Print Thứ Hai, 06/07/2020 16:56 Gốc

Theo Bộ Y tế, thời tiết hiện nay đang là thời điểm thuận lợi cho sự phát triển và gia tăng mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, nguy cơ số mắc tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy 12 tỉnh, thành phố gồm Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội liên tục ghi nhận số mắc sốt xuất huyết hàng tuần.

Đơn cử như tại Hà Nội, 6 tháng đầu năm, toàn thành phố ghi nhận 634 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân phân bố tại 28/30 quận, huyện; 198/579 xã, phường, thị trấn; số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019. Đáng lo ngại, bệnh nhân có xu hướng gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây. Một số xã ghi nhận nhiều bệnh nhân và có ổ dịch có diễn biến phức tạp như: Tam Hiệp – Phúc Thọ (182 ca), Khánh Hà – Thường Tín (48 ca), Thanh Thùy – Thanh Oai (44 ca).

Theo nhận định của Sở Y tế, sốt xuất huyết là dịch bệnh lưu hành, mặc dù ghi nhận số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng lại đang có xu hướng gia tăng nhanh trong những tuần gần đây tạo điều kiện thuận lợi để bùng phát dịch trên địa bàn thành phố. Nếu không có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể với ngành y tế để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch một cách chủ động.

Đặc biệt là tại khu vực có bệnh nhân, thực hiện phương châm vào từng ngõ, gõ từng nhà, lực lượng cộng tác viên, đội xung kích sẽ kiểm tra từng hộ gia đình để hướng dẫn, giám sát hoạt động diệt bọ gậy. Thực hiện duy trì tiêm chủng hàng tuần tại trạm y tế xã, phường, thị trấn để tăng cường cơ hội tiêm chủng cho trẻ, hạn chế việc tiêm muộn, hoãn tiêm. Phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học đặc biệt là công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại các trường mầm non mẫu giáo.

Kiểm tra các khu vực có loăng quăng, bọ gậy. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội.

Cảnh báo về tính nguy hiểm của dịch bệnh này, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong những ngày đầu tiên mắc sốt xuất huyết, biểu hiện sốt khá giống với các bệnh sốt do virus cấp tính. Người bệnh thường sốt cao liên tục, khi dùng hạ sốt có thể lui sốt nhưng lại có thể sốt tăng trở lại nhanh chóng sau 3-4 tiếng.

Bác sĩ Cấp phân tích 3 loại xét nghiệm để chẩn đoán sốt xuất huyết, tuy nhiên người bệnh và bác sĩ phải chọn đúng loại xét nghiệm, nếu không có thể bị chẩn đoán nhầm. Thứ nhất là xét nghiệm NS1 được chỉ định làm từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 3 của bệnh. Thứ hai là xét nghiệm kháng thể IgM được chỉ định từ ngày thứ 6 trở đi. Thứ 3 là xét nghiệm kháng thể IgG để xác định kháng thể của cơ thể người bệnh bảo vệ lâu dài. Xét nghiệm này chỉ xác định rằng người bệnh từng bị nhiễm virus Dengue, nên không dùng để chẩn đoán trong trường hợp sốt cấp tính.

Về biến chứng của sốt xuất huyết, bác sĩ Cấp cho biết, bệnh này có 2 biến chứng hay gặp là hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Trong đó, biến chứng hạ tiểu cầu không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì. Do đó, nhiều người khỏe mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt. Ngược lại, biến chứng cô đặc máu có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì, thường kéo dài 24-48 giờ.

Cả hai biến chứng này đều gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, biến chứng chảy máu thường dễ nhận biết và ít khi bị bỏ qua, biến chứng còn lại khó tự nhận biết, thậm chí đến giai đoạn sốc người bệnh mới tự phát hiện ra. Do đó, nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo các biến chứng trên là điều rất quan trọng.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào như chảy máu, nôn liên tục, đau bụng dữ dội, lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật, xanh tím, tay và chân lạnh ẩm, khó thở, cần ngay lập tức đưa người bệnh tới bệnh viện gần nhất. Ngoài ra, nếu bệnh nhân có tình trạng sốt cao liên tục không kiểm soát được bằng các thuốc hạ sốt thông thường, cũng nên đến bệnh viện để được xử trí càng sớm càng tốt. Các trường hợp có tiểu cầu hạ thấp cũng cần vào viện để theo dõi, tránh nguy cơ chảy máu, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng” – bác sĩ Cấp cảnh báo.

Tập trung diệt loăng quăng, bọ gậy

Để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không để dịch lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 3608/BYT-DP, ngày 3.7.2020 đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo, giao Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động diệt loăng quăng/bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7.2020 và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.

Cần giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.

Ngành Y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diện rộng.

Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh thành tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành của chính quyền các cấp để đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.

THÙY LINH

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát trên diện rộng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác