Print Thứ Năm, 07/05/2020 14:04 Gốc

Sở Tài nguyên – Môi trường đang khảo sát, hoàn thiện báo cáo với UBND thành phố về việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường không khí tự động trong quý 2-2020; đây là giải pháp ứng phó với sự “đi xuống” chất lượng không khí thời gian gần đây.

“Điểm mặt, chỉ tên” nguồn gây ô nhiễm

Năm 2019, theo Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT) số điểm quan trắc không khí tăng 9 điểm so với năm 2018. Kết quả cho thấy nút giao thông, những tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn… đều có dấu hiệu bị ô nhiễm; tình trạng này rõ nhất tại các điểm nút giao thông. Đáng chú ý, mức độ ô nhiễm gia tăng so với năm trước. Như khu vực các ngã tư: Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Linh (quận Lê Chân), ngã tư Lê Duẩn và Trần Nhân Tông (quận Kiến An)… 100% số lần lấy mẫu, đều có nồng độ bụi vượt ngưỡng cho phép.

Theo Giám đốc Sở TNMT Trần Văn Phương, khói bụi từ phương tiện giao thông vận tải đứng đầu bảng nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là tại khu vực nội thành. Hiện nay, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng cao, nhiều phương tiện cũ, hết thời hạn sử dụng, xả ra các chất ô nhiễm môi trường không khí. Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân khác, là tác nhân làm gia tăng mức độ ô nhiễm,  môi trường không khí như: xây dựng công trình giao thông, đô thị mới; khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất nhiệt điện, xi măng, sắt thép, hóa chất, phân bón và khai thác khoáng sản… Chất lượng không khí còn chịu nhiều tác động của các hoạt động đốt rác thải sử dụng than tổ ong. Một số xã, phường ven đô người dân đốt rơm rạ, gây ô nhiễm theo mùa.

Sự phát triển phương tiện giao thông cá nhân là nguyên nhân gia tăng mức độ ô nhiễm không khí khu vực đô thị.

Hiện nay, ý thức người dân, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường không khí chưa cao, xảy ra tình trạng xả thải bừa bãi. Trong khi đó, quy định pháp luật quản lý môi trường không khí còn nhiều điểm bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Hiện chưa có phương pháp, công cụ chuyên dụng để xác định mức độ thiệt hại do không khí bị ô nhiễm, suy thoái, nên nhiều năm qua, chưa có một cá nhân nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy chuẩn giới hạn với từng loại bụi, khí chưa rõ ràng. Chẳng hạn quy chuẩn đối với bụi PM2,5, quy chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới – WHO là 10µg/m³. Tuy vậy, quy chuẩn Việt Nam lại giới hạn cao tới 50µg/m³ (gấp 5 lần so với quy chuẩn của WHO). Chức năng, nhiệm vụ, thể chế và tổ chức quản lý môi trường không khí đô thị chưa rõ ràng, thiếu nhất quán giữa các ngành TNMT, giao thông vận tải và xây dựng.

Không thể chậm trễ

Theo Giám đốc Sở TNMT Trần Văn Phương: Để tăng cường quản lý chất lượng môi trường không khí, thành phố xem xét quyết định chủ trương đầu tư “Dự án Trung tâm điều khiển tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường” với quy mô  lắp đặt 6 trạm quan trắc môi trường không khí tự động tại những điểm có nguy cơ ô nhiễm cao, bảo đảm đủ khả năng theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo và thông tin kịp thời cho cộng đồng và phục vụ công tác quản lý chất lượng không khí.

Mới đây, ngày 21-4-2020, UBND thành phố có văn bản 2964 về việc thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải. Văn bản nêu rõ giao Sở TNMT chủ trì cùng các Sở Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính và cơ quan liên quan rà soát lại dự án đầu tư trung tâm quan trắc và lắp đặt trạm quan trắc tự động giai đoạn 1, báo cáo UBND thành phố trong quý 2-2020.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở TNMT kiểm tra, rà soát, việc triển khai dự án. Trong giai đoạn chờ lắp đặt trạm quan trắc môi trường không khí tự động, sở rà soát xác định, bổ sung các vị trí có nguy cơ ô nhiễm vào chương trình quan trắc hằng năm, tăng cường tần suất quan trắc từ 6 lần/năm lên 12 lần/năm; thông tin kết quả quan trắc trên phương tiện truyền thông, kịp thời cảnh báo tới người dân theo quy định.

Bên cạnh đó, mỗi ngành liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ có giải pháp kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm hữu hiệu hơn. Sở Giao thông-Vận tải nghiên cứu thực hiện các biện pháp hạn chế phát sinh khí thải từ phương tiện giao thông, chú trọng công tác kiểm định khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng để giảm thiểu phương tiện tham gia giao thông, làm giảm mật độ khói bụi; tuyên truyện vận động người dân sử dụng nhiên liệu sạch, thay thế xăng A92 bằng xăng E95. Đồng thời đôn đốc, yêu cầu các nhà thầu thi công công trình, dự án giao thông dọn dẹp, vệ sinh công trình xây dựng, bảo đảm vệ sinh và cảnh quan khu vực. Sở Xây dựng tăng cường giám sát hoạt động phát sinh bụi, khí thải trong quá trình xây dựng các công trình trên địa bàn, áp dụng các biện pháp làm sạch, giảm phát tán bụi. Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch, tăng cường mật độ cây xanh, vườn hoa khu vực nội thành, để cải thiện môi trường không khí.

Nguyên Mai – Ảnh: Duy Thính

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Sớm triển khai hệ thống quan trắc tự động
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác