Đứng dựa vào tấm biển lớn màu đỏ với dòng chữ “Khu vực sạt lở, cấm mọi hình thức hoạt động”, bà Vũ Thị Miện (57 tuổi, nhà cạnh bến đò Quán, thôn Quán Trang) khoát rộng tay ra khu vực sạt lở nói: “Sạt lở suốt một vệt dài, “hà bá” nuốt hết nhà cửa rồi!”. Nói xong, bà Miện bỏ việc vá lưới đang làm dở, dẫn chúng tôi ra căn nhà sát mép sông của mình. Căn nhà đó vốn là của vợ chồng con trai bà Miện, nay đã bỏ hoang và đang bị xé nứt. Chân móng nhà phía sông cũng đã bục bở từng mảng.
Chỉ tay về mấy gốc cây nhãn nằm chỏng chơ dưới sông, bà Miện buồn bã: “Cách đây 2 năm, từ bờ ra sông 20 m là 1 vườn nhãn sai trĩu quả. 2 năm nay sạt lở nhanh quá, đất đai mất hết rồi!”. Hiện nay, bà Miện cùng chồng vẫn cố bám trụ tại căn nhà cách mép sông khoảng 10 m. “Đêm ngủ phải mở toang cửa, chẳng may bị sạt lở còn mong chạy kịp”, bà Miện nói.
Cùng chung cảnh ngộ, nhà bà Nguyễn Thị Ngọt (57 tuổi, ngụ thôn Quán Trang) cũng bị mất cả trăm mét vuông đất vườn và 1 căn nhà. “Đây là nhà con gái tôi, năm ngoái bị sạt lở trôi tuột xuống sông”, bà Ngọt chỉ tay về mô đất còn sót vài viên gạch hoa lát nền, giọng rầu rĩ. Căn nhà mới của con gái bà Ngọt đã được xây mới cách móng nhà tầm 20 m, nhưng mép nước sông Văn Úc cũng đã “ăn” sát vào lúc nào không hay. “Có lẽ căn nhà mới cũng sắp mất!”, chị Oanh, con gái bà Ngọt, lo lắng cho biết.
Trong quá trình thực tế vùng đất bị sạt lở tại thôn Quán Trang, hình ảnh ám ảnh chúng tôi nhất là chiếc giếng nằm chỏng chơ cách bờ hơn 1 m của nhà ông Nguyễn Văn Thái (60 tuổi, ngụ thôn Quán Trang). “Chiếc giếng đó vốn nằm giữa vườn. Đất bị nước sông kéo đi hết, còn trơ lại cái giếng. Tôi mua cọc, đá hộc để làm kè mà không ngăn được”, ông Thái thẫn thờ nhìn ra sông.
Theo người dân tại thôn Quán Trang, hiện tượng sạt lở chỉ xảy ra từ khoảng 2 năm nay. “Trước kia ở giữa sông có 1 cồn cát lớn (người dân địa phương gọi là bãi soi mờ – PV). Khi đó, bên này còn được bồi bắp thành bãi nên chúng tôi mới yên tâm làm nhà. Sau đó, tàu cát đến thả vòi rồng hút bay cồn cát. Dòng nước vì thế thay đổi và bắt đầu có hiện tượng sạt lở”, ông Nguyễn Văn Thái lý giải. Trên thực tế, khu vực sông Văn Úc đoạn qua xã Bát Trang từng có cát tặc hoành hành và báo Thanh Niên cũng từng có bài phản ánh.
Trong khi đó, chính quyền địa phương cho biết, hiện tượng sạt lở được ghi nhận diễn ra từ tháng 2.2018, với nguyên nhân là do tác động của dòng chảy phức tạp ở khu vực ngã ba sông. “Hiện có 71 hộ dân đang sống ngoài đê thôn Quán Trang, xã Bát Trang. Trong đó, có 8 hộ dân (24 nhân khẩu) đang bị thiệt hại bởi hiện tượng sạt lở. Các hộ dân khác nằm trong vùng có nguy cơ. UBND xã đã lập danh sách, bố trí đất (150 m2/hộ) và báo cáo UBND huyện An Lão để lên phương án hỗ trợ di dân. Tuy nhiên, hiện chưa thống nhất được phương án thực hiện. Các hộ dân đều làm nghề chài lưới nên không muốn vào nơi tái định cư quá xa sông. Họ đề nghị được hỗ trợ tiền để tự mua chỗ ở”, ông Phan Viết Lệ, Chủ tịch UBND xã Bát Trang, cho biết.
Ông Trần Cao Sơn, Trưởng Phòng NN – PTNN huyện An Lão, cũng cho hay UBND TP.Hải Phòng đã đồng ý chủ trương di dân. “Việc cấp tiền để người dân tự mua nhà là không đúng quy định. Huyện đang giao xã vận động, thuyết phục người dân đồng ý chuyển đến nơi ở mới”, ông Sơn cho biết.
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More