Các làng, xã ở Vĩnh Bảo trước năm 1838 thuộc các huyện Vĩnh Lại (từ đời Trần về trước gọi là Đồng Lợi. Thời thuộc Minh, để châu Hạ Hồng quản lãnh, thuộc phủ Tân An. Đầu đời Lê đổi tên là Đồng Lại. Năm Quang Thuận, đổi tên thành Vĩnh Lại) và Tứ Kỳ phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đổi phủ Hạ Hồng thành phủ Ninh Giang. Năm Minh Mạng 12 (1831), đổi trấn thành tỉnh, cả nước có 31 tỉnh, trấn Hải Dương đổi thành tỉnh Hải Dương, còn gọi là tỉnh Đông.
“Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “Phủ Ninh Giang: ở cách tỉnh thành (tỉnh Hải Dương) 41 dặm về phía Đông Nam, Đông Tây cách nhau 46 dặm, Nam Bắc cách nhau hơn 23 dặm… Xưa gọi là Hồng Châu, cuối đời Trần gọi là châu Hạ Hồng; thời thuộc Minh (đầu thế kỷ XV) để như cũ, thuộc phủ Tân An, đời Lê Quang Thuận (1460-1469) đặt làm phủ; năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi thành Ninh Giang, lãnh 4 huyện. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), đặt phân phủ. Năm thứ 19 (1838), tách huyện Thanh Miện cho đổi lệ vào phủ Bình Giang, đặt thêm huyện Vĩnh Bảo”. Cũng trong sách này viết: “Huyện Vĩnh Bảo: nằm ở phía Đông Nam; Đông Tây cách nhau 15 dặm, Nam Bắc cách nhau 30 dặm, phía Đông đến địa giới huyện Tiên Minh phủ Nam Sách 5 dặm; phía Tây đến địa giới huyện Phụ Dực, tỉnh Nam Định 12 dặm; phía Nam đến cửa biển Thái Bình 20 dặm; phía Bắc đến địa giới huyện Tứ Kỳ 10 dặm. Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), cắt 3 tổng Thượng Am, Đông Am, Ngãi Am thuộc huyện Vĩnh Lại và 5 tổng An Bồ, Viên Lang, Đông Tạ, Bắc Tạ, Can Trì thuộc huyện Tứ Kỳ thành lập huyện này và đặt chức Tri huyện. Năm Tự Đức thứ 5 (1852) bỏ tri huyện, do phủ kiêm nhiếp. Lãnh 8 tổng, 67 xã, thôn, huyện lỵ ở tại xã Đông Tạ”.
Đến 21/3/1890, khi tỉnh Thái Bình được thành lập, phần đất từ sông Hoá đến sông Thái Bình của Vĩnh Lại được sáp nhập vào Vĩnh Bảo. Từ đó, Vĩnh Bảo được mở rộng tới 11 tổng, 92 xã, thôn:
1. Tổng Thượng Am gồm 6 xã: Thượng Am, Hậu Am, Liên Khê (Liêm Khê), Tiền Am, Trung Am, Lãng Am.
2. Tổng Đông Am gồm 7 xã: Đông Am, Hội Am, Tây Am, Vạn Tuyền (Vạn Hoạch), Đông Lại, Cổ Am, Liễu Điện.
3. Tổng Ngải Am (Ngãi Am) gồm 7 xã: Ngãi Am, Dương Am, Hàm Dương, Lôi Trạch, Tiên Am, Bào Am, Nam Am.
4. Tổng Kê Sơn gồm 10 xã, thôn: Kê Sơn, Nhân Mục, An Biên, Nhân Giả, Mai Sơn, Từ Đường, Cựu Điện, Tứ Duy, Hoàng Kênh, Kênh Trạch.
5. Tổng An Lạc gồm 7 xã: An Lạc, Linh Đông, Linh Động, Thâm Động, Quán Khái, Phần Thượng, Hà Cầu.
6. Tổng Hạ Am gồm 8 xã: Hạ Am, Lương Trạch, An Quý, Cúc Thuỷ, Hà Dương, Thanh Khê, Địch Lương, Cống Hiền.
7. Tổng Yên Bồ gồm 9 xã: Yên Bồ, Cự Lai, Đan Điền, Đồng Quan, Nội Thắng, Xuân Bồ, Kim Ngân, Quý Xuyên, Tranh Nguyên.
8. Tổng Bắc Tạ gồm 16 xã, thôn: Bắc Tạ, Trung Tạ, Nội Tạ, Lô Đông, Áng Dương, Áng Ngoại, Xuân Cốc, Nghĩa Lý, Phương Đường, Uy Nỗ, Hà Hương, Kênh Hữu, Nhân Lễ, Tường Vân, Trúc Hạp, thôn Thượng Đồng và Hạ Đồng thuộc sở Tây Tạ.
9. Tổng Viên Lang gồm 9 xã: Viên Lang, Cung Chúc, Đông Lôi, An Lạc, Nghiêu Quan, Tẩm Thượng, An Cầu, Lục Kênh, Thiết Tranh.
10. Tổng Đông Tạ gồm 6 xã: Đông Tạ, Cao Hải, Liễn Thâm, An Ngoại, Nội Đan, Nam Tạ.
11. Tổng Can Trì (Hu Trì) gồm 7 xã, thôn: Hu Trì, Kinh Trì, Cúc Bồ, Ngọc Đồng (Ngọc Đòng), An Trì, Đông Quất, Lễ Hiệp.
Thực hiện Sắc lệnh số 63-SL ngày 22/11/1945 về tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp (xã, huyện, tỉnh, kỳ) và sự chỉ đạo của cấp trên, Vĩnh Bảo đã tiến hành sáp nhập các xã nhỏ thành xã lớn. Cuối năm 1947, toàn huyện có 36 xã, gồm: An Hoà, Hiệp Hoà, Hùng Tiến, Chiến Thắng, Trấn Thuỷ, Trung Lập, Tân Dân (sau đổi thành Tân Hưng), Đoàn Viên, Tẩm Thượng, Vĩnh Kết, An Ninh, Cự Điền, Tam Dân, Đắc Thắng (sau đổi thành Giang Biên), Tân Liên, Tam Đa, Nhân Hoà, Vinh Quang, Hưng Nhân, Từ Lâm, Bảo Hà, Thâm Động, Thuần Lương, Thanh Thuỷ, Vạn Thắng (sau đổi thành Tiền Phong), Cộng Hiền, Thanh Am, Vạn Hội, Liên Am, Lý Học, Cổ Am, Đông Am, Nam Am, Tịnh Thuỷ, Tiên Am, Hoà Bình.
Năm 1948, Huyện có 25 xã: An Hoà, Cao Minh, Cộng Hiền, Đồng Minh, Dũng Tiến, Đắc Thắng (sau đổi tên thành Giang Biên), Hiệp Hòa, Hòa Bình, Hưng Nhân, Hùng Tiến, Liên Am, Lý Học, Nhân Hòa, Tam Cường, Tam Đa, Tân Dân (sau đổi tên thành Tân Hưng), Tân Liên, Thắng Thủy, Thanh Lương, Vạn Thắng (sau đổi tên thành Tiền Phong), Trấn Dương, Trung Lập, Đoàn Thượng (sau đổi tên thành Việt Tiến), Vĩnh An, Vinh Quang.
Ngày 02/5/1952, huyện Vĩnh Bảo thuộc tỉnh Kiến An.
Năm 1956, thành lập 4 xã: Vĩnh Tiến, Cổ Am, Vĩnh Phong, Vĩnh Long trên cơ sở tách ra từ 4 xã Trấn Dương, Tam Cương, Tiền Phong, Thắng Thủy. Huyện có 29 xã: An Hoà, Cao Minh, Cổ Am, Cộng Hiền, Đồng Minh, Dũng Tiến, Giang Biên, Hiệp Hoà, Hoà Bình, Hưng Nhân, Hùng Tiến, Liên Am, Lý Học, Nhân Hoà, Tam Cường, Tam Đa, Tân Hưng, Tân Liên, Thắng Thuỷ, Thanh Lương, Tiền Phong, Trấn Dương, Trung Lập, Việt Tiến, Vĩnh An, Vĩnh Long, Vĩnh Phong, Vinh Quang, Vĩnh Tiến.
Ngày 01/01/1963, huyện Vĩnh Bảo thuộc thành phố Hải Phòng, có 29 xã.
Ngày 18/3/1986, thành lập Thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo có 29 xã, 01 thị trấn: An Hoà, Cao Minh, Cổ Am, Cộng Hiền, Đồng Minh, Dũng Tiến, Giang Biên, Hiệp Hoà, Hoà Bình, Hưng Nhân, Hùng Tiến, Liên Am, Lý Học, Nhân Hoà, Tam Cường, Tam Đa, Tân Hưng, Tân Liên, Thắng Thuỷ, Thanh Lương, Tiền Phong, Trấn Dương, Trung Lập, Việt Tiến, Vĩnh An, Vĩnh Long, Vĩnh Phong, Vinh Quang, Vĩnh Tiến và Thị trấn Vĩnh Bảo.
Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, huyện Vĩnh Bảo có 15 xã thuộc diện sáp nhập để thành lập 5 xã mới, như vậy huyện sẽ còn 19 xã và 01 thị trấn.
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More