Chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ quan trọng, có tác động mạnh mẽ, toàn diện tới sự phát triển kinh tế-xã hội thành phố trong giai đoạn 2025-2030. Với ý nghĩa đó, là cơ quan chủ trì, tham mưu thành phố trong lĩnh vực này, Sở Thông tin và Truyền thông đang tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo nền móng cho chuyển đổi số trong hoạt động của các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.
Xây dựng nền tảng số
Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Vũ Đại Thắng cho biết, thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngày 21/9/2020, UBND thành phố ban hành kế hoạch “Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Triển khai kế hoạch, Sở phối hợp các ngành, đơn vị liên quan xây dựng nền tảng số và chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng viễn thông. Đây là hai yếu tố cơ bản tạo nền móng cho quá trình chuyển đổi số, phục vụ hoạt động chuyển đổi số của các ngành, cơ quan, đơn vị cũng như các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Theo đó, từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tập trung xây dựng nền tảng chính quyền điện tử thành phố. Trong đó, đơn vị phối hợp các sở, ngành liên quan đầu tư nâng cấp Trung tâm Dữ liệu thành phố; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung trong một số lĩnh vực như: thương mại điện tử, giáo dục, giao thông, nông nghiệp, y tế, tài chính-ngân hàng…; hoàn thành triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP) kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành trung ương. Thông qua đó, kết nối, liên thông hệ thống “một cửa” điện tử và dịch vụ công trực tuyến thành phố với Cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành tích hợp, cung cấp gần 200 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia, phục vụ giao dịch điện tử giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước thuận tiện, dễ dàng. Bên cạnh đó, Sở phối hợp triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia, sẵn sàng đáp ứng việc thanh toán phí, lệ phí trực tuyến, các ứng dụng thanh toán điện tử không dùng tiền mặt.
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi, tổ chức lại bộ máy và quy trình hoạt động, cơ cấu sản phẩm trên cơ sở tích hợp, ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, khả năng cạnh tranh trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, sau thời gian chuẩn bị, đầu tháng 7/2021, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Viettel Hải Phòng – Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội giới thiệu thử nghiệm mô hình “Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố”. Trung tâm tích hợp và cung cấp dữ liệu, thông tin, số liệu toàn diện về các lĩnh vực hoạt động của thành phố như: tình hình phát triển kinh tế-xã hội, dịch vụ công, thông tin y tế, giáo dục, giao thông,…; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, giúp các sở, ngành, quận, huyện giám sát, điều hành trực tiếp các hoạt động liên quan đến ngành, địa phương thông qua hệ thống camera trí tuệ nhân tạo được lắp đặt trên địa bàn thành phố. Đây là nền tảng, một trong những bước đi để tiến tới xây dựng thành phố thông minh.
Phát triển hạ tầng viễn thông
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, để triển khai chuyển đổi số, việc chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng viễn thông có vai trò quan trọng. Với dân số hơn 2 triệu người, số thuê bao di động đăng ký toàn thành phố hiện đạt khoảng 2 triệu thuê bao, trong đó có hơn 60 nghìn thuê bao cố định và gần 1,8 triệu thuê bao internet băng thông rộng… Hơn 95% số thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh. Hệ thống hạ tầng viễn thông trên địa bàn thành phố tiếp tục được các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông lớn như: Viettel, VNPT, Mobifone tích cực đầu tư, nâng cấp với tổng số trạm thu, phát sóng hiện có là 2.030 trạm, đáp ứng cung cấp các dịch vụ công nghệ viễn thông 3G, 4G phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hiện, tỷ lệ phủ sóng di động 3G trên toàn thành phố (theo dân số) đạt 100%, 4G đạt gần 80%. Đây là những thuận lợi cơ bản, đáp ứng mức độ sẵn sàng về hạ tầng viễn thông phục vụ quá trình chuyển đổi số của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thành phố, cũng như xây dựng xã hội số. Thực tế thời gian qua, trước xu thế chung và tác động của dịch COVID-19, nhiều ngành, cơ quan, đơn vị thành phố tận dụng sự phát triển của công nghệ viễn thông, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động như: tổ chức dạy học và hội họp trực tuyến; kê khai, nộp thuế điện tử; truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng quét mã QR; thanh toán phí dịch vụ qua ứng dụng ngân hàng không dùng tiền mặt…
Cũng theo Sở Thông tin và Truyền thông, để quá trình chuyển đổi số trong giai đoạn tới diễn ra thuận lợi, yếu tố quan trọng là phát triển thành công mạng 5G, từ đó phát triển các dịch vụ số, công nghệ 5G, internet tốc độ cao. Do đó, Sở hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông thực hiện thủ tục xin cấp phép xây dựng các trạm thu, phát sóng thông tin di động tại các vị trí được phê duyệt phù hợp với quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động của thành phố. Qua đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp viễn thông mở rộng cung cấp dịch vụ thông tin di động công nghệ 4G đến 100% khu dân cư và đặc biệt là sẵn sàng về hạ tầng cho triển khai mạng 5G. Hiện nay, Mobifone và Viettel triển khai thử nghiệm thành công mạng 5G trên địa bàn thành phố, tiến tới phát triển mạng 5G tại một số khu vực ưu tiên như: nội thành, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, bến xe, cảng… Sở đang tham mưu, đề xuất Thành ủy xem xét ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức và công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong đẩy mạnh chuyển đổi số./.
Bài: Ngọc Lan. Ảnh: Trung Kiên