Kinh tế

Sớm có cơ chế vận hành, khai thác tuyến phố ẩm thực Thế Lữ

Chuyên mục “Qua đường dây nóng” của Báo Hải Phòng nhận được phản ánh của người dân về việc phố Thế Lữ, phường Hạ Lý (quận Hồng Bàng) còn nhiều bất cập trong công tác triển khai và quản lý khi thực hiện thí điểm trở thành tuyến phố ẩm thực.

Hết thí điểm vẫn… chờ

Theo người dân phản ánh, đã hết hạn thí điểm gần 4 tháng (từ ngày 30/6/2023), song phố ẩm thực Thế Lữ chưa có chuyển biến nào rõ nét trong công tác quản lý và vận hành, vẫn có những bất cập nhất định, chưa đáp ứng được nhu cầu của cả người kinh doanh và khách hàng khi tới đây. Ghi nhận thực tế của phóng viên tối 26/10 vừa qua, tuyến phố khá sôi động, nhộn nhịp. Những ánh đèn, tiếng nhạc cùng với phong cảnh bắt mắt ngay cạnh dòng sông Tam Bạc tạo nét đẹp thơ mộng, riêng biệt, khó tuyến phố nào ở Hải Phòng có được. Tuy nhiên, do hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ, nên mỗi hộ kinh doanh theo kiểu “mạnh ai người ấy làm”. Đèn điện, biển quảng cáo treo ngang dọc, các món ẩm thực chưa thực sự đa dạng, mang tính đặc trưng. Tuyến phố không có điểm gửi xe cho người dân nên nhìn tổng thế chưa đẹp, thậm chí hay ùn tắc giao thông do xe của khách hàng dựng dưới lòng đường, tiện đâu để đó.

Chị Phạm Thúy Trang, ở phố Vũ Trọng Khánh, phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền) phản ánh: Tại Hà Nội có phố ẩm thực Tạ Hiện, thành phố Hồ Chí Minh thì có phố Bùi Viện hoạt động ẩm thực, văn hóa sôi động tại vỉa hè, lòng đường về đêm. Nên khi Hải Phòng thí điểm phố ẩm thực trên, chị và nhiều bạn bè rất hào hứng. Thực tế, qua một thời gian hoạt động, phố ẩm thực Thế Lữ cũng tạo nét mới trong dịch vụ về tối và đêm tại Hải Phòng. Tuy nhiên, hiện phố này còn thiếu nhiều thứ như chỗ gửi xe máy, ô tô, nhà vệ sinh công cộng. Hoạt động cả tuyến phố cơ bản còn nghèo ý tưởng, chủ yếu bán đồ nướng, lẩu, cà phê, tô tượng. Gần như không có hoạt động văn hóa, giải trí nào khác.

Còn anh Nguyễn Văn T., kinh doanh đồ ăn trên tuyến phố Thế Lữ bày tỏ: Anh kinh doanh từ những ngày đầu khi phường Hạ Lý thí điểm phố ẩm thực. Điện, nước phục vụ bán hàng vẫn phải sử dụng nhờ của nhà dân đối diện bên đường. Chuẩn bị tới mùa đông, thời tiết sẽ chuyển mưa phùn, lạnh giá, việc bán hàng trên vỉa hè sẽ phát sinh thêm nhiều bất cập nếu chính quyền địa phương không sớm có giải pháp khắc phục, rõ cơ chế quản lý, thì khó duy trì tuyến phố lâu dài và hiệu quả. Theo Công văn số 623 của UBND quận Hồng Bàng ban hành ngày 27/3/2023, đường Thế Lữ được chọn triển khai thí điểm phố ẩm thực tại khu vực vỉa hè do UBND phường Hạ Lý quản lý từ ngày 1/4/2023 đến hết ngày 30/6/2023. Hiện phố có 155 hộ/248 vị trí kinh doanh, bán đồ ăn như lẩu, nướng, cà phê, các món ăn vặt.

Xe máy của khách hàng dựng tràn lan ở lòng đường phố Thế Lữ.

Chờ đề án đồng bộ

Nói về thực trạng tại tuyến phố Thế Lữ, Chủ tịch UBND phường Hạ Lý Nguyễn Thị Ngọc Bích thông tin: Thực hiện theo chỉ đạo của quận, UBND phường xây dựng Kế hoạch số 38, triển khai từ ngày 1/4 đến ngày 30/6, thí điểm “phố ẩm thực” tại đường Thế Lữ. Đến nay, cơ bản phố ẩm thực thu hút nhiều người dân du khách, song cũng phát sinh một số bất cập như người dân phản ánh. Hiện, UBND phường đã có văn bản đề xuất thành phố, quận cho phép triển khai thu phí sử dụng một phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông sau khi kết thúc thí điểm để tăng nguồn thu ngân sách của địa phương, bảo đảm kinh phí chi phục vụ các hoạt động tại tuyến phố. Phường cũng có văn bản đề nghị UBND quận Hồng Bàng cho lắp đặt cổng chào; thiết kế đồng bộ về kích thước, hình thức, chất liệu các loại xe bán hàng, bàn ghế, biển quảng cáo của các hộ kinh doanh cho hấp dẫn và đẹp; đề xuất địa điểm trông giữ xe. Chuẩn bị tới mùa đông, phường xây dựng phương án cho phép các hộ kinh doanh được sử dụng bạt nhựa trong suốt, ô màu trắng để bảo đảm duy trì hoạt động phố ẩm thực, đồng bộ với cảnh quan tuyến đường Thế Lữ.

Theo Trưởng Phòng Kinh tế quận Hồng Bàng Lê Tâm: Đề án thí điểm phố đi bộ tại tuyến đường hai bờ sông Tam Bạc được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 41, ngày 10/12/2018. Hiện, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng đề án quy hoạch tổng thể phố Thế Lữ là tuyến phố du lịch, trong đó có nội dung về ẩm thực, đi bộ, các hoạt động văn hóa giải trí, cổng chào, tiểu cảnh, điểm trông giữ xe, hạng mục điện, nước, vệ sinh công cộng… Dự kiến đề án được thông qua trong năm 2023, là cơ sở để quận dự toán ngân sách đầu tư thực hiện các hạng mục nêu trên, khắc phục các bất cập hiện nay, trở thành phố du lịch đầu tiên của thành phố.

Để phố Thế Lữ đáp ứng nhu cầu đời sống người dân, thu hút du khách khi đến Hải Phòng có điểm vui chơi, giả trí, rất cần sớm có quy hoạch tổng thể về hệ thống điện, nước, nhà vệ sinh công cộng, điểm vui chơi, khu ẩm thực, chỗ giữ xe ô-tô, xe máy… Việc thu phí cần rõ cơ chế kết hợp quản lý để bảo đảm trật tự và an toàn giao thông. Nếu quản lý và khai thác tốt, phố du lịch Thế Lữ sẽ là cơ sở tiền đề để phát triển du lịch về đêm, một mảng du lịch còn thiếu ở Hải Phòng, đi vào khai thác và vận hành hiệu quả tuyến phố này./.

Tuệ Minh

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Mức hỗ trợ di dời khẩn cấp với hộ dân chung cư cũ Hải Phòng

HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…

22/12/2024

Triển lãm “Vang mãi khúc quân hành” diễn ra đến hết ngày 27/12/2024

Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…

22/12/2024

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Hải Phòng: Bất động sản Thủy Nguyên đếm ngược ngày “thăng hoa”

Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

Bí thư Thành ủy thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Hải Phòng nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 2024

Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

20/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More