Từ tháng 4/2019, Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ có thêm 7 đường bay nội địa và quốc tế. Việc mở ra nhiều đường bay, tăng chuyến, kết nối Cần Thơ đi khắp nơi trong và ngoài nước đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiềm năng phát triển du lịch, đầu tư, thương mại của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Những đường bay kết nối
Tháng 5 vừa qua, chuyến bay đầu tiên của hãng AirAsia đi từ Bangkok đã đáp xuống sân bay Cần Thơ, khởi đầu cho một đường bay nữa trong những đường bay mới kết nối hành trình từ ĐBSCL của Việt Nam đến với các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng như thế giới. Ông Kenny, du khách người Thái Lan, một trong 76 hành khách trong chuyến bay đầu tiên này, nói: “Tôi đã đi nhiều nơi ở Việt Nam và đây là lần đầu tiên tôi tới Cần Thơ vì nghe tiếng Cần Thơ rất đẹp; tôi sẽ ở đây hai tuần để khám phá Cần Thơ”.
Theo bà Laddawan Meesupwatana, Giám đốc sản phẩm của AirAsia thị trường Đông Dương, đường bay Cần Thơ – Bangkok với tần suất 3 chuyến/tuần sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh du lịch cho cả hai bên, Bangkok và ĐBSCL. Đường bay mới này cũng là sự tiếp nối thành công cho đường bay Cần Thơ – Kuala Lumpur (Malaysia) vừa mở vào đầu tháng 4.
Ông Phạm Thanh Tâm, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ cho biết, đến hết tháng 4-2019, sau khi có thêm 5 đường bay nội địa mới của hãng VietjetAir (nối Cần Thơ với Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng) và 2 đường bay quốc tế đi Kuala Lumpur (Malaysia) và Bangkok (Thái Lan) của hãng AirAsia, số chuyến bay tăng 35%, lượng hành khách tăng 29%, hàng hóa bưu kiện tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018. Còn so với tháng 3/2019, số chuyến bay tăng 10%, lượng hành khách tăng 8,5%, hàng hóa bưu kiện tăng 12,5%.
“Sang tháng 5/2019, tỷ lệ tăng trưởng này sẽ lớn hơn do 5 đường bay nội địa chỉ mới khai thác từ 26/4, đường bay quốc tế khai thác từ 8/4 và 2/5; ngoài ra, hãng Bamboo Airways sẽ khai thác tiếp chặng Cần Thơ – Hải Phòng sau Cần Thơ – Hà Nội”, ông Tâm nói.
Trước đó, không kể chuyến bay thuê bao (charter), Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ đã mở các đường bay chuyến nối Cần Thơ với Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Côn Đảo của các hãng Vietnam Airlines, VietjetAir. Cảng này có khả năng tiếp nhận các loại máy bay lớn; công suất từ 3-5 triệu hành khách và khoảng 5.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Lâu nay mới chỉ khai thác được 40% công suất này.
Cơ hội nào cho ĐBSCL?
Vậy đây có phải là cơ hội để Cần Thơ phát triển du lịch và đầu tư? Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, tỏ ra lạc quan: “Đây là cơ hội để Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL thu hút thêm du khách và đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư làm ăn ở Cần Thơ đã mong muốn điều này vì lâu nay họ bay tới TP.HCM rồi phải đi đường bộ tiếp hơn 3 giờ mới đến Cần Thơ.
Tôi tin sẽ có thêm nhiều du khách và nhà đầu tư đến với Cần Thơ bằng các đường bay thẳng này”. Theo ông Hiển, Cần Thơ cũng đã quy hoạch, dành hẳn 300 héc ta đất trên đường Võ Văn Kiệt ở gần sân bay Cần Thơ để mời nhà đầu tư làm khu logistics hàng không phục vụ cho các mục tiêu này. Đến cuối năm nay, sẽ có thêm hai đường bay quốc tế nối Cần Thơ với Hàn Quốc và Nhật Bản, do VietjetAir khai thác.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL thành phố Cần Thơ, nhận định: “Cần Thơ là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch; trung tâm giáo dục đào tạo, y tế, tài chính của ĐBSCL thì khi có thêm các đường bay mới, hoạt động giao thương nói chung và du lịch nói riêng giữa Cần Thơ với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế sẽ thêm thuận lợi”.
Theo ông Võ Thanh Tân, phụ trách truyền thông chi nhánh Vietravel Cần Thơ, khi có thêm các đường bay nội địa và quốc tế, sẽ tạo điều kiện để công ty đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường tần suất khởi hành và giảm chi phí dịch vụ. Khách hàng cũng sẽ được lợi khi sử dụng sản phẩm dịch vụ đa dạng hơn, giá tốt hơn, nhiều lựa chọn phương tiện vận chuyển và ngày khởi hành phù hợp hơn.
Huỳnh Kim