Print Thứ Hai, 16/09/2019 13:37

Hơn 5 năm thi hành Luật Giám định tư pháp năm 2012, công tác giám định tư pháp trên địa bàn thành phố Hải Phòng có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật các vụ án. Tuy nhiên, trước yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm trong thời kỳ mới, Luật Giám định tư pháp cũng bộc lộ những bất cập cần sửa đổi, bổ sung.

Đội giám định hóa, ma túy và kỹ thuật pháp lý thực hiện giám định mẫu vật phục vụ công tác điều tra.

Chuyển biến trong thi hành Luật

Giám đốc Sở Tư pháp Lã Thanh Tân cho biết: Thực hiện Luật Giám định tư pháp, công tác giám định tư pháp (GĐTP) trên địa bàn thành phố bảo đảm công khai, minh bạch và được xã hội biết đến nhiều hơn. Sở Tư pháp tham mưu UBND thành phố xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về GĐTP, hỗ trợ phát triển lĩnh vực này. Các cơ quan tư pháp thành phố thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho các giám định viên tư pháp (GĐVTP) và người tiến hành tố tụng. Từ đó, nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động của đội ngũ GĐVTP, những người làm việc trực tiếp liên quan đến công tác GĐTP. Các sở, ngành thành phố quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện, máy nghiệp vụ hiện đại… giúp cho công tác GĐTP cho kết quả nhanh, chính xác.

Thượng tá Nguyễn Trọng Thắng, Trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an thành phố cho biết: Hằng năm, Phòng KTHS giám định khoảng 1500 việc chủ yếu phục vụ các vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Số lượng vụ việc do cơ quan điều tra thuộc lực lượng Bộ Quốc phòng, các đơn vị như Hải quan, Tòa án, Viện Kiểm sát trưng cầu không nhiều. Các yêu cầu của tổ chức, cá nhân đề nghị giám định (dịch vụ giám định) khoảng 1000 yêu cầu/năm, chủ yếu thuộc 3 lĩnh vực: giám định số khung, số máy các phương tiện cơ giới, giám định tài liệu, giám định ADN. Tất cả các vụ việc Cơ quan điều tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu giám định từ năm 2013 đến nay đều thuộc trường hợp bắt buộc phải tiến hành giám định theo quy định để các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có tài liệu giải quyết các vụ án hình sự, dân sự và các quan hệ pháp luật khác. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Pháp y, từ năm 2013 đến 31-7-2019, trung tâm giám định 6.033 vụ việc, các bản kết luận giám định mang tính chính xác cao.

Kết luận GĐTP nhanh chóng, chính xác góp phần vào việc đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, đáp ứng kịp thời yêu cầu cải cách tư pháp.

Gỡ vướng mắc từ văn bản pháp luật và thực tiễn

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GĐTP trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nguyên nhân một số quy định pháp luật về GĐTP chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định của pháp luật tố tụng. Cụ thể, quy định về việc giám định chưa đầy đủ, một số lĩnh vực giám định chưa có quy chuẩn thực hiện GĐTP hoặc vẫn áp dụng các quy chuẩn GĐTP cũ, không còn phù hợp. Pháp luật tố tụng chưa quy định cụ thể về những trường hợp bắt buộc người GĐTP phải tham dự phiên tòa để trình bày và bảo vệ kết quả giám định. Quy định về thời hạn giám định đối với chất ma túy (9 ngày) không bảo đảm thời hạn giải quyết các vụ án ma túy. Luật Giám định tư pháp cho phép thành lập văn phòng GĐTP ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả. Tuy nhiên, một số lĩnh vực mà xã hội có nhu cầu lớn như giám định tài liệu, ADN, số khung, số máy phương tiện cơ giới …thì lại không được thành lập văn phòng GĐTP (?). Pháp luật chưa có quy định về miễn nhiệm GĐVTP, nên hiện tại, nhiều GĐVTP nghỉ hưu và chuyển vị trí công tác nhưng chưa hoàn tất thủ tục miễn nhiệm.

Đội ngũ giám định viên pháp y hiện nay ít, chế độ ưu đãi đối với cán bộ, nhân viên công tác trong lĩnh vực pháp y còn hạn chế… Một số trang thiết bị phục vụ giám định lạc hậu, cần được trang bị phương tiện hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Giám đốc Sở Tư pháp Lã Thanh Tân nêu ý kiến đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về GĐTP; về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác GĐTP; về chế độ, chính sách đối với người GĐTP để tránh xung đột, vướng mắc trong hệ thống pháp luật hiện hành; ban hành các quy trình, quy chuẩn chuyên môn về GĐTP trong các lĩnh vực.

Góp ý cụ thể đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định Tư pháp, Sở Tư pháp đề nghị bổ sung quy định về miễn nhiệm GĐVTP; mở rộng phạm vi xã hội hóa GĐTP; bổ sung quy định về cơ chế phối hợp giữa cơ quan pháp y và kỹ thuật hình sự trong việc giám định thương tích, tổn hại sức khỏe cũng như quy định cụ thể về thời hạn giám định; bổ sung quy định để tăng cường sự có mặt của GĐVTP tại các phiên tòa, tạo điều kiện tốt nhất cho người GĐTP bảo vệ kết quả giám định tại phiên tòa… đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng và tăng cường tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp.

Hải Phòng hiện có 2 tổ chức GĐTP công lập là Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an thành phố), Trung tâm Pháp y (Sở Y tế) và 95 giám định viên tư pháp thuộc 11 lĩnh vực xây dựng, tài chính, giao thông vận tải, công thương, khoa học và công nghệ, văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật nông nghiệp và nông thôn, kỹ thuật hình sự, pháp y, pháp y tâm thần, thông tin và truyền thông.

Bài: Bích Hà; Ảnh: Phan Tuấn. Nguồn: Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp: Đáp ứng công tác phòng, chống tội phạm
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác