Không ít người mất hàng chục triệu đồng cho khóa học bán hàng online “từ A đến Z” khi nghe các trung tâm quảng cáo người học sau đó bán hàng sẽ chốt được nghìn đơn. Nhưng thực chất, người học chỉ nhận được những bài dạy sơ sài và việc chốt hàng nghìn đơn hàng chỉ là… lý thuyết.
Tràn lan các khóa dạy bán hàng online
Thời gian gần đây xuất hiện thông tin nhiều “chiến thần livestream” thu lợi hàng tỉ đồng mỗi phiên lên sóng khiến nhiều người “phát cuồng” và muốn làm theo.
Vài tháng trước, thông tin phiên livestream bán hàng trên TikTok của tài khoản “Q.L.D” kéo dài hơn 12 tiếng có doanh thu lên đến gần 75 tỉ đồng với 95 mặt hàng của 50 thương hiệu ngành mỹ phẩm, trang sức, đồ gia dụng, điện tử, thời trang đã thực sự gây choáng.
Những con số “khủng” này càng khiến nhiều người ôm mộng làm giàu bằng việc bán hàng online. Nắm bắt tâm lý nhiều doanh nghiệp, cá nhân muốn tìm hiểu các kênh bán hàng mới, gia tăng hiệu quả và nâng cao doanh số, nhiều khóa học livestream bán hàng trên TikTok shop, Facebook, Shopee… đã nở rộ trong thời gian qua.
Chỉ cần vào Google tìm kiếm với cụm từ “Học bán hàng livestream”, kết quả đã ngay lập tức hiện ra với rất nhiều bài viết có gắn đường link mời chào hay quảng cáo về những khóa học bán hàng thông qua nền tảng xã hội.
Tìm hiểu của PV Báo Lao Động, các lớp học này đều được thành lập và điều hành bởi những cá nhân tự nhận mình là chuyên gia, bậc thầy trong lĩnh vực marketing bán hàng, chốt đơn, livestream…
Không bằng cấp hay giấy chứng nhận, thứ duy nhất mà những chuyên gia này có thể đem ra để chiếm trọn niềm tin của mọi người là một lý lịch, trang cá nhân với hàng trăm ngàn người theo dõi trên trang mạng xã hội. Ngoài việc chia sẻ về kinh nghiệm bán hàng, kinh nghiệm chốt đơn, kinh nghiệm livestream thu hút người xem, họ còn đua nhau khoe doanh thu, doanh số khủng với hình ảnh tiền nhiều trong tài khoản hay những tệp tiền mặt mệnh giá cao…
Những khóa học này thường kéo dài từ 3-5 buổi với mức giá khác nhau, dao động từ 3-10 triệu đồng tùy vào chuyên gia. Để lôi kéo học viên, nhiều người đã đăng bài quảng cáo với những lời lẽ “có cánh” như: “Chỉ cần 1 chiếc điện thoại hoặc máy tính là có thể tham gia…”; “3 tháng đổi xe, 6 tháng đổi nhà nhờ kinh doanh online, học kinh doanh với giá chỉ 0đ, bạn có dám thử?”…
Cẩn trọng
Đánh vào tâm lý khách hàng, các bài đăng thường có những cam kết như không thành công hoàn tiền gấp đôi; không thành công trả lại tiền… nếu đồng ý đăng ký chỉ đóng cọc 500.000 đồng để nhận được bộ tài liệu từ các chuyên gia và sẽ nhận được một đường link và phải điền thông tin cá nhân của mình để đăng ký.
Theo chị Nguyễn Kim Chi (Tây Hồ, Hà Nội), một lần chị xem review của một trang mạng xã hội chuyên dạy bán hàng trên TikTok shop và Facebook nên đã kết nối để theo học. Chị Chi đã đăng ký một lớp học online 8 buổi có giá 1,5 triệu đồng, được quảng cáo do các “chuyên gia marketing và bán hàng online hàng đầu” trực tiếp đứng lớp.
Tuy nhiên, sau khi đóng đóng tiền chị Chi chỉ nhận được một bộ tài liệu rất sơ sài, cung cấp vài thông tin cơ bản như mở gian hàng, đăng sản phẩm, quy trình bán hàng trên TikTok shop, nhận thấy không hiệu quả nên chị quyết định bỏ luôn, chấp nhận mất 500.000 đồng tiền cọc.
Theo luật sư Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Cty Luật Vimax Châu Á cho rằng, với tâm lý e ngại, đa số nạn nhân chấp nhận mất tiền và im lặng không trình báo với cơ quan công an hoặc thông báo các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng cho mọi người biết. Điều này vô tình thúc đẩy các hành vi vi phạm liên quan đến việc “dạy bán hàng online”.
“Khi người dân phát hiện hành vi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần tố cáo ngay với cơ quan công an để kịp thời điều tra, ngăn chặn vi phạm”, luật sư Nguyễn Đức Toàn cho hay.
Minh Hạnh