Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 125/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 64/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số nội dung về thẩm tra an toàn giao thông đường bộ.
Theo đó, nhà thầu tư vấn thực hiện thẩm tra an toàn giao thông phải đáp ứng điều kiện sau: Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A và nhóm B, phải có ít nhất 10 thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 4 thẩm tra viên là kỹ sư công trình đường bộ, 1 thẩm tra viên là kỹ sư vận tải đường bộ và tối thiểu có 1 thẩm tra viên là người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông.
Đối với dự án nhóm C và công trình đường bộ đang khai thác, phải có ít nhất 5 thẩm tra viên; trong đó, tối thiểu có 1 thẩm tra viên là kỹ sư công trình đường bộ, 1 thẩm tra viên là kỹ sư vận tải đường bộ và tối thiểu có 1 thẩm tra viên là người đủ điều kiện làm Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông.
Điều kiện cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ
Cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ phải là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Về cơ sở vật chất, cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ cần bảo đảm phòng học có diện tích tối thiểu đạt 1,5 m2/chỗ học, có thiết bị âm thanh, nghe nhìn gồm: Màn chiếu, máy chiếu, máy vi tính, bộ tăng âm, micro kèm loa; phương tiện, thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập ngoài hiện trường, tối thiểu có: 50 áo phản quang, 1 máy đo độ phản quang của biển báo hoặc sơn kẻ đường.
Về đội ngũ giảng viên, cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ phải có số giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy ít nhất 40% số lượng chuyên đề của chương trình khung đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ.
Tiêu chuẩn của giảng viên: Giảng viên tham gia giảng dạy đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ phải đủ điều kiện đảm nhận chức danh Chủ nhiệm thẩm tra an toàn giao thông đường bộ, có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành giao thông đường bộ và có ít nhất 10 năm tham gia hoạt động trong các lĩnh vực: Giảng dạy về an toàn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về an toàn giao thông đường bộ; soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ.
Trách nhiệm cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ
Nghị định 125/2018/NĐ-CP cũng bổ sung trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ, cụ thể gồm: Thực hiện đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ theo chương trình khung do Bộ Giao thông vận tải ban hành; lưu trữ hồ sơ học viên, hồ sơ tài liệu liên quan đến công tác đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật về lưu trữ; bố trí người phụ trách khóa học có kinh nghiệm trong việc tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn hoặc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về các lĩnh vực giao thông vận tải.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/9/2018.
TTXVN/Báo Tin tức