Dự báo tình hình bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, người dân cần chủ động đề phòng và phát hiện biểu hiện, triệu chứng để kịp thời đưa trẻ đi khám, điều trị tại các cơ sở y tế.
Sáng ngày 24-12, tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng), tất cả giường bệnh của khoa đều chật cứng bệnh nhi nằm điều trị. Trước tình hình số bệnh nhi mắc cúm mùa nhập viện ngày càng tăng cao, Khoa Truyền nhiễm không thể đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh, bệnh viện điều chuyển bệnh nhi nội trú sang các khoa: Tự nguyện B, Ngoại chấn thương và Hồi sức cấp cứu để đáp ứng công tác điều trị.
Theo ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, mặc dù bệnh nhi đến khám, điều trị nội trú khá đông, nhưng không có tình trạng phải nằm ghép 2-3 trẻ/giường, không phải kê thêm giường. Bác sĩ Bùi Thị Quyên, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết: “Việc sử dụng các khoa, phòng khác hỗ trợ công tác điều trị bệnh cúm được bệnh viện thực hiện nghiêm ngặt, bảo đảm cách ly an toàn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Các ngày thứ bảy, chủ nhật, số lượng bệnh nhi đến khám tăng cao, bệnh viện huy động tối đa nguồn nhân lực phục vụ công tác điều trị”.
Tại Khoa Nhi (Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng), trung bình mỗi ngày tiếp nhận thêm 15-20 ca mắc cúm mới, phần lớn là trẻ dưới 3 tuổi. Bác sĩ Phạm Văn Điệp, Khoa Nhi (Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng) cho biết: Phần lớn trẻ đến khám có các biểu hiện như: sốt cao, ho, đau cơ, khó thở, bú kém… và đều được chỉ định nhập viện theo dõi, điều trị. Thời điểm này đang là cao điểm của bệnh cúm mùa, độ ẩm trong không khí tăng cao là điều kiện thuận lợi để vi-rút cúm lây lan nhanh, nhất là trong không gian kín, đông người. Hiện có một số người nhầm lẫn bệnh cảm cúm với cảm lạnh nên chủ quan trong việc điều trị. Do đó, mọi người cần hết sức lưu ý, bệnh cúm các biểu hiện thường nặng, tiến triển nhanh, kéo dài hơn so với cảm lạnh.
Do người bệnh nhiễm cúm nhập viện điều trị gia tăng nên một số bệnh viện rơi vào tình trạng thiếu thuốc Tamiflu (thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir, có tác dụng chống vi-rút và ngăn chặn hoạt động của vi-rút gây cúm A và cúm B). Trước tình trạng đó, nhiều gia đình có trẻ nhỏ sốt sắng, “đổ xô” đi mua thuốc Tamiflu để dự phòng.
Về việc này, bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Sơn, Trưởng Khoa truyền nhiễm (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng) khuyến cáo: Việc người dân tự tìm mua thuốc Tamiflu tại các hiệu thuốc hoặc trên mạng để dự phòng điều trị cúm A, cúm B là không nên, vì Tamiflu là thuốc kê đơn. Thông thường, bệnh cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày và không phải trường hợp nào cũng cần sử dụng đến thuốc Tamiflu. Thuốc này thường được chỉ định cho những những người mắc cúm nặng, có biến chứng hoặc trẻ em, người lớn có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch. Việc sử dụng thuốc cần tuân theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ, vì nếu sử dụng Tamiflu một cách tràn lan dễ dẫn đến nguy cơ kháng thuốc, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Không những thế, người bệnh mua thuốc Tamiflu bên ngoài dễ mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Đồng thời, là cơ hội để một số người lạm dụng bán thuốc với giá “cắt cổ”, đẩy giá thuốc lên cao. Vì vậy, mọi người không nên mua thuốc để dự trữ trong nhà khiến “người cần không có, người có không cần”.
Để bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu thuốc Tamiflu phục vụ công tác khám, chữa bệnh, Sở Y tế vừa có văn bản gửi các cơ sở khám chữa bệnh, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn yêu cầu chủ động lập kế hoạch mua sắm thuốc, cập nhật diễn biến mô hình bệnh tật các hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, kịp thời liên hệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để bảo đảm đủ thuốc phục vụ khám, chữa bệnh. Đồng thời, các cơ sở khám, chữa bệnh, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và tăng cường các biện pháp quản lý, tuyệt đối không tăng giá đột biến thuốc Tamiflu và các thuốc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; giao Thanh tra Sở Y tế phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn dược và các quy định về sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc các cơ sở kinh doanh; xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá thuốc không hợp lý trên địa bàn.
Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh cúm, người dân cần chủ động tiêm phòng vắc-xin cúm hằng năm, đây là cách phòng bệnh đơn giản, hiệu quả cao, tiết kiệm nhất. Bên cạnh đó, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, tiếp xúc với người bệnh… Cần tránh tiếp xúc gần người mắc cúm, hạn chế thời gian ở nơi đông người. Trong trường hợp mắc cúm hay có biểu hiện hội chứng cúm, nên ở nhà, nghỉ làm, nghỉ học, tránh tiếp xúc chỗ đông người. Vi-rút cúm có thể lây lan qua hắt hơi, ho khạc, do đó người bệnh nên đeo khẩu trang hoặc che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi để hạn chế lây lan sang người thân và cộng đồng. Nếu xuất hiện các triệu chứng sốt cao kéo dài, không thuyên giảm, viêm phổi, khó thở… cần nhanh chóng nhập viện điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Bài: Hoàng Xuân – Ảnh: Đỗ Hiền
Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (gọi tắt là Cảng Hoàng Diệu) thông báo…
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More