Việc lắp đặt camera giám sát ngày càng trở nên thông dụng đối với các gia đình. Tuy nhiên, chỉ cần thiếu cẩn trọng trong khi lắp đặt camera giám sát, có thể làm rò rỉ những hình ảnh riêng tư, tiểm ẩn nguy cơ bị lừa đảo, thậm chí tống tiền.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Do công việc bận rộn, thường xuyên không ở nhà buổi trưa, gia đình anh Hoàng Đăng Hải, ở phố Lê Lợi, phường Lê Lợi (quận Ngô Quyền) lắp đặt camera tại phòng khách, sân cổng và 2 phòng ngủ để giám sát, bảo vệ con và tài sản gia đình. Nhờ có camera nên dù ở nơi làm việc, vợ chồng anh Hải có thể quan sát được mọi diễn biến ở nhà. Thời gian đầu, anh chưa chú trọng bảo mật hình ảnh từ camera, để thợ kỹ thuật tự đặt mật khẩu. Nhưng sau khi tìm hiểu thêm, để bảo đảm an toàn, anh thay đổi mật khẩu, tránh nguy cơ bị rò rỉ hình ảnh trong gia đình.
Anh Trần Văn Thơ, chủ cửa hàng chuyên cung cấp camera (ở phường Cát Bi, quận Hải An) thông tin: Trên thị trường hiện có nhiều loại camera giám sát, mức giá từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng. Camera không có thương hiệu uy tín, giá rẻ thường không được trang bị hệ thống bảo mật, người sử dụng có nguy cơ cao bị lộ thông tin. Bên cạnh đó, phần lớn khách hàng khi lắp đặt camera không quan tâm đến cài đặt lại mật khẩu truy cập thiết bị, mà thường phó mặc nhân viên kỹ thuật thực hiện. Ngoài ra, khi lắp đặt, kỹ thuật viên thường lưu giữ thông tin kết nối đến camera để hỗ trợ người dùng sau này, có khi để nguyên mật khẩu mặc định hoặc tạo thêm tài khoản để truy cập mà gia đình không biết.
Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc khách hàng lắp đặt camera giám sát trong nhà bị rò rỉ thông tin, hình ảnh, trở thành công cụ để các đối tượng xấu thực hiện hành vi phạm tội. Như ngày 7/11 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cẩm Lệ (thành phố Đà Nẵng) điều tra, xử lý Nguyễn Quốc Việt, ở xã Hải Ba, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Theo điều tra ban đầu, do đầu tư tiền ảo thua lỗ, Việt vay mượn tiền của nhiều người và mất khả năng chi trả. Vì vậy, đầu tháng 9/2023, Việt đăng nhập vào các tài khoản camera lắp đặt trước đó cho khách hàng, sau đó nhắn tin đe dọa để tống tiền. Việt đề nghị nạn nhân phải chuyển 130 triệu đồng để xóa clip nhạy cảm, nếu không sẽ bán cho bên thứ 3 hoặc đăng lên trang web đồi trụy. Vì lo sợ, người này chuyển trước cho Việt 10 triệu đồng rồi trình báo sự việc với Công an quận Cẩm Lệ.
Không để camera “phản chủ”
Giám đốc kỹ thuật Công ty truyền thông Phan Vũ (quận Ngô Quyền) Phan Mạnh Cường tư vấn: Để tránh bị lộ những hình ảnh riêng tư từ hệ thống camera, người dùng cần nâng cao tính bảo mật của hệ thống. Khi lắp camera, người dùng yêu cầu đơn vị cung cấp bàn giao toàn bộ quyền quản trị và hướng dẫn sử dụng. Người dùng không nên lắp camera giám sát ở những nơi nhạy cảm như phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng thay đồ. Ngoài ra, sau khi lắp đặt hệ thống camera thành công, người dùng cần chọn thông tin đăng nhập mới. Không sử dụng tên đăng nhập và mật khẩu mặc định; nên đặt mật khẩu khó đoán với ký tự xen kẽ chữ thường, chữ hoa, số với nhau. Cài đặt hệ thống “tường lửa” để ngăn chặn chức năng trả lời dò tìm thiết bị IP camera. Hạn chế tối đa việc truy cập internet tại nơi công cộng để vào kiểm tra camera nhà mình.
Về vấn đề này, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Đông Huy khuyến cáo: Trong quá trình sử dụng camera giám sát tại nhà, người dùng cần thường xuyên cập nhật phần mềm để bảo đảm hệ thống luôn được sửa lỗi, vá các “lỗ hổng” bảo mật do các virus hay hacker tạo ra. Nếu gắn camera ở những nơi riêng tư, tốt nhất không kết nối internet mà chỉ cần lưu trữ dữ liệu và chỉ xem khi kết nối mạng nội bộ. Không phủ nhận vai trò hữu ích của camera trong bảo đảm an ninh, an toàn cho gia đình, tuy nhiên nếu không cẩn trọng, người dùng có thể bị kẻ xấu “giám sát ngược” từ chính camera nhà mình. Do vậy, ngoài tăng cường các giải pháp bảo mật, người dùng cân nhắc vị trí lắp đặt phù hợp để phát huy được mặt tích cực của thiết bị này./.
Bài và Ảnh: Minh Châu