Đến ngày 29/7, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (Vidifi) đã hoàn thành thi công các hạng mục bảo đảm an toàn giao thông tại ngã tư Km 63+530 trên Quốc lộ 5, đoạn qua địa bàn xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Đây là địa điểm vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 5 người chết, 2 người bị thương ngày 23/7.
Cụ thể, đơn vị thi công đã bổ sung vạch sơn cho các phần đường, gờ giảm tốc; lắp đặt đinh phản quang; cắm các cụm biển báo hạn chế tốc độ; sửa chữa lại bó vỉa đảo và rào tôn sóng bị hư hỏng…
Đây là nỗ lực của Vidifi trong việc khắc phục ngay điểm đen về tai nạn giao thông theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sau vụ tai nạn thảm khốc vừa qua.
Tuy nhiên, nhiều người dân và lái xe thường xuyên lưu thông trên Quốc lộ 5 băn khoăn: Liệu đây có phải là hành động “làm chuồng sau khi đã mất bò” của Vidifi?
Theo Sở Giao thông Vận tải Hải Dương, tuyến Quốc lộ 5 chạy qua địa bàn tỉnh dài hơn 44km, bắt đầu từ Km33+720 thuộc địa bàn xã Hưng Thịnh, huyện Bình Giang, đến Km77+830 thuộc địa bàn xã Kim Lương, huyện Kim Thành.
Mỗi ngày, khoảng hơn 55.000 lượt phương tiện lưu thông trên tuyến đường này. Tuy nhiên, do thiếu duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, Quốc lộ 5 ngày càng xuống cấp nghiêm trọng khiến hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, gây thiệt hại không nhỏ về người, tài sản.
Theo thống kê mới nhất của Sở Giao thông Vận tải Hải Dương, Quốc lộ 5 đang tồn tại hàng loạt bất cập như mặt đường hằn lún vệt bánh xe, một số đoạn vệt hằn sâu tới 15cm (như nút giao thông tại Khu công nghiệp Đại An, nút Trung tâm đăng kiểm Hải Dương, nút giao 559, nút giao đường Ngô Quyền….); điểm mở giải phân cách nhiều (27 điểm – không tính nút giao).
Dải phân cách giữa trồng cây không được cắt tỉa thường xuyên, hàng rào thép đã cũ, mọt gãy, nhiều đoạn bị mất không được thay thế kịp thời.
Hệ thống báo hiệu toàn tuyến hầu như chưa được thay thế theo Quy chuẩn QCVN 41:2016.
Không những thế, hệ thống điện chiếu sáng một số đoạn có nhưng không được thắp sáng (đoạn qua xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng); cầu hẹp hơn mặt đường nhưng thiếu biển báo. Công tác bảo dưỡng thường xuyên (như cắt cỏ lề đường, nắn chỉnh biển báo, vệ sinh mặt đường, biển báo, các mắt phản quang…) chưa được thực hiện thường xuyên.
Đặc biệt, việc tuần đường, tuần kiểm chưa được quan tâm, không có sự phối hợp giữa đơn vị quản lý quốc lộ với chính quyền địa phương để xử lý ngay từ đầu các vi phạm dẫn đến tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, chiếm dụng gầm cầu.
Các đấu nối vào quốc lộ không xác định được có phép hay không có phép…
Điều đáng nói là để xử lý vệt hằn lún, Vidifi tiến hành cào vệt hằn lún kết hợp cào cả vạch sơn kẻ đường.
Hiện các điểm Vidifi “cải tạo” để lại những vết cào gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông và tại những điểm giao cắt cũng như toàn tuyến, các vạch sơn kẻ đường đã bị cạo mất.
Anh Đặng Quang Hiệp, làm việc tại Khu công nghiệp Phúc Điền, huyện Cẩm Giàng, bức xúc ngày nào tôi cũng đi trên tuyến Quốc lộ 5 nhưng vạch kẻ đường quá mờ, thậm chí nhiều điểm không có vạch kẻ đường khiến tôi không biết điều khiển phương tiện như thế nào để đảm bảo đúng làn đường.
Ngoài ra, mặt đường bị cào nát làm tôi điều khiển xe rất khó khăn, dễ gây tai nạn giao thông.
Ông Vũ Đức Hạnh, Trưởng phòng Pháp chế-An toàn (Sở Giao thông Vận tải Hải Dương) cho biết Quốc lộ 5 đoạn qua Hải Dương hiện có 148 điểm đấu nối từ quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã; 17 cửa hàng xăng dầu đấu nối với quốc lộ này.
Ngoài ra còn có 10 khu công nghiệp và 17 cụm công nghiệp đấu nối ra quốc lộ để hàng chục nghìn công nhân và phương tiện ra vào hàng ngày.
Đặc biệt, dọc tuyến còn có 33 đoạn dân cư tập trung hai bên đường và ở nhiều đoạn, người dân phá dỡ dải phân cách giữa để băng qua đường. Thậm chí, có những đoạn cứ 100m dài lại có 1 điểm đấu nối.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương, từ năm 2016 đến hết năm 2018, Quốc lộ 5 đoạn qua Hải Dương xảy ra 78 vụ tai nạn giao thông làm 76 người thiệt mạng, 35 người bị thương.
Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, Quốc lộ 5 đã xảy ra 27 vụ, làm 38 người thiệt mạng và 24 người bị thương; trong đó có 2 vụ đặc biệt nghiêm trọng (vụ tai nạn ngày 21/1, tại Km76+500 thuộc địa bàn xã Kim Lương, huyện Kim Thành khiến 8 người thiệt mạng, 8 người bị thương và 3 vụ tai nạn xảy ra ngày 23/7, trong khoảng vài km dọc tuyến đường này từ xã Lai Vu đến xã Cộng Hòa khiến 7 người thiệt mạng, 2 người bị thương).
Thiếu tá Phạm Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hải Dương chia sẻ chỉ 7 tháng đầu năm mà có đến 38 người thiệt mạng, 24 người bị thương trên tuyến Quốc lộ 5 đoạn qua tỉnh Hải Dương dài hơn 44km.
Tính trung bình mỗi km có 1,4 người thương vong được coi là cung đường tử thần.
Quốc lộ 5 được đầu tư xây dựng từ năm 1996 bằng vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước, hoàn thành đưa vào khai thác năm 1998.
Đến ngày 1/1/2016, tuyến đường này được bàn giao cho Nhà đầu tư Vidifi quản lý bảo trì bằng vốn của Vidifi. Mặc dù, Vidifi được yêu cầu thu phí các phương tiện giao thông đường bộ để hoàn vốn trực tiếp cho dự án cải tạo chính tuyến quốc lộ này và hoàn vốn đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, nhưng tình trạng xuống cấp Quốc lộ 5 rất chậm được sửa chữa hoặc sửa chữa kiểu đối phó.
Trong 2 lần họp khắc phục 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Hải Dương, báo cáo với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đại diện Vidifi đều cho rằng đơn vị luôn thực hiện sửa chữa, khắc phục bất cập Quốc lộ 5 để bảo đảm an toàn kịp thời.
Thế nhưng, trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương khẳng định, các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đã nhiều lần kiến nghị nhưng gần như Vidifi không có bất cứ động thái sửa chữa, bảo dưỡng nào.
Mỗi khi tai nạn thảm khốc xảy ra, các bên lại ngồi lại với nhau để cùng tìm giải pháp?
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hải Dương Lê Quý Tiệp đề nghị, để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 5, bên cạnh việc thay thế hệ thống báo hiệu toàn tuyến cần đầu tư xây dựng đường gom nhất là ở khu vực đông dân cư, xây dựng các cầu vượt dân sinh.
Tại dải phân cách giữa, đơn vị quản lý cần bỏ các bụi cây, tấm chắn thép thay bằng lưới chống chói hoặc dải phân cách cứng; chấn chỉnh việc bảo dưỡng, tuần đường, tuần kiểm để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
Với lưu lượng xe như hiện nay, cần tổ chức đầu tư nút giao thông nối giữa đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường tỉnh 392 và 390 của tỉnh Hải Dương, tạo thành đường ngang kết nối giữa Quốc lộ 5 và đường cao tốc để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa lưu thông.
Ở những điểm phức tạp về an toàn giao thông cần có camera giám sát và truyền dữ liệu về Ban An toàn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hải Dương.
Hiện Quốc lộ 5 có nhiều khu, cụm công nghiệp với lượng công nhân qua lại rất lớn, phương án cấm xe từ 4 trục trở lên lưu thông vào những giờ cao điểm để nhường đường cho công nhân, người đi làm, đi học về là giải pháp tình thế cấp bách trước mắt, ông Tiệp chia sẻ.
Nếu không khẩn trương triển khai các giải pháp cấp bách, tình hình an toàn giao thông trên Quốc lộ 5 tiếp tục diễn biến phức tạp, người dân vẫn nơm nớp lo sợ mỗi khi lưu thông qua đây, ông Tiệp nhận định./.
Mạnh Tú (TTXVN/Vietnam+)
Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…
UBND thành phố vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-UBND yêu cầu Sở Giáo dục và…
Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…
Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More