Từ ngày 15-5, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trong thời gian 1 tháng. Một số người mặc dù không có giấy phép lái xe (GPLX) vẫn điều khiển phương tiện, đối phó bằng cách mua GPLX trên mạng xã hội.
Thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, lực lượng CSGT có thể yêu cầu dừng tất cả phương tiện để kiểm tra. Trong đó, người điều khiển phương tiện bắt buộc phải mang theo 4 loại giấy tờ gồm GPLX, giấy đăng ký xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và giấy tờ tùy thân. Một số người không có GPLX đối phó việc kiểm tra của lực lượng chức năng bằng cách mua GPLX giả. Tìm kiếm trên các mạng xã hội facebook, zalo, có nhiều tài khoản cá nhân khẳng định có thể làm GPLX với những lời quảng cáo như “lấy giấy phép lái xe sau 3 ngày“, “bao đậu GPLX“, “làm GPLX giá rẻ, lấy ngay“… Điểm chung những thông tin quảng cáo này là người mua không cần tham gia bất kỳ khóa học, kỳ thi sát hạch nào; chỉ cần gửi ảnh qua hộp thư điện tử và sau khi thanh toán online sẽ được giao GPLX tận nhà.
Qua tìm hiểu được biết, những GPLX được rao bán trên mạng xã hội chủ yếu được các đối tượng mua lại từ các cửa hàng cầm đồ. Đây cũng là lý do khiến nhiều người sau khi đăng ký mua GPLX trên mạng, nhận về được những “sản phẩm” cũ, thậm chí nhàu nát, được ép lụa để che giấu việc sửa chữa thông tin trên GPLX. Chủ một cơ sở cầm đồ trên đường Ngô Quyền, phường Máy Chai (quận Ngô Quyền) cho biết: Một số người tới cầm cố giấy đăng ký xe, GPLX để vay tiền, nhưng sau đó không lấy lại các loại giấy tờ kể trên. Các cơ sở cầm đồ sẽ bán những giấy tờ này cho người có nhu cầu với giá 50 nghìn – 70 nghìn đồng/chiếc. Những người này chỉ mua GPLX cũ được làm bằng giấy, còn làm bằng chất liệu PET sẽ không thu mua.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an thành phố) cho biết: Việc tăng cường kiểm tra hoạt động các phương tiện giao thông đường bộ là biện pháp giám sát kết hợp tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông. Do đó, người dân không nên mua bán, sử dụng các loại GPLX giả để xuất trình khi lực lượng chức năng kiểm tra, bởi với các biện pháp nghiệp vụ, GPLX giả sẽ bị phát hiện ngay và xử lý rất nghiêm.
Luật gia Lâm Bích Ngọc, Văn phòng Hội Luật gia thành phố cho rằng: Hành vi cố ý làm hoặc sử dụng GPLX giả để qua mắt cơ quan chức năng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Người phạm tội sẽ bị phạt từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra. Do đó, khi có nhu cầu được cấp GPLX, người dân cần đến các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, được cấp giấy phép hoạt động để học và sát hạch nghiêm túc, bởi đây không chỉ là yêu cầu bắt buộc khi tham gia giao thông, mà còn trang bị những kiến thức pháp luật giao thông và kỹ năng điều khiển phương tiện cần thiết để bảo đảm an toàn cho bản thân và mọi người. Mặt khác, lực lượng công an, an ninh mạng, chính quyền địa phương cần phối hợp kiểm tra, xử lý các cá nhân mua bán GPLX kể trên.
Bài và ảnh: Minh An