Print Thứ hai, 29/06/2020 18:58 Gốc

Việc xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú trong nhiều năm qua dù đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn nhiều “nút thắt” chưa được tháo gỡ.

Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú ban hành đã 6 năm, đến nay trải qua 2 lần xét tặng danh hiệu và làm nảy sinh những bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, quá trình thu thập ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi, bổ sung cũng đang gây ra những ý kiến trái chiều.

Tháo gỡ những bất cập

Kể từ khi Nghị định số 89/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú được ban hành năm 2014, đến nay đã qua 2 lần xét tặng danh hiệu và đã nảy sinh những bất cập.

Cụ thể, ngày 29/9/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2014/NĐ-CP – căn cứ pháp lý quan trọng để xét, tôn vinh những cá nhân hoạt động và có nhiều cống hiến trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với các văn nghệ sỹ trong tình hình mới.

Triển khai thực hiện Nghị định, từ năm 2015 đến nay đã có 2 đợt xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú. Trong đợt xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú lần thứ 8 năm 2015, Chủ tịch nước đã có Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân cho 102 nghệ sỹ ưu tú; tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú cho 379 nghệ sỹ.

Trong đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 9 năm 2018, Chủ tịch nước đã có Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân cho 84 nghệ sỹ ưu tú và danh hiệu nghệ sỹ ưu tú cho 307 nghệ sỹ.

Việc trao tặng danh hiệu vinh dự cao quý của Nhà nước cho các nghệ sỹ đã góp phần động viên, khích lệ các văn nghệ sỹ – những “chiến sỹ” trên mặt trận văn hóa hết mình cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, say mê trong sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật, để có nhiều chương trình, tác phẩm, tiết mục nghệ thuật có giá trị phục vụ nhân dân.

Trích đoạn trong một vở cải lương. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình xét tặng danh hiệu do một số quy định của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 89/2014/NĐ-CP quy định: “Thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân  nghệ sỹ ưu tú tại Hội đồng xét tặng cấp cơ sở“.

Tuy nhiên, trên thực tế, đối với một số loại hình nghệ thuật truyền thống, cơ bản việc đào tạo diễn viên là do các trường văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp đào tạo, song cũng có không ít nghệ sỹ được đào tạo mang tính truyền nghề (nghệ sỹ được tuyển vào các đoàn nghệ thuật vừa được truyền nghề vừa tham gia biểu diễn).

Hiện nay, các nghệ sỹ đó phần lớn tuổi đời cao, có nhiều đóng góp cho bộ môn nghệ thuật truyền thống (nhất là ở bộ môn nghệ thuật Chèo, Cải lương và Tuồng cổ) ở nhiều địa phương.

Cũng có một số nghệ sỹ trẻ là những người có tài năng, hiện là diễn viên chính của các đoàn nghệ thuật, vừa tham gia biểu diễn vừa học tập tại các trường văn hóa, nghệ thuật của tỉnh, thành phố… Do vậy, trong đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 8 và lần thứ 9, Hội đồng các cấp thống nhất tính thời gian tham gia nghệ thuật chuyên nghiệp cho các nghệ sỹ theo hồ sơ cá nhân đã được cơ quan thẩm quyền ở địa phương xác nhận.

Cách làm này giúp tránh bỏ sót việc tôn vinh các nghệ sỹ có tài năng đặc biệt xuất sắc, có nhiều đóng góp ở một số lĩnh vực nghệ thuật truyền thống.

Về tiêu chuẩn giải thưởng, theo quy định tại khoản 4, Điều 8 Nghị định số 89/2014/NĐ-CP, nghệ sỹ đã được phong danh hiệu nghệ sỹ ưu tú và có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú mới được xét tặng danh hiệu nghệ sỹ Nhân dân.

Tại khoản 4, Điều 9 Nghị định quy định, nghệ sỹ phải có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia hoặc 1 giải Vàng quốc gia và 2 giải Bạc quốc gia mới được xét tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú.

Tuy nhiên, trong hai đợt xét tặng vừa qua, có một số trường hợp dù chưa đạt đủ tiêu chuẩn về giải thưởng nhưng được Hội đồng xét tặng các cấp thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước xét phong tặng, truy tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú. Đó là những nghệ sỹ lão thành, có nhiều đóng góp cho nghệ thuật nước nhà trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước; nghệ sỹ người dân tộc thiểu số; nghệ sỹ đã tham gia tích cực vào việc phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật; nghệ sỹ hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương; nghệ sỹ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp; nghệ sỹ hoạt động trong loại hình nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc vũ kịch… mà do đặc thù ngành nghề ít có các cuộc thi được tổ chức…

Một trong những bất cập đã nảy sinh nữa là về số lượng thành viên và cơ cấu thành phần Hội đồng xét tặng các cấp. Nhiều ý kiến yêu cầu cần tăng thêm các chuyên gia, giảm bớt đại diện các cơ quan nhà nước và giảm tỷ lệ phiếu bầu tại các Hội đồng xét tặng giải thưởng, bởi theo quy định của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP, tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ tổng số thành viên Hội đồng có tên trong Quyết định phải đạt từ 90% trở lên là rất khó khăn.

Lý do là lĩnh vực nghệ thuật khó đạt được tính thống nhất tuyệt đối trong đánh giá tài năng. Với quy định như vậy, tại Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước, chỉ 2 trong tổng số 15 thành viên không đồng ý là hồ sơ không đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước (vì chỉ đạt 86,7%).

Tại Hội đồng cấp Nhà nước, các hồ sơ chỉ cần 3 trong tổng số 25 thành viên không đồng ý (vì chỉ đạt 88%) là cũng không đủ điều kiện để đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu.

Những bất cập nảy sinh cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP cho phù hợp hơn với thực tế hiện nay.

Nhiều kiến nghị bổ sung

Tại hội nghị đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP mới đây, bên cạnh việc kiến nghị, hoàn thiện, chỉnh sửa các điều quy định về giải thưởng, về số lượng thành viên Hội đồng xét tặng các cấp, về tỷ lệ phiếu bầu đồng ý của Hội đồng xét tặng các cấp cho phù hợp hơn với thực tế hiện nay, thì nhiều ý kiến cho rằng việc quy đổi giải thưởng để cắt giảm chỉ tiêu so với quy định cũ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các nghệ sỹ. Có thể kể đến những bất cập trong việc quy đổi giải thưởng của các chức danh chỉ đạo nghệ thuật, biên đạo múa và nhạc công.

Cụ thể, theo Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, chức danh chỉ huy hợp xướng, chỉ huy giao hưởng nhạc vũ kịch trong âm nhạc có một vai trò vô cùng quan trọng. Họ đóng vai trò vừa là đạo diễn, vừa là nghệ sỹ trong mỗi chương trình.

Tuy nhiên, theo Nghị định xét tặng danh hiệu hiện nay, các nghệ sỹ này đang bị thiệt thòi bởi họ không được tham gia một cuộc thi nào dẫn đến việc không thể có huy chương. Bởi thế, việc xét tặng, đặc biệt là danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, đối với họ là vô cùng khó khăn.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN).

Nghệ sỹ nhân dân Phạm Ngọc Khôi cũng dẫn chứng về trường hợp của Nghệ sỹ ưu tú Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều lần đưa hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân của ông bị gạt bởi áp nguyên tắc “không có đủ huy chương thì không xét“.

Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi đề nghị cần có chế tài riêng cho những người có vai trò chỉ huy âm nhạc hiện nay.

Nhiều nghệ sỹ có ý kiến cho rằng đối với loại hình sân khấu, việc dự thảo Nghị định bỏ đi một số chức danh như đạo diễn âm thanh, ánh sáng, xem nhẹ vai trò của chỉ đạo nghệ thuật ở lĩnh vực sân khấu là chưa thỏa đáng trong khi hiện nay đạo diễn âm thanh, ánh sáng đã được Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh đưa vào ngành học chính thức. Hay vai trò của chỉ đạo nghệ thuật trong một tác phẩm sân khấu truyền thống là vô cùng quan trọng. Vì vậy, Ban soạn thảo Nghị định nên cân nhắc vai trò của của chỉ đạo nghệ thuật trong việc xét tặng danh hiệu, tránh thiệt thòi cho các nghệ sỹ.

Ngày trước khi vở diễn được huy chương Vàng thì đương nhiên đạo diễn được huy chương Vàng, nhưng bây giờ theo bản dự thảo bổ sung, sửa đổi thì đạo diễn phải có huy chương Vàng cá nhân, trong khi quy chế chấm giải thưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại không có giải thưởng cho đạo diễn. Cùng lắm tại Hội diễn có khoảng 30 tiết mục thì sẽ chọn ra một đạo diễn xuất sắc nhất, được tính là một huy chương Vàng. Trong khi đó, trong một hội diễn có khi một vở có tới 3 huy chương Vàng nhưng đạo diễn không được quy đổi số huy chương đó cho cá nhân mình, vậy thì đạo diễn muôn đời không có giải thưởng cá nhân. Trong khi vai trò của đạo diễn rất quan trọng, sự thành công hay thất bại, tác phẩm hay hay không hay một phần quan trọng là ở vai trò đạo diễn“, Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Dũng bày tỏ.

Nghệ sỹ ưu tú Xuân Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam, nêu ý kiến, nên có quy định về việc thu hồi danh hiệu. Cụ thể, các nghệ sỹ sau khi được phong tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú mà có các vi phạm, sai phạm bị xử lý hình sự hoặc có những hành động, việc làm gây ảnh hưởng xấu ở phạm vi rộng đến cộng đồng xã hội thì nên bị thu hồi danh hiệu hoặc có hình thức xử lý phù hợp khác…

Có thể nói, việc xét tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú trong nhiều năm qua dù đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn nhiều “nút thắt” chưa được tháo gỡ.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải, Trưởng Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, những ý kiến băn khoăn của các nghệ sỹ sẽ được Ban soạn thảo lắng nghe, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đảm bảo sự tôn vinh chính xác, không bỏ sót những tài năng, cống hiến của các nghệ sỹ đối với nền văn hóa nghệ thuật nước nhà./.

Phương Lan (TTXVN/Vietnam+)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Sửa Nghị định về xét tặng danh hiệu nghệ sỹ: Tránh bỏ sót tài năng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác