Từ tháng Chín đến nay, thành phố Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ như Hưng Yên, Nam Định, thành phố Hải Phòng… đã và đang phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài, nhiều điểm đo tại Hà Nội vượt ngưỡng đỏ lên tới ngưỡng tím (chỉ số AQI vượt 200) là ngưỡng có hại cho sức khỏe của mọi lứa tuổi.
Lý giải về nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại các khu vực nêu trên, cơ quan chức năng và các nhà khoa học cho rằng, các đợt ô nhiễm này là do hiện tượng nghịch nhiệt và tình trạng đốt rơm rạ tràn lan sau thu hoạch lúa gây ra. Vì vậy, một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là sớm có những giải pháp quản lý cũng như tận dụng rơm rạ theo hướng kinh tế và bền vững nguồn tài nguyên tái tạo này.
Theo phân tích của các nhà khoa học thuộc Khoa Kinh tế và Quản lý-Trường Đại học Thủy lợi, là một nước nông nghiệp chuyên canh lúa từ lâu đời, rơm rạ (rơm là phần thân và rạ là phần gốc) đã gắn liền với nông thôn Việt Nam bằng việc sử dụng cho sinh hoạt đun nấu và sản xuất nông nghiệp. Trước năm 2000, mặc dù nhiệt trị thấp hơn nhiều so với dầu mỏ nhưng hầu hết rơm rạ vẫn được dùng làm chất đốt quan trọng ở nông thôn, tiếp đến để lợp nhà, làm thức ăn trong chăn nuôi trâu bò, nguyên liệu trong ủ phân hữu cơ…
Nhưng với sự thành công của chính sách xóa đói giảm nghèo khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đi nhanh chóng và đời sống người dân đã được cải thiện đáng kể khi GDP bình quân đầu người cả nước tăng từ 361 USD/người năm 2000 lên 2.171 USD/người năm 2017.
Bên cạnh đó, từ cuối những năm 1990 giá đồ gia dụng như nồi cơm điện, ấm nước điện, bếp điện, bếp gas… nhập khẩu từ Trung Quốc, sản xuất tại Việt Nam. Đồng thời, quan niệm về chuyện bếp núc và vấn đề giới có những thay đổi cơ bản, việc bếp núc nay không chỉ dành cho nữ giới, mà cả nam giới khi điều kiện cơ sở vật chất trong bếp tốt hơn; cùng với trào lưu “hiện đại hóa nhà bếp” diễn ra rộng khắp, các nông hộ muốn thể hiện mức sống của mình trong cộng đồng làng xóm thông qua hình ảnh gian bếp với các thiết bị nhà bếp hiện đại hơn dẫn đến rơm rạ bị thay dần bằng than tổ ong, rồi đến gas và điện.
Mặt khác, xu thế chuyển từ nền nông nghiệp “dựa vào đất” sang nền nông nghiệp thâm canh “dựa vào phân vô cơ,” nên lượng phân bón hữu cơ (phân chuồng) gần như được thay thế hoàn toàn bằng phân bón vô cơ (phân bón vô cơ sử dụng cho lúa tăng từ 98kg NPK/ha vụ năm 1990 lên 400-500kg NPK/ha vụ năm 2014).
Phong trào “xóa nhà tranh vách đất” đã thành công trên cả nước, tiếp đến là ngói hóa và bêtông hóa nông thôn, đặc biệt đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới từ năm 2010; Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam giai đoạn một (2003-2006), giai đoạn hai (2007-2012) và tiếp tục gia hạn dẫn đến bếp biogas đã thay thế phần lớn bếp rơm, bếp trấu. Việc sử dụng bếp gas thiên nhiên tăng lên do hệ thống mạng lưới cung cấp/phân phối gas bán lẻ của nhà nước và tư nhân mở rộng ra khắp các vùng nông thôn. Chế độ dinh dưỡng của trâu bò có thay đổi, giảm phần thô và tăng phần tinh để phục vụ việc nuôi lấy thịt và sữa thay vì làm sức kéo; cộng với chương trình điện khí hóa nông thôn mở rộng giúp cho 85-90% số hộ nông thôn được cung cấp điện lưới quốc gia.
Ứớc tính hiện ở Việt Nam hàng năm phát sinh khoảng 20 triệu tấn rơm rạ sau thu hoạch. Mặc dù được coi là tài nguyên tái tạo và hàng hóa kinh tế, song từ nhiều năm nay chúng bị đốt bỏ ở ngoài ruộng do không còn nhu cầu dùng cho đun nấu như trước. Hậu quả là diện tích rơm rạ bị đốt cháy trên diện tích lớn ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái, gây hiệu ứng khí nhà kính làm cho Trái Đất nóng lên, tro bụi làm ô nhiễm không khí, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người…
Cụ thể, khi đốt rơm rạ sẽ phát thải khí nhà kính gồm 0,7-4,1g CH4 và 0,19-0,057g N2O/kg rơm khô và phát thải các chất khí gây ô nhiễm khác như SO2, NOx, HCl và ở một mức độ nào đó còn phát sinh dioxin và furan. Đốt rơm cũng là một nguồn quan trọng sinh ra hạt sol khí như hạt bụi thô (PM10) và hạt mịn (PM2.5), ảnh hưởng đến chất lượng không khí khu vực và bức xạ của Trái Đất.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường xuất khẩu gạo tập trung và truyền thống (như Philippines, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc) và thị trường cao cấp (Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, …) đòi hỏi gạo thơm, gạo đặc sản, gạo chất lượng cao và an toàn thực phẩm cũng như có yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Năm 2018 được Chính phủ Việt Nam coi là năm bản lề trong dịch chuyển cơ cấu trong nông nghiệp, trong đó giảm diện tích lúa để chuyển sang các cây trồng khác cho lợi nhuận cao, đồng thời từng bước hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Điều đó buộc sản xuất lúa gạo của Việt Nam phải thay đổi về cơ bản theo một quy trình khép kín từ khâu trồng trọt đến thu hoạch, theo hướng nông nghiệp hữu cơ (dùng nhiều phân hữu cơ, tăng độ mùn và màu mỡ của đất bằng rơm rạ), nhằm đảo bảo tuyệt đối chất lượng của gạo.
Do đó, Việt Nam cần áp dụng các phương pháp quản lý tổng hợp rơm rạ sau thu hoạch gồm quản lý ở mọi cấp, có sự tham gia của các bên liên quan từ nhà nước đến tư nhân và người nông dân, các cơ quan hỗ trợ/tài trợ và tổ chức phi chính phủ; cải tiến quản lý kỹ thuật, môi trường, tài chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể chế, chính sách pháp lý và hệ thống chính trị sẽ góp phần nhiều cho quá trình này; mở rộng thị trường tiêu thụ rơm rạ lớn như sản xuất giấy và nhựa sinh học từ rơm rạ, một hướng mới góp phần giải quyết đồng thời cả rơm rạ và ô nhiễm rác thải nhựa.
Tiến sỹ khoa học Nguyễn Trung Dũng, Khoa Kinh tế và Quản lý Trường Đại học Thủy lợi, cho biết giáo sư-tiến sỹ, nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân là một nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã chỉ ra rằng, có bảy cách để biến rơm rạ thành tiền thay vì đốt bỏ, như bán rơm sau khi được cuộn tròn để dễ vận chuyển tiêu thụ, làm phân, trồng nấm, chăn nuôi, sản xuất nhiệt điện, sản xuất giấy và Ethanol. Như vậy chính sách hay thị trường phải tạo cho rơm rạ có giá nào đó để thị trường hoạt động.
Kinh nghiệm của các nước tiên tiến thì trong quản lý rơm rạ có liên quan đến ba đối tượng chính là nhà nước, nông hộ và bên có nhu cầu sử dụng rơm rạ (có thể bản thân nông hộ hoặc nông hộ khác hay doanh nghiệp, hợp tác xã, công nghiệp, …). Nhà nước với vai trò ban hành và thực thi cơ sở chính sách-pháp lý đối với nông hộ và cơ sở tiêu thụ rơm rạ. Trong đó có sử dụng bộ công cụ trực tiếp, công cụ gián tiếp và công cụ kinh tế môi trường, ban hành những văn bản chính sách từ cấp trung ương cho đến địa phương cho công tác quản lý trực tiếp và gián tiếp nguồn rơm rạ trong sản xuất nông nghiệp, thắt chặt để giảm bớt hoặc từ bỏ việc đốt rơm rạ, còn các doanh nghiệp tạo dựng và mở rộng thị trường tiêu thụ rơm rạ.
Ở Việt Nam, để làm được việc này thì nên khuyến khích những lĩnh vực có tiêu dùng rơm rạ chính như dùng để ủ phân. Ngoài ra còn sử dụng trồng nấm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; sản xuất bột giấy từ phi gỗ như rơm rạ được đánh giá khá cao và nơi tập trung trồng lúa lớn như Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long có thể phát triển tốt. Công nghệ thì có sẵn và phức tạp hơn sản xuất giấy từ gỗ; làm vật liệu đóng gói, sản xuất nhựa sinh học, đồ dùng một lần (bát đĩa dùng một lần mà hiện nay làm từ giấy và vật liệu nhân tạo)…
Trước mắt, nhà nước nên có chính sách cho hỗ trợ sản xuất hàng loạt những máy cuộn rơm với chi phí hợp lý, phù hợp với đồng ruộng của Việt Nam, vừa loại bỏ được một trong những nguồn gây nên tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay./.
Văn Hào. Nguồn. Vietnam+
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More