong công ty của ông Z có thể lo lắng về tương lai của doanh nghiệp và tìm kiếm các cơ hội việc làm khác, dẫn đến sự xáo trộn trong đội ngũ nhân sự và làm giảm năng suất lao động.
Sở Thông tin và Truyền thông đã khẩn trương phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Công an thành phố và các cơ quan chức năng xác minh thông tin. Căn cứ kết quả xác minh, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 Tạp chí về hành vi này và các hành vi liên quan với tổng số tiền phạt hơn 150 triệu đồng để răn đe, cảnh báo, bảo đảm chất lượng thông tin và uy tín của các cơ quan báo chí, góp phần ổn định tình hình chính trị-xã hội thành phố.
Một ví dụ khác, giả sử trong một vụ án lớn về tham nhũng và gian lận kinh tế, ông Nguyễn Văn C – Giám đốc một doanh nghiệp bị khởi tố về việc hối lộ để được tạo điều kiện trong đấu thầu tại tỉnh X. Báo chí đưa tin không chỉ về hành vi của ông C mà còn đề cập đến một lãnh đạo trong cơ quan quản lý ngành tại tỉnh Y, ông Trần D, người từng ký phê duyệt trúng thầu cho doanh nghiệp ông C tại tỉnh Y. Dù ông Trần D chỉ có quan hệ với ông C trong phạm vi công việc và chưa có bất kỳ chứng cứ nào cho thấy ông D liên quan đến hành vi phạm pháp, một số tờ báo vẫn đăng tải hình ảnh và thông tin về ông D kèm theo những tiêu đề hoặc nội dung khiến người đọc dễ hiểu lầm rằng ông có thể dính líu đến vụ án. Điều này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với cá nhân ông D, cơ quan mà ông công tác, và xã hội nói chung.
Làm giảm uy tín của ông D: Việc bị đưa tin một cách ám chỉ hoặc không rõ ràng khiến công chúng dễ hiểu lầm rằng ông D có thể liên quan đến vụ án của ông C. Ông D bị đặt vào vị trí chịu sự nghi ngờ và giám sát từ xã hội. Điều này ảnh hưởng uy tín cá nhân của ông D, khiến ông phải chịu áp lực tinh thần từ dư luận.
Ảnh hưởng đến thực thi nhiệm vụ và đoàn kết nội bộ tại cơ quan của ông D: Khi thông tin không rõ ràng về ông D lan rộng, có thể tạo ra sự nghi kỵ và đồn đoán vô căn cứ trong nội bộ cơ quan, làm xói mòn lòng tin của các đồng nghiệp và cấp dưới đối với ông D, mất niềm tin vào tổ chức, thậm chí xuất hiện tình trạng chia rẽ nội bộ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả công việc. Cấp trên có thể phải tạm đình chỉ hoặc điều chuyển ông D sang vị trí khác để tránh áp lực từ dư luận, ảnh hưởng đến công việc quản lý và hoạt động chung của cơ quan.
Gây mất niềm tin của cộng đồng đối với cơ quan nhà nước: Công chúng có thể hiểu lầm rằng có sự dính líu giữa lãnh đạo cơ quan nhà nước và hành vi vi phạm của ông C, từ đó mất niềm tin vào tính liêm chính của cơ quan này. Điều này làm suy giảm uy tín của cả bộ máy nhà nước trong mắt người dân, làm lan rộng quan niệm tiêu cực về vấn đề tham nhũng và thiếu minh bạch trong hoạt động công vụ.
Tác động tiêu cực đến gia đình và đời sống cá nhân của ông D: Sự nghi ngờ và áp lực từ dư luận có thể gây ra tổn thương tinh thần đối với gia đình ông D, đặc biệt là người thân. Gia đình của ông có thể phải chịu những ánh nhìn kỳ thị từ xã hội, cảm thấy bất an và lo lắng về danh dự của người thân. Con cái ông có thể gặp phải sự kỳ thị tại trường học hoặc xã hội, làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và học tập.
Bảo vệ quyền riêng tư của các cá nhân không liên quan trực tiếp đến vụ án, vụ việc tiêu cực là nguyên tắc, trách nhiệm quan trọng của các cơ quan báo chí, đồng thời việc tôn trọng và tuân thủ các quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của cá nhân và gia đình trong xã hội, đồng thời nâng cao niềm tin của công chúng đối với báo chí.
Thanh tra Sở TT&TT Hải Phòng