Print Thứ Sáu, 09/10/2020 16:04 Gốc

Tin mừng đối với người dân Hải Phòng sau một quãng hồi hộp, lo âu là tất cả mẫu xét nghiệm các trường hợp F1 liên quan đến chuyên gia người Nhật Bản làm việc tại Khu công nghiệp VSIP nghi nhiễm COVID-19 mới đây đều âm tính.

Như vậy, dù kết quả xét nghiệm của ca nghi nghiễm trên cuối cùng ra sao, đến thời điểm này, Hải Phòng vẫn không để xảy ra ca nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng. Cũng có ý kiến cho rằng, đó là sự may mắn. Có thể đấy cũng là một yếu tố, nhưng nếu không “tự cứu mình trước khi trời cứu” như nỗ lực “chống dịch như chống giặc” của thành phố suốt 9 tháng qua, làm sao gặp may mãi khi đối mặt với một dịch bệnh nguy hiểm mà cả thế giới chưa từng biết đến trước đó?

Ảnh minh họa.

Còn nhớ những ngày đầu dịch COVID-19 phát sinh, lúc ấy còn gọi là “bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona”, khi mới chỉ ghi nhận hơn 50 ca bệnh ở Vũ Hán (Trung Quốc), Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên “phản ứng nhanh” trước mối nguy hiểm tiềm tàng mà rất nhiều nơi còn mơ hồ này. Ngày 24-1, đúng 30 Tết Canh Tý, UBND thành phố ban hành Chỉ thị 03 về phòng, chống dịch. Chỉ 4 hôm sau, cùng thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05, Thành ủy Hải Phòng cũng có công văn số 1147 chỉ đạo các ngành triển khai ngay các biện pháp ứng phó, phòng, chống dịch bệnh, trong đó nhấn mạnh đến “kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu quốc tế” và “các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu tuyệt đối không được chủ quan, tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch…”. Tiếp theo, hàng loạt biện pháp quyết liệt được thành phố triển khai, với những quyết định hết sức kịp thời như dừng lễ hội Hoa Phượng đỏ và các hội nghị lớn, sự kiện tập trung đông người; dành hơn 1.000 tỷ đồng từ ngân sách cho công tác phòng, chống dịch; thành lập hơn 2.400 tổ kiểm soát dịch bệnh với sự tham gia rộng rãi của người dân tại các thôn xóm, tổ dân phố… Đặc biệt, mô hình tổ kiểm soát dịch bệnh tại khu dân cư của Hải Phòng là cách làm sáng tạo và hiệu quả cao, không chỉ giúp các cơ quan chức năng nắm bắt kịp thời thông tin về việc di chuyển của cư dân để phát hiện, xử lý các nguy cơ lây nhiễm tiềm tàng, mà còn có tác dụng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân khi “ra ngõ là thấy băng-rôn”, hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh. Mô hình được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương tại nhiều cuộc họp.

Nhờ việc tuyên truyền sâu, rộng, liên tục đi kèm với các biện pháp quyết liệt, ở những giai đoạn cao điểm thực hiện giãn cách xã hội, người dân chấp hành nghiêm các quy định, góp phần đưa Hải Phòng trở thành điểm sáng của cả nước trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa giữ vững đà phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả cao. Dù vậy, “hệ miễn dịch” của thành phố không lơ là, chủ quan. Đã thành phản xạ tức thì, chỉ cần có thông tin nghi nhiễm COVID-19 liên quan đến Hải Phòng, bộ máy lập tức được kích hoạt với các bước xử lý gần như được “tự động hóa” để nhanh chóng khoanh vùng, truy vết, xác định, tổ chức cách ly, thực hiện xét nghiệm và xử lý khi cần thiết. Như trong ca chuyên gia người Nhật Bản nghi nhiễm COVID-19 nói trên, chỉ hơn 1 ngày, các cơ quan, đơn vị chức năng khoanh vùng, xác định toàn bộ 152 trường F1 đều an toàn, khẳng định cộng đồng an toàn.

Với “sức đề kháng” như vậy, thành phố Cảng yên tâm bước vào giai đoạn “bình thường mới”, để không vì dịch bệnh mà bỏ lỡ những cơ hội phát triển bứt phá.

BÀI: MẠNH CƯỜNG – ẢNH: ĐỖ HIỀN

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: “Sức đề kháng COVID-19” của đất Cảng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác