Không cẩn thận bảo quản thẻ tín dụng, dẫn tới lộ lọt thông tin các dãy số bảo mật, sơ suất khiến không ít người dùng “khóc dở, mếu dở” khi phải còng lưng trả những khoản chi phí bị người khác chiếm dụng.
Cầm trên tay bản sao kê thống chi tiêu thẻ tín dụng tháng 1- 2019 dài gần 3 trang giấy A4 từ một ngân hàng thương mại, anh Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Công ty TNHH 2K (quận Kiến An) vẫn không thể xác định được một số khoản giao dịch đã thực hiện. Anh Trung cho biết, cách đây hơn 1 tháng, khi nhận được tin nhắn báo thực hiện thành công 2 giao dịch mua bán hàng với giá trị hơn 8 triệu đồng qua thẻ tín dụng mang số 404184000536xxxx, nhưng vào thời điểm đó, anh không sử dụng thẻ để thanh toán. Vài ngày sau đó, khi tới phòng giao dịch để xác minh khiếu nại vẫn không thể đòi được tiền bị khấu trừ.
Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng cũng ghi nhận các trường hợp tương tự như anh Nguyễn Văn Trung. Một số người sau khi phát hiện việc mất tiền trong tài khoản thẻ tín dụng yêu cầu ngân hàng phát hành phải hoàn trả số tiền bị mất khi có cơ sở chứng minh không thực hiện giao dịch đó.
Theo Trưởng Phòng giao dịch Vietinbank Văn Cao (quận Ngô Quyền) Nguyễn Thị Thúy cho biết, những trường hợp khiếu nại này thường liên quan tới việc khách hàng bị lộ, lọt thông tin cá nhân trên thẻ tín dụng. Theo quy định, sau khi thẻ phát hành và được giao trực tiếp cho khách hàng, việc bảo mật thông tin trên thẻ thuộc về khách hàng. Hơn nữa, cơ chế hoạt động của thẻ tín dụng là sự liên kết giữa nhiều bêngồm ngân hàng, đơn vị chấp nhận thẻ và đơn vị trung gian thanh toán. Do đó, ngay cả trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, chiếm dụng tiền trong tài khoản thẻ tín dụng, chỉ riêng ngân hàng không thể trực tiếp xử lý mà phải có sự phối hợp của các đơn vị liên quan. Chủ thẻ bắt buộc phải nhờ tới sự can thiệp của cơ quan công an để thu hồi số tiền bị chiếm dụng. Hơn nữa, thời gian xác minh giao dịch có thể kéo dài tới 90 ngày.
Hiện nay, thẻ tín dụng là phương thức giao dịch tiện lợi, ngày càng được sử dụng nhiều để thanh toán các dịch vụ, mua sắm… ở trong nước cũng như nước ngoài, phổ biến là thẻ Visa, thẻ Mastercard… Tuy nhiên, nhiều chủ thẻ không nắm được các quy tắc an toàn của thẻ tín dụng, dẫn tới chủ quan trong quá trình sử dụng. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn tới việc chủ thẻ phải thanh toán những món nợ không ngoài ý muốn.
Qua tìm hiểu được biết, thẻ tín dụng thường được sử dụng với hai hình thức chính là thanh toán trực tuyến tại các trang web có chức năng thanh toán thẻ và quẹt thẻ trực tiếp tại các điểm dịch vụ chấp nhận thẻ, như nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi. Đối với việc quẹt thẻ trực tiếp tại điểm chấp nhận thẻ, chủ thẻ phải ký xác nhận vào hóa đơn, nhưng không cần nhập mật mã thẻ. Nhưng đối với các loại giao dịch trực tuyến, chỉ cần nắm được các thông tin in phía ngoài thẻ như tên chủ thẻ, số thẻ ở mặt trước và dãy số bảo đảm mặt sau là có thể thực hiện thanh toán
Trưởng Phòng Giao dịch Ngân hàng PVcombank chi nhánh Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền) Bùi Thị Dinh, cho biết, các giao dịch tranh chấp hầu hết đều phát sinh từ thanh toán trực tuyến. Do đó, để tránh trở thành con nợ bất đắc dĩ, chủ thẻ cần nắm chắc quy tắc an toàn đối với từng phương thức thanh toán, tránh lộ lọt thông tin. Trong trường hợp thực hiện thanh toán trực tiếp tại các điểm chấp nhận thẻ, chủ thẻ cần lưu ý không để thẻ tín dụng rời khỏi tầm mắt, tránh việc nhân viên phục vụ ghi lại, chụp lại thông tin chủ thẻ. Mặt khác, chủ thẻ tín không cho mượn thẻ để thực hiện các giao dịch không phải của bản thân, tránh việc bị ăn cắp thông tin thẻ. Khi bị mất thẻ, chủ thẻ cần lập tức thông báo tới đơn vị phát hành, cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, đồng thời yêu cầu khóa tài khoản tạm thời, qua đó ngăn chặn những hành vi sử dụng thẻ bất hợp pháp, cũng như phải trả những khoản chi phí không có thực.
MINH AN