Print Thứ hai, 18/03/2019 11:03

Thành phố Hải Phòng có cảng biển lớn và hiện đại nhất miền Bắc. Song điều này đặt ra nhiều yêu cầu về việc kiểm soát và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường biển, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đây là một trong 8 nhiệm vụ, giải pháp chính được Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định.

Hải Phòng xây dựng nhiều đề án quản lý tổng hợp môi trường biển, đảo. Ảnh: Duy Thính

Nhận diện rõ những hạn chế

Chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường (BVMT) thành phố Bùi Quang Sản đánh giá: Nghị quyết 45 xác định quan điểm phát triển đối với Hải Phòng là cần chú ý giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa phát triển nhanh và bền vững; giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó phát triển theo chiều sâu là chủ đạo, để Hải Phòng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của cả nước, sớm trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển phát triển hiện đại, thông minh, bền vững với những ngành mũi nhọn như kinh tế biển, cơ khí chế tạo, chế biến, điện tử, dịch vụ logistics, khoa học và công nghệ biển. Để đạt mục tiêu này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, những giải pháp rất quyết liệt, cụ thể của các ngành, các cấp, đặc biệt với yêu cầu phát triển bền vững.

Lý do, quá trình xây dựng và phát triển, việc bảo vệ, giữ gìn và khai thác vùng cửa sông ven biển của Hải Phòng còn một số hạn chế, bất cập. Đó là chưa có quy hoạch và kế hoạch tổng thể khai thác quỹ đất, bãi bồi, mặt nước, khu vực các cửa sông một cách tối ưu vào phát triển cảng biển, dịch vụ, văn hóa, du lịch, thương mại, xây dựng đô thị, phát triển dân cư, bảo đảm và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội hợp lý, hiệu quả cao và bền vững. Việc quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên, nguồn lợi vùng cửa sông, ven bờ chưa được chú trọng, nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường đang hiện hữu, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm, trong khi khu vực này, đang bị tác động bởi các vấn đề gia tăng dân số, phát triển đô thị, hoạt động hàng hải, giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản. Đồng thời, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng gia tăng, thiệt hại ngày càng nặng nề hơn.

Những năm qua, thành phố thực hiện nhiều biện pháp, kế hoạch kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường biển. Riêng trong năm 2018, thành phố kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường tại 19 đơn vị có nguồn thải ra biển, 5 đơn vị về công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Quảng Ninh, giám sát việc nạo vét đổ bùn thải. Sở Tài nguyên- Môi trường (TNMT) triển khai kiểm tra tình hình ô nhiễm vịnh Lan Hạ (huyện Cát Hải), khai thác hải sản tại khu vực biển Bạch Long Vỹ, đề xuất các giải pháp ngăn ngừa thủy triều đỏ tại vùng biển Cát Bà và Đồ Sơn, xây dựng khu bảo tồn biển và đa dạng sinh học biển. Đồng thời, sở tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các cam kết bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên, cấp phép xả thải vào nguồn nước.  Song những biện pháp trên chưa kiểm soát hết tình trạng xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra biển. Môi trường biển phải hứng chịu nhiều nguồn thải, tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn.

Theo khảo sát của Sở TNMT, mỗi tháng cụm cảng Hải Phòng có khoảng 400 tàu rời bến, theo đó lượng nước ba-lát thanh thải ra biển ước tính khoảng 4.300-7.010 m3/tháng. Không những thế, khu vực ven biển hiện có rất nhiều khu công nghiệp như Đình Vũ, An Dương, Đồ Sơn… Các nguồn thải công nghiệp ở đây rất lớn, đặc biệt là Khu công nghiệp Đình Vũ, nằm sát cửa sông Cấm. Tại các khu vực này, nồng độ dầu và xy-a-nua trong đất ngấm ra sông, biển khá cao. Ngoài ra, hoạt động nuôi trồng thủy sản, các nhà bè trên biển và dân cư làng chài tại vùng biển này cũng thải ra lượng lớn thức ăn dư thừa, nước thải, rác thải….

Sớm hoàn thành, triển khai các giải pháp lâu dài

Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ ViệtNam) mới đây đưa ra mô hình dự đoán toán học xác định hướng phân tán của các chất thải độc hại trên vùng biển của thành phố Hải Phòng. Dựa trên mô hình này, các nhà khoa học xác định quy luật phát tán chất thải độc hại. Trên cơ sở tính toán, khảo sát đường đi, hướng phân tán của chất ô nhiễm, nhóm nghiên cứu Viện Tài nguyên-Môi trường biển đề xuất với UBND thành phố Hải Phòng thực hiện giải pháp đầu tư xây dựng những trạm xử lý nước thải tại những khu vực ven biển nhằm từng bước hạn chế sự phát tán của hóa chất độc hại; hạn chế phát triển các khu công nghiệp ven biển; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các nguồn ô nhiễm…

Đặc biệt, để tìm kiếm giải pháp lâu dài hơn, từ năm 2016, Hải Phòng hợp tác với thành phốBrest(Cộng hoà Pháp) xây dựng Dự án tổng thể quản lý tổng hợp vùng bờ thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Dự kiến, quý 4-2019, dự án này hoàn thành. Dự án gồm các nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống quản lý thông tin tổng hợp (IIMS) và hệ thống thông tin địa lý (GIS); phân vùng chức năng đới bờ nhằm hướng tới khai thác, sử dụng hợp lý các tài nguyên và không gian đới bờ; giảm thiểu xung đột lợi ích giữa các ngành kinh tế; bảo vệ, duy trì và khôi phục các hệ sinh thái ven bờ; xây dựng và triển khai thực hiện chương trình quan trắc tổng hợp tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; xây dựng và triển khai các mô hình đồng quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ven bờ dựa vào cộng đồng…

Tiếp đó, cũng trong năm nay, Sở Tài nguyên-Môi trường dự kiến hoàn thành một loạt đề án, dự án phục vụ nhiệm vụ quản lý tổng hợp biển đảo, nổi bật là Đề án tổng thể quản lý tổng hợp vùng bờ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, dự kiến hoàn thành trong quý 4-2019, đề án lập hồ sơ tài nguyên hải đảo thành phố (hoàn thành trong quý 4-2019); đề án điều tra, thống kê phân loại nguồn thải từ hoạt động trên biển và hải đảo, đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo thành phố giai đoạn 2016-2020 (hoàn thành quý 4-2020)…

Những đề án dự án này hoàn thành và triển khai thực hiện chắc chắn sẽ giúp Hải Phòng thực hiện đồng bộ, bài bản hơn công tác bảo vệ môi trường vùng nước biển ven bờ, đặc biệt khắc phục những hạn chế trong quản lý môi trường biển đảo thành phố thời gian qua, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển theo Nghị quyết 45.

Nguyên Mai – http://www.baohaiphong.com.vn/baohp/vn/home/InfoDetail.jsp?ID=17281&cat=20

 

 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Sớm hoàn thành, thực hiện các đề án quản lý tổng hợp môi trường biển: Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác