Print Thứ hai, 21/03/2022 21:00 Gốc

Thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Thành ủy và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 03 của UBND thành phố, năm 2022 sẽ là năm đặt nền móng, động lực để phát triển mạnh mẽ, đột phá về chuyển đổi số. Đồng chí LƯƠNG HẢI ÂU, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trả lời phỏng vấn của Báo Hải Phòng về triển khai các nhiệm vụ nhằm thực hiện mục tiêu trên.

Thành phố đang tập trung cao cho nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó xác định năm 2022 sẽ là thời điểm tạo lập nền tảng. Đồng chí cho biết một số công việc cụ thể được thành phố triển khai?

Ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, công tác tuyên truyền được triển khai tích cực, bảo đảm sự thống nhất trong công tác chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố. Hoạt động tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức như: hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và qua các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy.

Để chỉ đạo, điều hành công tác chuyển đổi số thành phố bảo đảm thống nhất, hiệu quả, UBND thành phố ban hành Quyết định số 3820/QĐ-UBND về kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử thành phố Hải Phòng thành Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng, do đồng chí Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban. Cùng với đó, UBND thành phố ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 03 của Ban Thường vụ Thành ủy với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để các sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố làm căn cứ triển khai thực hiện. Việc thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về đầu tư Dự án thực hiện một số nội dung để xây dựng Chính quyền số thành phố giai đoạn 2021-2025 được tích cực triển khai với mục tiêu thay đổi đột phá xếp hạng Chính quyền số thành phố, đưa Hải Phòng vào nhóm tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số.

Thành phố làm việc với một số tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông-công nghệ thông tin lớn như: VNPT, Viettel và Mobifone… tư vấn các giải pháp, ứng dụng công nghệ số phục vụ chương trình chuyển đổi số thành phố. Với sự hỗ trợ kinh phí đầu tư ban đầu từ Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Trung tâm giám sát, điều hành thông minh thành phố (IOC) được triển khai thử nghiệm. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hỗ trợ triển khai hệ thống Tổng đài 1022 tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh của người dân. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố làm việc với các sở, ngành, địa phương về hiện trạng, định hướng chuyển đổi số của ngành, địa phương trong thời gian tới…

Việc triển khai Tổng đài 1022, hệ thống tiếp nhận thông tin, ý kiến phản ánh người dân là một trong nội dung cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số của thành phố.

Theo đồng chí, trong thực tế triển khai chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đang gặp khó khăn, vướng mắc gì?

Hạ tầng số (gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng điện toán đám mây, bảo mật…) đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Tuy nhiên hiện nay, hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố còn thấp. Mạng thông tin di động phủ rộng các khu vực dân cư nhưng chất lượng dịch vụ chưa cao. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ viễn thông băng rộng, điện thoại thông minh còn thấp. Hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, trang thiết bị công nghệ thông tin còn thiếu, tốc độ chậm.

Cơ sở dữ liệu dùng chung, số hóa dữ liệu là nền tảng quan trọng cho chuyển số, nhưng hiện trung tâm dữ liệu thành phố chưa được đầu tư xây dựng. Cơ sở dữ liệu dùng chung mới bước đầu được thực hiện. Cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành hạn chế, rời rạc thiếu tính kết nối, chưa được xây dựng dựa trên một nền tảng mô hình kiến trúc tổng thể chung nên rất khó khăn trong tổng hợp, chia sẻ, khai thác dữ liệu liên ngành. Việc số hóa dữ liệu triển khai chậm, chưa được quan tâm.

Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương còn thấp. Dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp còn thiếu. Hoạt động thương mại điện tử hạn chế.

Một bộ phận cán bộ, nhất là người đứng đầu một số ngành, địa phương, đơn vị chưa thực sự quyết tâm trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc. Cơ chế chính sách đầu tư, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao chưa thực sự hấp dẫn…

Ngành Thông tin và Truyền thông xác định những giải pháp cụ thể nào nhằm khắc phục một số khó khăn nêu trên, đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ thành phố giao trong năm 2022 về chuyển đổi số?

Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi về nhận thức, do đó Sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về chủ đề năm 2022 của thành phố, nhất là chương trình chuyển đổi số. Trong đó, tập trung tuyên truyền những mô hình, cách làm hay mang lại hiệu quả tích cực từ chuyển đổi số trong xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Cùng với đó, Sở tập trung cao triển khai Dự án thực hiện một số nội dung để xây dựng Chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025; hình thành trung tâm dữ liệu dùng chung, xây dựng nền tảng số, dữ liệu dùng chung phục vụ xây dựng chính quyền số thành phố; tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường số hóa dữ liệu chuyên ngành, phát triển kho dữ liệu dùng chung hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân; triển khai xây dựng trung tâm giám sát bảo đảm an toàn thông tin, xây dựng môi trường số an toàn; vận hành hiệu quả mô hình thử nghiệm Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh, cung cấp dịch vụ số tiếp nhận, giải quyết phản ánh kiến nghị của người dân.

Bên cạnh đó, Sở phối hợp thực hiện các giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử; xây dựng hệ thống định danh điện tử, phát triển nền tảng thanh toán điện tử, ứng dụng công dân. Đẩy mạnh triển khai các nền tảng ký số, triển khai sổ sức khỏe điện tử, học bạ điện tử. Triển khai tổng đài 1022, hệ thống tiếp nhận, trả lời ý kiến phản ánh của công dân. Tập trung khai thác hiệu quả các ứng dụng công nghệ số hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đặc biệt, Sở tập trung các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tìm và thỏa thuận vị trí xây dựng các trạm BTS, nhất là thuyết phục người dân ủng hộ doanh nghiệp trong việc đầu tư thiết lập mới các trạm BTS đặc biệt tại các vùng sóng yếu, phấn đấu hoàn thành xóa 100% các vùng sóng yếu trên địa bàn thành phố; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển mạng 5G tại một số khu vực trung tâm, khu công nghiệp ngay sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép; yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ viễn thông, internet bổ sung, nâng cấp hạ tầng truyền dẫn băng thông rộng cáp quang tới tất cả các khu vực bảo đảm đủ năng lực cung cấp dịch vụ viễn thông băng thông rộng tới 90% số hộ dân theo mục tiêu đề ra; phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh nhằm bảo đảm các điều kiện về hạ tầng viễn thông phục vụ chương trình chuyển đổi số…

Trân trọng cảm ơn đồng chí.

Ngọc Lan (thực hiện). Ảnh: Đỗ Hiền

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện chương trình chuyển đổi số của thành phố: Ưu tiên phát triển hạ tầng, dữ liệu số
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác