Print Thứ Bảy, 26/01/2019 17:50

Theo Thanh tra Sở Xây dựng, 6 tháng đầu năm xảy ra 192 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, giảm 56,6% so với cùng kỳ năm 2017. Vi phạm trật tự xây dựng giảm rõ rệt, việc giải quyết các vi phạm triệt để hơn nhờ sự quyết liệt của chính quyền từ thành phố đến các xã, phường trong quản lý trật tự xây dựng.

Công trình vi phạm trật tự xây dựng ở số 930 đường Nguyễn Văn Linh, xã An Đồng, huyện An Dương.

Giảm 56,6% số vụ vi phạm

Theo Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Xuân Mai, 6 tháng qua, vi phạm trật tự xây dựng giảm cả số vụ và tính chất phức tạp. Trong số 192 vụ vi phạm, số vụ vi phạm sai phép (20 trường hợp) và xây trên đất không được phép xây dựng (11 trường hợp) giảm hàng trăm vụ so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài việc sâu sát địa bàn để phát hiện sai phạm, kiên quyết, xử lý của chính quyền địa phương, UBND thành phố ban hành Quyết định 10/2017/QĐ-UBND quy định chi tiết một số nội dung về cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố. Theo đó, cấp phép có thời hạn đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị được phép xây 3 tầng, 1 tum thay vì 2 tầng, 1 tum như trước đây.

Số vi phạm chủ yếu là không có giấy phép xây dựng, với 172/192 trường hợp. Theo Thanh tra Sở Xây dựng, nguyên nhân là do thửa đất của các chủ công trình chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không được cấp giấy phép xây dựng. Trong khi, người dân ngại xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì phải đóng thuế với kinh phí lớn, mất nhiều thời gian. Điều này, dẫn đến thực trạng là các hộ gia đình có xu hướng chấp nhận bị xử phạt vi phạm trật tự xây dựng hơn là làm thủ tục theo quy định. Nhiều khu vực đất các hộ ở lâu đời nhưng chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi các hộ có nhu cầu nhà ở nên sửa chữa, xây dựng lại nhà cũ, dột nát nhưng không có giấy phép xây dựng. Đây là các trường hợp rất khó xử lý vi phạm.

Đội trưởng Đội Thanh tra hành chính (Thanh tra Sở Xây dựng) Vũ Thế Thủy cho biết, các vi phạm về trật tự xây dựng do một số quy định về xây dựng, quy hoạch chưa phù hợp thực tế như: Quy định về mật độ xây dựng tại Quy chuẩn 01:2008/BXD của Bộ Xây dựng, theo đó trên diện tích đất 75 m2 chỉ được xây dựng 90%, 100 m2 chỉ được xây dựng 80%… Bên cạnh đó, công tác phát hiện, đôn đốc, kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm của chính quyền cấp xã, huyện dù chuyển biến mạnh mẽ, nhưng nhiều nơi còn cả nể, buông lỏng quản lý. Khi xảy ra các vi phạm, cơ quan chức năng chưa kịp thời xử lý, hoặc xử lý thiếu kiên quyết, triệt để, còn xảy ra tình trạng “phạt, cho tồn tại”.

Xử lý nghiêm, triệt để từ cơ sở

Quận Dương Kinh là một trong số các địa phương thực hiện quyết liệt công tác lập lại trật tự quản lý đô thị, nhất là xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng. 6 tháng đầu năm, trên địa bàn quận xảy ra 10 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng và đều được xử lý triệt để. Trước đó, nhất là năm 2017, vi phạm trật tự xây dựng diễn biến phức tạp với 37 vụ vi phạm. Nhằm lập lại kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng, Quận ủy, UBND quận thường xuyên giao ban, chỉ đạo công tác quản lý trật tự xây dựng, kịp thời xử lý những vi phạm của cả chủ đầu tư và cán bộ phụ trách. Cuối năm 2017, UBND quận thành lập Hội đồng kỷ luật xem xét trách nhiệm cán bộ công chức của 5/6 phường, áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với 2 cán bộ  quản lý đô thị phường Hải Thành và phường Anh Dũng, 1 phó chủ tịch UBND phụ trách đô thị phường Đa Phúc liên quan đến trách nhiệm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Nhờ đó, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận Dương Kinh có chuyển biến tích cực.

Kết quả xử lý vi phạm trật tự xây dựng: các địa phương ban hành 68 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt gần 1,15 tỷ đồng; cấp mới, điều chỉnh giấy phép xây dựng: 117 trường hợp; chính quyền địa phương đôn đốc chủ đầu tư tự tháo dỡ: 31 công trình; địa phương ban hành 13 quyết định đình chỉ thi công đối với công trình vi phạm khi chủ đầu tư không chấp hành ngừng thi công.

Theo Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Xuân Mai, để đạt kết quả cao trong quản lý trật tự xây dựng như Dương Kinh và một số quận, huyện khác như: Lê Chân, Hồng Bàng, Hải An, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo… yếu tố then chốt là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền và cán bộ phụ trách cấp cơ sở. Thực tế nơi đâu chính quyền làm mạnh, nơi ấy giảm vi phạm. Đây cũng là bài học, giải pháp cần triển khai quyết liệt hơn ở các địa phương trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm, triệt để các vi phạm trật tự xây dựng ngay từ các phường, xã thay vì lập biên bản, phạt cho tồn tại hoặc đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên.

Nhằm lập lại trật tự xây dựng, tiếp tục giảm thiểu vi phạm trong thời gian tới, giải pháp trước tiên là tăng cường các hình thức tuyên truyền về pháp luật và các vụ vi phạm trật tự xây dựng, nhất là trên phương tiện thông tin đại chúng thành phố để nâng cao tính răn đe. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là cấp xã, phường, quận, huyện phải xác định công tác quản lý trật tự xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm, rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể trong công tác này. Tiếp tục tập huấn, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý xây dựng, nhất là cấp xã, phường tạo chuyển biến, giảm thiểu vi phạm trật tự xây dựng từ cơ sở.

Phạm Lượng – Báo Hải Phòng 14/7/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Số vụ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố giảm mạnh nhờ quyết liệt xử lý
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác