Tâm sự ‘áp lực kỳ thị’ của bác sĩ trong khu cách ly Covid-19

Các bác sĩ, điều dưỡng viên trong khu cách ly chống dịch Covid-19 của TP.Hải Phòng cho biết, công việc của họ không quá vất vả nhưng áp lực tinh thần và sự kỳ thị của cộng đồng là rất đáng kể.

Trở lại khu cách ly tập trung những người trở về từ vùng dịch Covid-19 của thành phố Hải Phòng (ở cơ sở 2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp), chúng tôi lại thấy những bác sĩ, điều dưỡng quen.

Kiểm tra sức khỏe “khách hàng” trong khu cách ly – Ảnh Lê Tân.

Họ làm việc tại đây từ ngày khu cách ly này bắt đầu được thành lập. “Đợt cách ly tập trung đầu tiên bắt đầu từ ngày 7.2 đến trưa ngày 23.2. Nghỉ ngơi được hơn 1 ngày thì chúng tôi nhận được thông báo sẽ tiếp tục đón người vào”, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thanh Tâm, người ở khu cách ly từ ngày 7.2 đến nay chưa về nhà cho biết.

Ngoài theo dõi và chăm sóc sức khỏe “khách hàng”, các điều dưỡng viên còn là người phục vụ bữa ăn cho họ. Ảnh Lê Tân.

Để phòng chống dịch bệnh Covid-19, từ ngày 7.2, UBND thành phố Hải Phòng đã thành lập khu cách ly tập trung để đưa những người từ vùng dịch vào theo dõi sức khỏe. Chỉ trong 1 ngày sau khi có quyết định thành lập khu cách ly, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã huy động toàn lực, làm việc thông đêm để xây dựng một khu cách ly đầy đủ, tiện nghi ở cơ sở 2 tại xã An Đồng, H.An Dương.

Người vào cách ly được các bác sĩ, điều dưỡng viên gọi là “khách hàng“. “Họ đều là những người khỏe mạnh, rất hợp tác, vui vẻ và được chúng tôi theo dõi sức khỏe, kiểm tra nhiệt độ ngày 2 lần. Người nào ốm, sốt sẽ được đưa sang cơ sở 1 để điều trị ngay. Sau 14 ngày, họ sẽ được cấp giấy chứng nhận để về với cuộc sống bình thường”, một đại diện khu cách ly cho biết.

Bữa cơm của các bác sĩ, điều dưỡng làm nhiệm vụ trong khu cách ly tập trung. Ảnh Lê Tân.

Làm nhiệm vụ tại khu cách ly này, các bác sĩ, điều dưỡng viên tại Bệnh viện Việt Tiệp cũng có chế độ sinh hoạt như “khách hàng” của mình. Họ được bố trí phòng ngủ ngay cửa khu cách ly. Trừ lúc ăn cơm và đi ngủ, gần như cả ngày các bác sĩ, điều dưỡng tại khu cách ly đều đeo khẩu trang và mặc áo phòng dịch. Công việc ở khu cách ly sẽ được chia theo ca. Mỗi khi ra khỏi khu cách ly, ai muốn về nhà phải khử trùng, tắm rửa tại bệnh viện. “Cơ sở này vắng người. Lúc đi tắm trời đã tối nên vừa tắm vừa sợ “ma” anh ạ. Cứ nghe thấy tiếng động là giật mình”, một nữ bác sĩ trẻ chia sẻ

Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ: “Công việc trong này không quá vất vả nhưng áp lực tinh thần thì rất lớn. Đó là sự nguy hiểm khó lường của dịch Covid-19. Chúng tôi cũng là con người và hoàn toàn có thể bị lây nhiễm, tuy nhiên, trách nhiệm vì cộng đồng là trên hết“. Chính vì vậy, khi lãnh đạo bệnh viện có kế hoạch thay đổi nhân sự khu cách ly, nhưng các bác sĩ, điều dưỡng viên làm nhiệm vụ ở đây vẫn xung phong ở lại. “Dịch còn diễn biến phức tạp. Đội ngũ nhân viên y tế thì mỏng. Chúng tôi còn làm được thì còn cố gắng”, một bác sĩ đang làm nhiệm vụ tại đây nói.

Một nữ điều dưỡng viên trẻ thì chia sẻ: “Mình ở đây dài ngày, 2 con lại nghỉ học nên chồng và bố mẹ 2 bên vất vả hơn. Tuy nhiên, mọi người rất ủng hộ và động viên để mình trụ lại được đến bây giờ“.

Có 16 bác sĩ, điều dưỡng đã “cách ly” gia đình, để sống cùng người phải cách ly từ hôm 7.2 đến nay. Ảnh AĐ.

Bác sĩ Ngô Anh Thế, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, nơi thực hiện cách ly những người có biểu hiện ốm, sốt nghi nhiễm Covid-19, cho biết: “Công việc khi có dịch vất vả, căng thẳng hơn rất nhiều lần ngày thường. Thời điểm đầu, mỗi khi đón người vào, anh em cũng lo lắm vì đây là bệnh mới, khó lường, chưa có thuốc đặc trị. Có những hôm đi làm về, bỗng thấy mình mệt mỏi, hắt hơi, tôi nghĩ hay là mình dính Covid-19 rồi. Vợ con tôi thấy thế cũng lo lắng lắm. Nhưng ngồi nghĩ thì thấy các ca cách ly đều âm tính, mình cũng chưa tiếp xúc với ai dương tính nên tự động viên. Đến sáng hôm sau thì lại thấy khỏe mạnh bình thường”.

Là người trực số điện thoại đường dây nóng về dịch Covid-19 ở Hải Phòng, bác sĩ Ngô Anh Thế phải chịu áp lực rất lớn. “Từ 30 tết đã có hàng trăm cuộc gọi để hỏi về dịch bệnh. Có người gọi lúc nửa đêm, có người còn yêu cầu chúng tôi phải đến xử lý ngay vì có người ốm, sốt”, bác sĩ Ngô Anh Thế nói.

Từ ngày 24.2, Hải Phòng bắt đầu đưa người Việt từ Hàn Quốc về nước vào khu cách ly để theo dõi sức khỏe. Ảnh Lê Tân.

Công việc đã căng thẳng, nguy hiểm hơn ngày thường, áp lực của cộng đồng còn mệt mỏi hơn. Nhiều bác sĩ, điều dưỡng làm việc ở khu cách ly cho biết đã cảm nhận được sự kỳ thị của nhiều người. “Em đi gội đầu mà họ còn không làm cho. Buồn thế”, một điều dưỡng viên chia sẻ.

Dù buồn vì tâm lý kỳ thị của cộng đồng, nhưng các bác sĩ ở tuyến đầu công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng tự an ủi vì cộng đồng đã có ý thức về việc phòng dịch, qua đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, cũng là một cách giảm áp lực cho ngành y tế.

Nguồn tin: Báo Thanh niên

Tin khác

Mức hỗ trợ di dời khẩn cấp với hộ dân chung cư cũ Hải Phòng

HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…

22/12/2024

Triển lãm “Vang mãi khúc quân hành” diễn ra đến hết ngày 27/12/2024

Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…

22/12/2024

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Hải Phòng: Bất động sản Thủy Nguyên đếm ngược ngày “thăng hoa”

Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

Bí thư Thành ủy thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Hải Phòng nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 2024

Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

20/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More